.

Tản mạn về ngày khai giảng

1. Thời buổi này có lẽ chỉ có cái trống trường là còn đủ háo hức hân hoan hồi hộp đợi chờ ngày khai giảng năm học mới, sau ba tháng trầm tư thế sự (Cái trống trường em/ Mùa hè cũng nghỉ/ Suốt ba tháng liền/ Trống nằm ngẫm nghĩ - thơ Thanh Hào).

Bởi từ giữa tháng 8, trong hai tuần lễ thực học trước thời khắc từng khiến những ai đi học - nhất là những người ngày đầu tiên đi học (tên ca khúc của Nguyễn Ngọc Thiện) hay lần đầu được chuyển cấp vào học ở một ngôi trường mới - đều tràn đầy cảm xúc, là ngày khai giảng năm học, chắc chưa trường nào tổ chức… đánh trống và do vậy cái trống trường vẫn được nghỉ và vẫn được ung dung nằm ngẫm nghĩ tròn ba tháng!

Chẳng phải ngẫu nhiên mà báo chí gần đây thường lên tiếng về việc giữ thiêng cho ngày khai giảng nhằm trả lại không khí hồi hộp hân hoan háo hức đợi chờ vốn có của một ngày tựu trường đúng nghĩa.

2. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thay vì lo nghĩ quốc gia đại sự lại phải bận tâm đến những điều tưởng như chỉ thuần túy là việc “bếp núc” của ngành giáo
dục - song rất đúng và rất cần thiết - như các trường học trong cả nước chỉ nên khai giảng cùng một ngày thậm chí cùng một giờ, như trong buổi lễ khai giảng thầy trò phải đồng thanh hát quốc ca khi chào cờ Tổ quốc, như nhân vật chính của ngày khai giảng năm học mới phải là toàn thể học sinh của nhà trường chứ không phải là… các quan chức!

Có lẽ do thấu hiểu điều cơ bản này mà trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 9 năm 1945, Hồ Chủ tịch chỉ hướng đến một đối tượng duy nhất để chia sẻ, để khuyên bảo và để hy vọng là học sinh cả nước, không thấy Bác kết hợp động viên hoặc giao nhiệm vụ cho các đối tượng khác…

3. Một nghi thức rất đáng trân trọng và dễ gây ấn tượng trong ngày khai giảng năm học mới là tổ chức đón học sinh lớp đầu cấp nhập trường. Thời nhà thơ Thanh Tịnh còn học phổ thông chắc chưa có nghi thức này nên không thấy ông nhắc đến trong bài tùy bút Tôi đi học để đời của ông. Nghi thức đón học sinh lớp đầu cấp nhằm giáo dục cho học sinh - cả mới lẫn cũ - ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống của trường.

Cho nên cần có hình thức tô đậm sự tiếp nối thế hệ, chẳng hạn đại diện học sinh trên một lớp có thể trao cho đại diện học sinh lớp đầu cấp một vật tượng trưng, kiểu như trao tín gậy trong thi chạy tiếp sức. Đối với lớp đầu cấp vào trường qua thi tuyển như lớp đầu cấp trung học phổ thông, nhà trường có thể kết hợp xướng danh từng học sinh theo thứ tự trúng tuyển khi các em vào lớp - trường hợp này, học sinh đỗ thủ khoa sẽ vinh dự được nhận vật tượng trưng.

4. Về việc đọc thư của Chủ tịch nước trong lễ khai giảng như một nghi thức thiêng liêng, vừa thể hiện sự quan tâm của bậc nguyên thủ quốc gia đối với những người chủ tương lai của đất nước, vừa thể hiện chân lý nước Việt Nam là một, thống nhất từ Nam Quan cho đến Cà Mau, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đất liền đến hải đảo.

Theo tôi, hằng năm nên đọc thư của Chủ tịch nước đương nhiệm, nhưng những năm chẵn hay năm tròn kỷ niệm ngày thành lập nước thì nên đọc thư của Bác Hồ - Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - gửi học sinh nhân ngày khai trường năm 1945 nhằm ôn cố tri tân. Các vị lãnh đạo Trung ương hoặc địa phương được phân công đến dự khai giảng sẽ là người đọc thư của Chủ tịch nước hay của Hồ Chủ tịch, thay vì tự mình phát biểu ứng khẩu hay đọc diễn văn viết sẵn - như gợi ý của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

5. Bộ đồng phục như là “thương hiệu” của từng trường cũng gây ấn tượng cho học sinh trong ngày khai giảng, nhất là với học sinh đầu cấp ở những trường có tổ chức thi tuyển như Trung học Phan Châu Trinh ngày xưa hoặc Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn ngày nay, bởi dễ gì được mặc bộ đồng phục quần trắng áo/áo dài trắng của học sinh Phan Châu Trinh hay bộ đồng phục áo/áo dài màu thiên thanh của học sinh Lê Quý Đôn.

Có người ngại rằng buộc học sinh mặc đồng phục sẽ gây khó khăn về tài chính cho một số gia đình - không phải cha mẹ nào cũng có tiền may cho con bộ đồng phục mới vào đầu năm học. Nhưng, nhìn ở góc độ khác, đồng phục lại là con đường ngắn nhất để xóa đi sự cách biệt về gia cảnh giữa các học sinh cùng trường.

6. Ngày khai giảng cũng là Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, vì thế hễ tới mùa tựu trường, trong lòng các bậc làm cha làm mẹ lại ngổn ngang trăm mối. Có con học đến lớp đầu cấp thì lo không biết con mình sẽ được học trường nào. Ở cấp có tổ chức thi tuyển, con mình được trúng tuyển thì không nói làm gì, nhưng không trúng tuyển thì đi đâu về đâu là cả một vấn đề không phải cứ muốn là được.

Ở cấp không tổ chức thi tuyển, trường đúng tuyến gần nhà thì nhiều khi chất lượng dạy-học không như mong đợi, còn trường trái tuyến, có “thương hiệu” thì thường xuyên quá tải, dẫn đến con mình rất khó được nhận vào học, thậm chí với một số trường còn có chủ trương không được nhận học sinh trái tuyến… Đó là chưa kể nhà không thật khá giả, cha mẹ phải thắt lưng buộc bụng để lo cho con mình bằng chị bằng em, ít nhất cũng được bộ đồng phục, và sách vở và bút mực và học phí…

7. Người làm cha làm mẹ lo cho con như vậy nhưng không hề mong sau này được con báo đáp, chỉ mong sao con mình học được điều hay lẽ phải để làm người. Tất nhiên đây mới là ngày khai giảng, người làm cha làm mẹ biết rằng áp lực nặng nề của “sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi” (ngạn ngữ Ấn Độ) mà con mình phải đối mặt, đương đầu mới vừa khởi động.

Còn cả một năm học, một cấp học - thậm chí mấy cấp học - đang ở phía trước! Có điều gánh nặng của sự học vốn vô hình, người cả nghĩ mới thật sự thấm thía, trong khi trọng lượng của chiếc cặp hằng ngày đè nặng trên đôi vai con trẻ thì ai cũng có thể cảm nhận được. Có bà mẹ quá sốt ruột, tháo chiếc cặp trên vai con và nhấc lên xem thử để rồi không kìm lòng được mà than rằng: “Không biết có đỗ trạng được không mà ngày nào cũng mang vác như cửu vạn thế này!”…     

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.