.
Phương hay Thuốc quý

Hẹ - thuốc quý cho mọi người

.

Trong thế giới “rối như canh hẹ” của mạng xã hội, thỉnh thoảng bắt gặp một vài chia sẻ hữu ích, như bài “27 bí kíp của người xưa” có nói: “Nam không thể thiếu rau hẹ, nữ không thể thiếu ngó sen”. Thực ra, hẹ là cây rau, gia vị, thuốc quý cho mọi người, chứ không riêng cho đàn ông.

Một khóm hẹ đang ra hoa trên vỉa hè đường Hồ Nguyên Trừng, Đà Nẵng.Ảnh P.C.T
Một khóm hẹ đang ra hoa trên vỉa hè đường Hồ Nguyên Trừng, Đà Nẵng.Ảnh P.C.T

Hẹ, tên chữ Hán là Cửu thái (韭菜), tên khoa học Allium tuberosum Rotller ex Spreng, thuộc họ Hành - Alliaceae.  

Theo Đông y, lá và rễ hẹ (Cửu thái, Cửu căn) vị cay tính ấm, tác dụng ấm tỳ vị, hành khí, tán huyết, giải độc; chủ trị đau thắt ngực, nôn mửa, nuốt nghẹn, thổ huyết, chảy máu cam, đái ra máu, kiết lỵ, tiêu khát, bệnh trĩ, lòi dom, té ngã trặc trẹo, côn trùng cắn.

Hạt hẹ (Cửu tử) vị cay đắng, tính ấm, tác dụng bổ can thận, mạnh lưng gối, tráng dương, cố tinh; chủ trị di mộng tinh, liệt dương, tiểu nhiều lần, tiểu són, tiểu đục, khí hư, lưng gối yếu mỏi, gặp lạnh  đau tăng.
Mốt số cách dùng hẹ chữa bệnh:

1- Ho trẻ em: Lá hẹ 50g hấp với đường phèn đặt trong nồi cơm hoặc đun cách thủy lấy nước cho uống, chia uống 3-4 lần trong ngày.

2- Hen suyễn nguy cấp: Lá Hẹ, một nắm (50g), sắc uống.

3- Đổ mồ hôi trộm và nhiễm giun kim trẻ em: Rễ hẹ tươi 40 cây, sắc uống, dùng liên tục 3-4 ngày. Hoặc lá hẹ 30g ăn sống hoặc ép lấy nước uống.

4- Yết hầu sưng đau: Hẹ toàn cây một nắm, muối một cục đâm vắt nước nuốt lần lần.

5- Ban đỏ do dị ứng: Rau hẹ tươi 500g, giã nhuyễn, vắt nước, thêm 50ml nước tiểu trẻ em mạnh khỏe, chia 2 lần uống trong ngày.

6- Côn trùng vào lỗ tai không ra: Rau hẹ tươi vừa đủ, giã nhuyễn vắt nước, nhỏ vào tai.

7- Viêm tai chảy mủ thối: Lá hẹ giã vắt nước nhỏ tai, chỉ 3-4 lần là khỏi.

8- Viêm da do dị ứng cây sơn (tất sang): Rau hẹ tươi vừa đủ, giã nhuyễn vắt nước, bôi vào vùng da viêm.

9- Viêm lõm móng tay chân: Lá hẹ 10g, diêm cây 2 hộp nhỏ. Lá hẹ giã nhuyễn, trộn đều với bột diêm tách ra từ đầu que diêm, bó vào chỗ đau.

10- Nấc cụt kéo dài: Hạt hẹ 30g (sao), sắc chia uống 2-3 lần, ngày 1 thang.

11- Nôn ra máu, chảy máu mũi khi có kinh nguyệt: Rau hẹ tươi vừa đủ, giã nhuyễn vắt lấy 1 chén nhỏ (50ml), thêm nước  ấm uống.

12- Cước khí (chứng bệnh hai chân mềm yếu, vận động khó):  Lá hẹ tươi 60g, giã nhuyễn như bùn, cho vào chậu gỗ, đổ nước sôi vào, đợi hơi nguội, cho cẳng chân vào ngâm độ nửa giờ rồi lau khô, thay bít tất sạch. Mỗi ngày hoặc cách nhật ngâm một lần. Ngâm 3-5 lần.

13- Đau bụng kinh: Rau hẹ 250g, đường đỏ 100g. Rau hẹ giã nhuyễn vắt nước, đường đỏ đổ nước đun sôi rồi pha nước hẹ vào, chia uống 2 lần. Uống thuốc rồi nằm sấp một lát, uống khi đau bụng kinh, ngày 1 thang, uống liền 2-3 ngày.

14- Xuất huyết tử cung do rối loạn chức năng, trong máu có cục ứ: Rễ củ hẹ 150-200g, rửa sạch, giã nhuyễn vắt nước, thêm nước sôi uống.

15- Sản hậu huyết vựng (sản phụ hay chóng mặt): Rau hẹ, giấm gạo lượng vừa đủ. Cắt nhỏ rau hẹ, cho vào nồi đất, đổ giấm nấu sôi vào, bịt kín miệng nồi, khoét lỗ đủ xông hơi vào lỗ mũi.

16- Đau lưng cấp tính do trẹo ngã: Hẹ lá cả rễ lượng vừa đủ, giã nhuyễn, thêm muối và rượu xào nóng, đắp lên chỗ đau, dùng vải băng bó cố định lại, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

17- Đau dạ dày do hư hàn: Hạt hẹ 100g, mật ong 90g. Hạt hẹ sao giòn, tán bột, luyện mật ong làm hoàn, uống mỗi lần 10g, uống lúc bụng đói, ngày 2 lần sáng và tối .

18- Phản vị (hay bị ợ chua, nôn ra thức ăn): Rau hẹ 50g, gừng tươi 30g, sữa người hay sữa dê 20ml. Hẹ và gừng giã chung, vắt lấy nước, hòa với sữa, chứng nóng uống hết trước bữa ăn, ngày 1 thang, uống liền 3 ngày.

19- Thận hư, tinh dịch trong loãng, tinh trùng ít hoặc không có:  Hạt hẹ 6g (tán bột), gạo tẻ vừa đủ nấu cháo. Cháo chín vớt lấy váng nước cháo đặc trên cùng, hòa bột hạt hẹ, thêm chút muối rang, ăn trước khi ngủ, ngày 1 lần, ăn thường xuyên.

20- Suy nhược, đái ra tinh: Hạt hẹ 6g (tán bột), gạo tẻ 50g nấu cháo nhuyễn thêm bột hẹ vào ăn, ngày 1 lần, ăn liền 3-5 ngày.

21- Trị tiểu són, tiểu nhiều lần: Hạt hẹ 9g, củ mài 15g, Kim anh tử 30g. Sắc chia uống 2 lần, ngày 1 thang.

22- Thận hư, lưng gối đau yếu, vô lực: Hạt hẹ 30g, Thổ kỷ tử 20g, Nữ trinh tử 30g, Ngũ gia bì 15g. Sắc chia uống 2 lần, ngày 1 thang, uống 3-5 ngày.

23- Cường trung (chứng dương vật luôn cương cứng, đau như kim châm, tinh rò rỉ không ngớt): Hạt hẹ, Phá cố chỉ mỗi thứ 30g, tán bột trộn chung, mỗi lần dùng 9g sắc uống.

24- Rượu bổ thận cường dương: Hạt hẹ 200g, Ngài tằm đực khô 1.000g, Dâm dương hoắc 600g, Khởi tử 200g, Kim anh tử 500g, Ngưu tất 300g, Ba kích 500g, Thục địa 400g, Sơn thù 300g, Đường kính 2kg. Ngâm trong 20 lít rượu ngon, uống mỗi lần 10-15ml, ngày 2 lần.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.