Tại Hội thảo Đổi mới quản lý giáo dục đại học (ĐH) do ĐH Đà Nẵng chủ trì cách đây 5 năm, khi bàn về sự “thiếu lửa” trong giảng dạy và học tập ở một bộ phận giảng viên và sinh viên, các ý kiến đã chỉ rõ sự thiếu gắn kết giữa thực tế với nội dung bài giảng. Việc đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo và nâng cao chất lượng tại các cơ sở giáo dục đại học thành viên của ĐH Đà Nẵng được tiến hành mạnh mẽ trong thời gian qua. Trao đổi với ĐNCT, GS,TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng đã nêu bật những nét đổi mới kể từ sau hội thảo:
Đại học Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đảm bảo và nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) thành viên cũng như chất lượng của các chương trình đào tạo (CTĐT). ĐH Đà Nẵng quán triệt toàn thể cán bộ, giảng viên (CB, GV) luôn lấy người học làm trung tâm trong giảng dạy, là đối tượng để phục vụ, giúp đỡ, hỗ trợ, tư vấn, giúp định hướng nghề nghiệp… với yếu tố chất lượng là then chốt và được đặt lên hàng đầu.
ĐH Đà Nẵng đã chỉ đạo triển khai xây dựng các CTĐT theo tiêu chuẩn quốc tế, cử nhiều cán bộ sang học tập tiêu chuẩn AUN của khối ASEAN tại Thái Lan và tiêu chuẩn ABET tại Hoa Kỳ để đổi mới phương pháp giảng dạy, làm cho giờ học trở nên sinh động và hấp dẫn hơn. Bản thân người học cũng phải nỗ lực làm việc, tư duy ngay tại lớp học.
GV không phải “đọc-chép” hay “chiếu-chép” nữa mà là dạy theo phương pháp hướng dẫn, gợi mở để các em tự thực hiện và đạt được chuẩn đầu ra của môn học. Việc kiểm tra đánh giá cũng chú trọng đến việc người học phải chứng minh được là đã đáp ứng được các chuẩn đầu ra của môn học sau khi học xong như trình diễn sản phẩm, xây dựng, báo cáo thuyết trình đề án, dự án theo nhóm. Khi học xong mỗi môn học, người học sẽ đạt và tích lũy được các kiến thức, kỹ năng cụ thể theo tuyên bố trong chuẩn đầu ra của môn học đó.
Sinh viên (SV) được khuyến khích tham gia các đề tài NCKH và chính các đề tài này đã góp phần giúp các em giải quyết các vấn đề thực tiễn cụ thể, gắn kết với thực tế qua việc vận dụng sự sáng tạo linh hoạt của bản thân lẫn kiến thức học được từ các môn học.
ĐH Đà Nẵng đã yêu cầu tất cả các CSGDĐH thành viên phải định kỳ rà soát các CTĐT hằng năm. Để thực hiện việc cải tiến và đổi mới CTĐT, các GV cần nhanh chóng cập nhật các thay đổi trong quy định của Nhà nước, trong sự phát triển kinh tế-xã hội, những tiến bộ mới, các kết quả nghiên cứu mới trong khoa học công nghệ có liên quan đến CTĐT.
Bên cạnh đó các khoa phải tổ chức lấy ý kiến đóng góp, đánh giá và phản hồi về nội dung CTĐT từ các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng lao động, cựu SV, các tổ chức xã hội nghề nghiệp để nhanh chóng phát hiện các điểm tồn tại của CTĐT hoặc các vấn đề mà trong thực tế xã hội, doanh nghiệp đang cần. Trên cơ sở đó các khoa sẽ tiến hành điều chỉnh bổ sung, cập nhật nội dung các môn học, làm cho CTĐT luôn gắn kết và đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn.
ĐH Đà Nẵng đã thành lập các đoàn đánh giá toàn diện chất lượng CSGDĐH, chỉ ra những điểm mạnh cũng như những vấn đề tồn tại và tư vấn giải pháp khắc phục, để các điều kiện học tập và thực hành ngày một khang trang hơn, phục vụ một cách tốt nhất cho SV. Trong đợt tuyển sinh năm 2015, ĐH Đà Nẵng đã thu hút được các em SV có điểm chuẩn rất cao vào học.
* Thưa GS,TS, với vị thế của một ĐH vùng trọng điểm ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, ĐH Đà Nẵng đã có những chính sách gì trong xây dựng đội ngũ và công tác cán bộ?
- Chúng tôi chủ trương các GV trẻ của ĐH Đà Nẵng bắt buộc phải đi học sau đại học ở nước ngoài, trừ những ngành đặc thù mới được cử đi học trong nước. Sau 3 năm đầu ở lại trường, các GV trẻ được ưu tiên dành thời gian để học ngoại ngữ và nghiên cứu khoa học (NCKH), nếu không đạt yêu cầu về ngoại ngữ sẽ không ký tiếp hợp đồng. Từ năm 2014, chúng tôi không tiếp nhận GV mới chưa có bằng thạc sĩ ở các trường ĐH lớn ở nước ngoài. ĐH Đà Nẵng cũng có những chính sách hỗ trợ cho GV trẻ như tăng cường các khóa bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm để có phương pháp giảng dạy tốt; tạo môi trường làm việc, nghiên cứu cho GV có trình độ.
Nhờ những chính sách đó mà hiện nay bên cạnh tỷ lệ GV có trình độ tiến sĩ thì ĐH Đà Nẵng còn có hơn 350 GV đang theo học tại các trường ĐH/viện nghiên cứu ở nước ngoài, trong đó có trên 200 GV làm nghiên cứu sinh và mỗi năm có trung bình thêm khoảng 50 tiến sĩ mới. Hiện nay, tỷ lệ GV có trình độ tiến sĩ đạt trên 23% trong toàn ĐH Đà Nẵng, riêng Trường ĐH Bách khoa tỉ lệ này là trên 34%, Trường ĐH Kinh tế: 27%.
* Mới đây, trong Hội nghị Hiệu trưởng Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 3 được tổ chức tại Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với thành phố Mimasaka. Đây là hình thức hợp tác đầu tiên giữa một trong những đơn vị hành chính của Nhật Bản với một ĐH Việt Nam trong việc trao đổi nhân lực. Xin GS cho biết, phương châm của ĐH Đà Nẵng trong công tác hợp tác quốc tế (HTQT)?
- Một trong những giải pháp để phát triển ĐH Đà Nẵng là đẩy mạnh HTQT, mà chủ yếu là hợp tác với các ĐH/viện nghiên cứu trên thế giới. Nội dung cơ bản là đổi mới quản trị đại học, xây dựng CTĐT, trao đổi - giao lưu SV, trao đổi GV, trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu chung, đồng tổ chức các hội thảo khoa học, đồng xuất bản tài liệu, sách, bài báo khoa học và phối hợp tìm kiếm tài trợ cho các dự án nghiên cứu phát triển, tăng cường CSVC. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng hợp tác với các doanh nghiệp trong hỗ trợ đào tạo, học bổng cho SV, NCKH, tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, ĐH Đà Nẵng đã có quan hệ với các ĐH, trong đó có những ĐH hàng đầu ở hầu hết các châu lục như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Áo, Na Uy, Phần Lan, Ý, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc,...
Nhằm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo một cách hiệu quả, chúng tôi cũng tìm hiểu thêm về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở các nước khi có điều kiện. Vì vậy làm việc với một số thành phố của Nhật Bản như Yokohama, Sakai, Mimasaka là nhằm vào phát triển Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với thành phố Yokohama, ĐH Đà Nẵng cũng đã ký hợp tác toàn diện với ĐH Quốc gia Yokohama. Vừa rồi chúng tôi cũng đã ký kết với thành phố Mimasaka nhằm hợp tác hỗ trợ nguồn nhân lực, tăng cơ hội việc làm cho SV, đặc biệt là khối ngành kỹ thuật và tiếng Nhật.
* Cùng với HTQT, NCKH được xem là công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng ĐH Đà Nẵng thành ĐH nghiên cứu. ĐH Đà Nẵng đã có những điều chỉnh gì về mặt cơ chế để công tác NCKH và chuyển giao công nghệ đi vào chiều sâu và có hiệu quả, thưa GS?
- Trong bộ tiêu chí để phân loại và xếp hạng các trường ĐH theo Nghị định số 73/2015/NĐ-CP ban hành ngày 8-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ thì các trường đại học sẽ phân thành 2 loại: ĐH định hướng nghiên cứu và ĐH định hướng ứng dụng. Trong loại dành cho ĐH định hướng nghiên cứu thì hoạt động NCKH, đào tạo sau đại học và hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng.
NCKH là một trong 2 nhiệm vụ chính của GV. Giải pháp lớn nhất hiện nay là tập trung đào tạo đội ngũ có trình độ tiến sĩ ở các trường ĐH lớn trên thế giới. Ngoài kinh phí nghiên cứu từ Nhà nước và các nguồn tài trợ từ các quỹ nghiên cứu, doanh nghiệp thì ĐH Đà Nẵng đã thành lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ ĐH Đà Nẵng lấy từ nguồn thu học phí với tỷ lệ thích hợp, tài trợ từ các đơn vị bên ngoài.
ĐH Đà Nẵng đã đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, địa phương để các đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng và thiết thực hơn. Tổ chức và sắp xếp lại các trung tâm, viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ (TechMart). Ngoài ra, ĐH Đà Nẵng cũng đang đẩy mạnh hoạt động công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus,… bằng việc đầu tư cho các nhóm giảng dạy - nghiên cứu (TRT), các phòng nghiên cứu trọng điểm, thưởng xứng đáng cho tác giả các bài báo.
Tôi tin tưởng rằng, những nỗ lực đổi mới của ĐH Đà Nẵng sẽ giúp cho SV sau khi tốt nghiệp hoàn toàn có đủ khả năng và sự tự tin để làm việc trong những công trình, dự án lớn trong một môi trường có tính toàn cầu hóa cao như hiện nay, đóng góp tốt cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
* Xin cảm ơn GS,TS.
Hà Trần (thực hiện)