Đà Nẵng cuối tuần

Tái tạo kiệt tác trên chứng tích chiến tranh

07:37, 19/09/2015 (GMT+7)

Nghệ sĩ Tammam Azzam, người Syria đã ghép các kiệt tác nghệ thuật phương Tây vào các tòa nhà bị đánh bom, lỗ chỗ vết đạn rốc-két và các góc phố, làng quê hoang tàn, đổ nát… với hy vọng, các tác phẩm nghệ thuật riêng biệt, khác lạ, mang tính thời sự này sẽ “thu hút sự chú ý đến bi kịch” của các cuộc xung đột đang xảy ra ở Syria.

Tòa nhà mang theo chứng tích bom đạn bay lơ lửng trước Tòa tháp đôi ngày 11-9-2001.
Tòa nhà mang theo chứng tích bom đạn bay lơ lửng trước Tòa tháp đôi ngày 11-9-2001.

Loạt tranh này, Tammam Azzam đặt tên chung là “Bảo tàng Syria”. Các tác phẩm hiện đang trưng bày tại The Old Truman Brewery, phía đông London. Những tác phẩm nghệ thuật này được kết hợp bằng kỹ thuật số, được tác giả thực hiện từ năm 2012. Tammam Azzam đã tìm thấy con đường riêng của mình để lên tiếng về cuộc khủng hoảng Syria.

Bức tranh “Nụ hôn” của họa sĩ Gustav Klimt (người Áo) đã được ông chọn như là một biểu tượng của tình yêu, và đằng sau hình ảnh đằm thắm yêu thương của nụ hôn là bức tường của tòa nhà đã hoàn toàn bị tơi tả, bị xóa sổ bởi các công cụ chiến tranh.

Tammam Azzam
Tammam Azzam

Những họa phẩm lừng danh của Matisse, Goya và Dali… Azzam được sao chép rồi ghép lên trên hình ảnh các chứng tích. Một bức trong số đó gây ấn tượng mạnh bởi hình ảnh của một tòa nhà ở Syria bị đánh bom được vận chuyển bằng bóng bay, đưa khối nhà rã nát lên cao, la đà ở phía trước hai tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại ở New York đang bốc khói đen nghịt cả bầu trời vào ngày 11-9-2001. “Sự kiện này là một trong những sự kiện ấn tượng nhất và bi thảm của cuộc đời chúng ta. Đồng cảm không nên bị giới hạn… Tất cả các công dân cùng chung một thế giới”. Tammam Azzam  nói.

Tammam Azzam chọn lọc sự tương phản cao, chi tiết đầy màu sắc từ những bức tranh nổi tiếng thế giới đối nghịch những bức ảnh đen, trắng và màu xám của những đống đổ nát. Bức tranh khiêu vũ nổi tiếng của Matisse  với màu cam và màu đỏ quấn quanh trong khối hình bầu dục nổi bật trên đống đổ nát.

Tranh các phụ nữ vùng cao của Gauguin được ghép lồng ngồi giữa một trại tị nạn, trầm tích ngổn ngang xung quanh họ. Mona Lisa với nụ cười bí ẩn giữa những cơn ác mộng của sự tàn phá khủng khiếp ở cuộc nội chiến Syria… tất cả tạo nên một cảm giác bất lực tuyệt đối.

Mona Lisa của Vinci trước một tòa nhà đổ nát.
Mona Lisa của Vinci trước một tòa nhà đổ nát.

Cuộc cách mạng Syria xoay chuyển cuộc đời Tammam Azzam và công việc hằng ngày của ông hoàn toàn đảo lộn. Vào đầu năm 2011, chỉ một vài tuần sau khi cuộc cách mạng Syria bắt đầu, Azzam nhận được thông báo nghĩa vụ quân sự, họ ra lệnh cho ông tham gia quân đội Syria. Vào thời điểm đó, ông đang sống và làm việc tại Damascus.

Azzam đã bác bỏ nghĩa vụ quân sự và nói: “Tôi không muốn có mặt để bắn vào đồng bào của tôi”. Từ đó Azzam chọn cách sống lưu vong. Ông đến Dubai và quyết định định cư ở đó trong thời gian này. Thật không dễ dàng vì xưởng vẽ đã mất và không có nguyên liệu để làm việc, nhưng Azzam hoàn toàn muốn theo đuổi nghệ thuật. Vì vậy, Azzam tiếp tục làm nghệ thuật của mình bằng cách sử dụng các vật liệu đã có sẵn, một máy tính và hình ảnh kỹ thuật số.

Syria sở hữu một di sản văn hóa rộng lớn, hiện một phần bị phá hủy hoặc phải đối mặt với sự hủy diệt sắp xảy ra. Ít nhất Tammam Azzam và gia đình đã tìm được một nơi an toàn để sống và làm việc tại Dubai. Tuy nhiên, sự phá hủy và hàng triệu người đau khổ ở Syria vẫn thường xuyên hiện diện trong tâm trí của họ, sự đau khổ của triệu người vẫn còn sống ở Syria không bao giờ rời bỏ họ.

Đôi khi ông cảm thấy bị tê liệt trước câu hỏi: Làm thế nào bạn có thể chống chọi bằng tác phẩm nghệ thuật khi hơn 200 người bị giết trong một ngày tại Syria?

Là nghệ sĩ, ông hiểu mình không thể khoanh tay chờ cơ hội để làm nghệ thuật. Nếu thế giới từ chối đến Syria để xem những gì đang xảy ra ở đó, thì tình trạng Syria phải đến với thế giới. Tammam Azzam nói, nhiều người ở Syria không còn có nơi nào họ có thể trở lại. Những ngôi nhà cũ của họ nằm trong đống đổ nát, các thị trấn, thành phố, làng mạc đã bị xóa khỏi bản đồ.

Tất cả chỉ còn tồn tại trong trí tưởng tượng của chúng tôi. Mọi người đang thật sự tuyệt vọng, họ cảm thấy như họ không có gì để mất, họ thà chịu rủi ro hay chết đuối ở Địa Trung Hải hơn là ở lại và chịu đựng dưới sự khủng bố kép của lực lượng Assad và Nhà nước Hồi giáo. Hầu hết họ không có cách nào khác. Họ chỉ muốn sống bình yên. Chúng tôi không muốn trở thành gánh nặng, chúng tôi chỉ cần giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế.  Azzam hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ làm nhiều hơn để giúp đỡ người tị nạn Syria.

HOÀNG ĐẶNG

.