Ngày 30-10-2015, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ tổ chức Hội thảo khoa học về Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế.
Trước đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã công bố công trình “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” - NXB Thuận Hóa in lần thứ nhất năm 2007, in lần thứ hai năm 2015. Ông khẳng định Cung điện Đan Dương nằm ở khu vực chùa Thiền Lâm, chùa Vạn Phước hiện nay. Nhân dịp này ĐNCT giới thiệu bài viết của nhà báo Thanh Tùng về công trình này.
A.051 - Đầu thế kỷ XX, Thượng thư bộ Binh Phạm Liệu tận dụng đá của những phế tích chung quanh chùa Thiền Lâm xây mộ cho bà thân mẫu trên cồn Bông Sứ ở ấp Bình An. |
Từ những chỉ dẫn của người xưa
Trong quá trình nghiên cứu những gì có liên quan đến Huế qua sử học, địa lý, văn học cổ, khảo cổ học... Nguyễn Đắc Xuân phát hiện được nhiều chỉ dẫn quan trọng, tiết lộ lăng mộ vua Quang Trung có tên là lăng Đan Dương.
Theo một chỉ dẫn của Phan Huy Ích, khi vào làm việc với Bùi Đắc Tuyên ở chùa Thiền Lâm ông mới biết Bùi Đắc Tuyên có thói quen ban đêm thức làm việc, ban ngày ngủ. Phan Huy Ích không quen ngủ ngày nên ngồi trong nhà trọ bày rượu uống. Những người khách thân giữ lăng Đan Dương thường đến uống rượu với ông. Như vậy lăng Đan Dương phải ở gần chùa Thiền Lâm.
Vua Quang Trung mất đột ngột, triều đình lúc đó đang phải đối phó với tình hình chính trị phức tạp: thù trong, giặc ngoài, nội bộ anh em nhà Tây Sơn đang mất đoàn kết. Xây lăng, đắp mộ cho ông là một việc lớn, nhưng phải giải quyết trong điều kiện hoàn toàn bí mật, nếu không giữ được bí mật thì khó tránh được những đột biến khôn lường. Trong tình cảnh ấy mộ vua Quang Trung phải được đặt ngay trong cung điện Đan Dương.
Trong bài Cảm hoài, Ngô Thời Nhậm cho biết vua Quang Trung có một cung điện tên là Đan Dương, sau đó được sử dụng làm lăng cho vua Quang Trung (Cung điện Đan Dương là nơi phụng chúa bảo y tiên hoàng ta). Vì thế cung điện Đan Dương rất có thể là hành cung của vua Quang Trung? Trong nhiều bài thơ khác Ngô Thì Nhậm cũng nhắc đến Đan Dương Lăng, Đan Lăng.
Phan Huy Ích nhiều lần đề cập đến Đan Lăng trong các sáng tác của mình. Năm 1799, khi Thái Vũ hoàng hậu Lê Ngọc Hân qua đời, Phan Huy Ích viết điếu văn cho vua Quang Toản, tác giả cho biết triều Quang Toản đã thỏa mãn nguyện vọng muốn được mãi mãi ở cạnh Quang Trung của bà Ngọc Hân, đã cho táng bà bên cạnh lăng vua Quang Trung: “Bên Đan Lăng quanh quất mạch liên châu” v.v...
Qua những chỉ dẫn của hai danh thần triều Tây Sơn có thể khẳng định lăng mộ của vua Quang Trung nằm trên vùng núi phía nam kinh đô Phú Xuân lúc bấy giờ. Căn cứ vào đặt tên địa danh của vua chúa xưa và địa hình xứ Huế, hơn 20 năm qua Nguyễn Đắc Xuân đã cất công đi tìm tọa độ của cung điện Đan Dương.
A.052 và A.053 - Hai viên đá của một kiến trúc cổ được thu nhặt về đây nhưng không dùng có đề lưu lại sau lăng. Viên thứ nhất có kích thước 55x35cm, chiều cao có 2 cấp, cấp thấp khoảng 30cm, cấp cao khoảng 34cm; viên thứ hai là một viên đá táng cột 45x45cm, dày 25cm. Phần khoét giữa mặt đá táng có một hình tròn bị cắt một khúc và đục rộng ra. Chỗ khoét sâu ấy có một hình tròn và một hình tam giác ghép vào nhau. Ở hai đầu góc nhọn của tam giác có hai đường hoa văn cuốn lên rất lạ. |
Phủ Dương Xuân và cung điện Đan Dương trong sử sách
Lăng mộ vua Quang Trung đã bị triều Nguyễn “tận pháp trừng trị” và cấm thần dân nhắc đến. Vì thế những nhà nghiên cứu thời Nguyễn không dám đả động đến lăng mộ vua Quang Trung, nếu vô tình gặp phải thì tránh. Tất cả những điều khó hiểu đó tập trung lại quanh chùa Thiền Lâm. Nguyễn Đắc Xuân phát hiện ra những điều bí ẩn ấy và đã đi đến cùng để giải mã nó.
Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, ngoài kinh thành Phú Xuân ở bờ bắc sông Hương còn có điện Trường Lạc, phủ Dương Xuân ở bờ nam. Vua Quang Trung chắc chắn cũng có hành cung ở ngoài kinh thành Phú Xuân. Các di tích có liên quan đến nhà Tây Sơn đều bị nhà Nguyễn phá sạch. Những hành cung ngoài kinh thành Phú Xuân của vua Quang Trung cũng chịu chung số phận. Một trong những hành cung ấy là Đan Dương.
Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) viết về gò Dương Xuân có 2 thông tin đáng lưu ý: Phía nam gò có đàn Nam Giao; trên gò có dựng phủ Dương Xuân (thời quốc sơ). Như vậy là phủ Dương Xuân nằm ở phía bắc đàn Nam Giao. Trên bản đồ giải thửa ấp Bình An lập đầu thế kỷ XX, và trên thực tế hiện nay, chùa Thiền Lâm cũng tọa lạc ở phía bắc đàn Nam Giao. Đan Dương lăng nằm gần chùa Thiền Lâm, có nghĩa là cũng nằm gần Phủ Dương Xuân. Phủ Dương Xuân được xây dựng từ năm 1680 ở vùng gò đồi này được các sử gia giải thích là để các chúa ở trong mùa lũ lụt và trong mùa đông - cho nên còn có tên gọi là cung điện Mùa Đông.
Trong Phủ biên tạp lục (PBTL) Lê Quý Đôn cho biết: “Ở về mạn thượng lưu bờ nam ngạn, có phủ Dương Xuân, phủ Cam. Đi lên phía trên nữa có phủ Tập Tượng...
Phan Huy Ích vào Thuận Hóa làm quan dưới triều Tây Sơn, ông ở Huế khá lâu và ghi chép được nhiều tài liệu về Huế. Những tài liệu đó được con ông là Phan Huy Chú tham khảo trong lúc viết cuốn Dư Địa Chí. Dư Địa Chí có đoạn viết về những cung điện ở bờ nam sông Hương: “Nam ngạn con sông và trên mạng thượng lưu, lại có phủ Dương Xuân, điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ; ấy là những tòa nhà nguy nga, mái đao rực rỡ, có hành lang bao quanh, tường thành vây bọc; cửa ngõ mở thông ra tứ phía, được chạm trổ và trang sức rất công phu...
Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (ĐNTLTB) soạn từ năm Minh Mạng thứ hai (1821) đến năm Thiệu Trị thứ tư (1844), các sử thần triều Nguyễn có đoạn viết tương tự như của Phan Huy Chú, nhưng không thấy nói gì đến Phủ Dương Xuân. Điều đó chứng tỏ rằng đến thời Minh Mạng - thời viết ĐNTLTB - phủ Dương Xuân không còn nữa (?) Theo Nguyễn Đắc Xuân, ĐNTLTB không nhắc đến phủ Dương Xuân vì hai lẽ: 1. Phủ Dương Xuân bị xóa vết tích từ đầu triều Gia Long. 2. Không nhắc đến phủ Dương Xuân để cho thống nhất với chủ trương Phủ Dương Xuân bị mất tích từ sau khi binh loạn như ĐNNTC đã viết.
Những nét chính của phủ Dương Xuân mà Nguyễn Đắc Xuân tìm kiếm trong thực tế gồm: 1. Có những biểu hiện của một vùng kiến trúc cổ đặc biệt đã bị triệt hạ chôn sâu dưới đất nằm giữa chùa Từ Đàm và chùa Tuệ Lâm đúng vào vị trí “phía thượng lưu và hơi xa bờ sông Hương một chút”. 2. Khu vực nằm trên gò Bình An (một phần cắt của gò Dương Xuân cũ) đúng vào vị trí bắc đàn Nam Giao. 3. Địa thế chỗ cao (đỉnh gò) còn nhiếu dấu vết móng tường thành, chỗ thấp có hồ bán nguyệt, suối Tiên. 4. Khu vực có dấu tích nhiều kiến trúc khác nhau như giếng nước, móng tường thành, đá táng cột.
Đi tìm phủ Dương Xuân trên địa bàn ấp Bình An – TP. Huế
Khu vực chùa Thiền Lâm và chùa Vạn Phước, thuộc ấp Bình An, có rất nhiều dấu tích kiến trúc cổ. Khi đào đất làm vườn hay dựng nhà, người dân ở đây bắt gặp ở dưới đất rất nhiều gạch vồ, đá lát khổ lớn; có nhiều viên đá lót đường thu nhặt từ những công trình kiến trúc cũ đã bị chôn vùi xuống đất từ xưa.
Nhiều bia mộ của các vị Tổ sư chùa Thiền Lâm bị mài đục. Có rất nhiều lăng mộ xây bằng đá tận dụng ở khu vực cồn Bông Sứ - ngay trước chùa Vạn Phước. Xin khảo tả một ngôi lăng với một tấm bia lớn dựng trên lưng một con rùa bằng đá trắng. Tấm bia đá granít đã bị “mài” nhẵn mất hết chữ. Hiện tấm bia lớn + rùa đá còn dựng ở sân sau chùa Thiền Lâm. Ở phía tây nam tấm bia + rùa đá chừng ba bốn chục mét có một ngôi lăng rộng 3m, dài 4m, tấm bia lăng (1,1m x 1,1m) ghép bằng ba phiến đá mỏng (ảnh A.051).
Phía trước lăng có hai cái trụ đá hình chóp thấp, một cái bàn đá nhỏ giống như một cái ghế đá vuông chôn sâu dưới đất. Phía sau lăng có hai khối đá khác, chiều cao có hai cấp, một khối đá táng cột. Viên đá táng cột này rất đặc biệt, phần khoét giữa mặt đá để kê cột có một hình tròn bị cắt một khúc và đục rộng ra. Chỗ khoét sâu ấy chứng tỏ mặt cắt ngang cây cột kê vào viên đá ấy có một hình tròn và một hình tam giác ghép vào nhau. Ở hai đầu góc nhọn của tam giác có hai đường hoa văn cuốn lên. (A.052 & A.053)
Lỗ kê chân cột lớn và có hình khối đặc biệt, chứng tỏ nó có xuất xứ từ một cung điện lớn. Đây là lăng của thân mẫu Thượng thư Bộ Binh Phạm Liệu. Những viên đá đó là phế tích của công trình nào?
Qua tư liệu, hiện vật, địa điểm “cát địa”, những biểu hiện khác thường ở khu vực này Nguyễn Đắc Xuân tin rằng đã tìm ra được phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn “bị mất tích”. Câu hỏi: Đan Lăng ở đâu trong khu vực phủ Dương Xuân/ cung điện Đan Dương? Địa điểm huyệt mộ táng vua Quang Trung đã bị quật phá cụ thể ở chỗ nào trong khu vực này? Giải pháp cơ bản để trả lời câu hỏi này Nguyễn Đắc Xuân đã đưa ra cách đây hơn 20 năm nhưng các cơ quan khảo cổ học của Nhà nước chưa vào cuộc nên ông chỉ dám đặt tên cho công trình nghiên cứu là “Góp một giải pháp vào việc tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung”.
Câu trả lời cuối cùng còn đợi kết quả khai quật khảo cổ học.
THANH TÙNG