Đà Nẵng cuối tuần

Nhiều nước phá giá tiền tệ

07:09, 04/10/2015 (GMT+7)

Rất nhiều người lo ngại về tình trạng nhiều nước “rủ nhau” phá giá đồng tiền nhưng thực tế, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nghiên cứu cho thấy đó là quyết định đúng, mang lại lợi ích cho kinh tế mỗi quốc gia và toàn cầu.

Đồng tiền rupee của Ấn Độ biến động mạnh trong vài tháng gần đây.
Đồng tiền rupee của Ấn Độ biến động mạnh trong vài tháng gần đây.

IMF nhận định sự thay đổi của các đồng tiền kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là “lớn bất thường”, đặc biệt là trong khoảng 2 năm qua dù biết rằng nhiều chính phủ buộc phải phá giá đồng tiền để cứu vãn nền kinh tế. Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ là bất thường nhất trong việc phá giá đồng tiền của mình. Những thay đổi này tạo ra rất nhiều tranh cãi.

Các nhà phân tích cho rằng phá giá đồng tiền để đẩy thế giới bước vào cuộc chiến tranh tiền tệ mới nhằm bảo vệ nền công nghiệp xuất khẩu, đối diện với “làn sóng giảm phát” mới và khiến cho khả năng hồi phục của nền kinh tế thế giới khó khăn hơn.

Một số khác dự báo có ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu và nhập khẩu dựa trên những mô hình kinh tế thông thường. Và không ít người nghiêng về khả năng phân hóa mạnh ở mảng sản xuất tại nhiều nước. Tỷ giá hối đoái họ thường sử dụng trước đây trong trao đổi ngoại thương có thể bị thay đổi mạnh, thậm chí là cắt đứt hoàn toàn.

Lúc Trung Quốc quyết định phá giá đồng nhân dân tệ, nhiều người lo ngại có thể châm ngòi cho làn sóng giảm phát. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định cần phải phá giá đồng yen để tăng năng lực xuất khẩu.

IMF cho biết đồng yen Nhật đã giảm 30% kể từ giữa năm 2012 so với rổ tiền tệ thế giới. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng thực hiện chính sách tương tự làm cho đồng euro giảm hơn 10% kể từ đầu năm 2014. Trong khi đó, đồng đô-la Mỹ lại tăng lên 10% so với giữa năm 2014.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất của IMF cho thấy thương mại toàn cầu vẫn diễn ra theo con đường cũ, xuất khẩu và nhập khẩu phản ứng kịp thời với sự phá giá của các đồng tiền. Hàng hóa xuất khẩu với giá rẻ hơn nên lượng hàng bán ra tốt hơn trước rất nhiều. Các công ty, tập đoàn lớn vẫn tạo ra được chuỗi cung ứng trên nhiều nước với những hợp đồng dài hạn và có bảo hiểm rủi ro.

Lợi ích từ việc cắt giảm tỷ giá trong trao đổi ngoại thương là khá rõ ràng: đồng tiền của một quốc gia giảm giá 10% sẽ thúc đẩy năng lực xuất khẩu của nước đó tương đương 1,5% GDP; hàng hóa xuất khẩu bán dễ dàng hơn trước. Đồng yen của Nhật Bản bây giờ được xem là “nơi trú ẩn an toàn trong khu vực”, thúc đẩy các nhà đầu tư mua tài sản bằng đồng yen.

ANH THƯ (Theo Guardian)

.