Đà Nẵng cuối tuần

Quán dễ thương

06:46, 25/10/2015 (GMT+7)

Tờ mờ sáng chủ nhật, khi dãy cửa hàng thời trang trên đường Lê Duẩn chưa mở hàng, thì cái quán nhỏ nhỏ, xinh xinh trước cổng Trường tiểu học (TH) Trần Cao Vân đã nhộn nhịp đón khách. Tên quán khá dài mà dễ hiểu hết mức: “Bánh mì 1.000 đồng dành cho người còn khó khăn”.

Cô và trò cùng bán bánh mì.
Cô và trò cùng bán bánh mì.

Nói về cái quán của trường mình, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thế Quyết tấm tắc bằng hai từ “dễ thương”. Dễ thương bởi chủ quán chính là các thầy cô giáo trẻ của Trường TH Trần Cao Vân. Vốn liếng buôn bán cũng đều từ một tay thầy trò toàn trường ủng hộ và “đi xin” các nhà hảo tâm. Quán mỗi ngày lại được thêm các cô bác vé số, xe thồ, bán dạo tìm đến.

Vừa ngon, vừa rẻ

Mỗi tháng, quán bánh mì Trường TH Trần Cao Vân (cơ sở đường Lê Duẩn) hoạt động một lần vào sáng chủ nhật thứ hai của tháng. Đã 6 tháng liên tiếp, cứ đến ngày mở quán là có khoảng 250-300 cô bác ghé vào mua.

7 giờ sáng, trời mưa rả rích, cô Trang, người Quảng Ngãi, cầm xấp vé số mới tinh đứng tần ngần trước quán. Cô nói mình không có “phiếu” (tờ phiếu do trường gửi trước đến các cô bác) nên không biết có được mua bánh mì giá rẻ. Đáp lại sự ngần ngại của cô là nụ cười nhẹ nhàng của “chị chủ quán” áo xanh tình nguyện đang thoăn thoắt gắp rau, gắp chả: “Không có phiếu vẫn mua bình thường cô ạ”. Bỏ tờ 1.000 đồng vào chiếc thùng đặt trước tủ bánh mì, cô Trang nhận lại ổ bánh nóng giòn thơm lựng.

Cũng là người Quảng Ngãi ra Đà Nẵng bán vé số dạo, nhưng “địa bàn hoạt động” của cô Hồng nằm ngay trên đường Lê Duẩn nên cô tỏ ra khá rành rẽ: “Cần chi hỏi tui nè, tui đi lại chỗ ni miết nên biết hết. Từ hồi khai trương quán đến chừ, lần mô tui cũng mua”. Cô Hồng cho biết, nhiều nơi bán ưu đãi cho các cô khoảng 3.000-5.000 đồng/ổ, nhưng không nơi nào giá “hấp dẫn” bằng Trường TH Trần Cao Vân. Đã vậy, bánh ở đây lại ngon, phục vụ chu đáo với bàn ăn và nước trà miễn phí.

Với những người lần đầu đến quán, dù đã nhìn thấy tấm băng rôn “bánh mì 1.000 đồng”, nhưng họ vẫn lừng khừng chưa thể tin ngay. Dựng chiếc xe đạp với cái rổ tre cột vắt vẻo phía sau, một bà cụ bước vào cùng tờ 5.000 đồng trên tay và nói cần mua 2 ổ bánh mì thịt chả. Các cô giáo giải thích: 5.000 đồng mua được 5 ổ, nếu bà chỉ lấy 2 ổ, con sẽ thối lại tiền. Bà lão bảo 5 ổ ăn không hết, mà nhận lại tiền dư thì nhất quyết không chịu. Kỳ kèo một hồi, bà cụ “đành” lấy thêm một ổ nữa cho các cô giáo vui lòng…

Về lý do ổ bánh mì thịt chả giá chỉ 1.000 đồng, các cô giáo cho biết: Bỏ tiền ra sẽ mang lại cảm giác tự tin hơn đối với người mua. Các cô bác sẽ không cảm thấy thương hại hay được ban phát.

Để quán mở cửa đúng giờ phục vụ khách lao động, các chị cấp dưỡng và thầy cô giáo trẻ phải dậy thật sớm người nấu thịt, người làm rau… 6 cô giáo được phân công đứng bán chính, ngoài ra có các em học sinh mặc đồng phục đứng phụ cô gói bánh mì. Em Khánh Ngọc, học sinh lớp 5 vui vẻ nói: Con tự nguyện tham gia hai lần rồi ạ. Con dậy thật sớm, ăn sáng đầy đủ ở nhà để lấy sức ra trường phụ cô bán bánh mì. Việc gói vào giấy rồi cho vào bao dễ lắm, không cần tập cũng làm được. Ba mẹ rất ủng hộ con làm việc giúp đỡ mọi người xung quanh.

Không phải cuộc chơi…

Quán bánh mì của Trường TH Trần Cao Vân được bắt nguồn từ ý tưởng của cô Đoàn Thị Mỹ Hạnh, giáo viên tin học. Biết cô Hạnh có một nhóm từ thiện xã hội bên ngoài, thầy hiệu trưởng nói cô san sẻ hoạt động bán bánh mì giá rẻ cho Chi đoàn trường “gánh” bớt. Dù là phong trào của Đoàn Thanh niên, nhưng thầy Nguyễn Thế Quyết vẫn nhận trách nhiệm “đỡ đầu” cho quán, bởi thầy không muốn đây chỉ là một phong trào nhất thời.

Lúc quán mới bắt đầu bán, toàn bộ nguyên vật liệu đều do thầy và trò mua sắm bằng tiền tự gom góp. Về sau, biết việc làm ý nghĩa của trường, tiệm bún thịt nướng Xuân (gần Công viên 29-3) ủng hộ chả và pa-tê; Công ty thực phẩm Hai Thuyên ủng hộ thịt, nên thầy trò nhà trường đỡ phần nào nỗi lo vốn mua nguyên liệu. Tuy vậy, nhìn vào bảng thu chi, tháng nào quán cũng lỗ 500.000 – 700.000 đồng. Riêng tháng 9 lãi được 657.000 đồng vì có vị khách đến mua và trả đến 500.000 đồng. Tiền dư sẽ được để dành bù cho những tháng khác.

Thầy Quyết còn một mong muốn lớn hơn đó là quán hoạt động 2 lần/tháng chứ không chỉ 1 lần/tháng như hiện nay. Tuy vậy, với thầy, đây là kế hoạch hơi “mạo hiểm”. Thầy Quyết cho rằng, tăng số lần bán lên ngay bây giờ cũng được, vì thầy trò có đủ nhiệt tình để làm. Song quan trọng là làm sao duy trì quán hết năm này đến năm khác chứ không bán cho vui. Chừng nào nguồn lực tài chính cho quán ổn định, trường mới dám tăng buổi bán.

“Không phải dễ, nhưng việc bán 2 lần/tháng sẽ sớm thực hiện thôi. Mai này về hưu, tôi vẫn sẽ tiếp tục đỡ đầu cho quán hoạt động. Bởi cái được lớn nhất là gieo tình yêu thương lan tỏa khắp trường. Con chữ chỉ là một phần trong hành trang vào đời của mỗi người. Sống trong tình yêu thương và biết chia sẻ yêu thương bằng những điều bình dị nhất cũng thật sự đáng cho chúng ta bồi đắp mỗi ngày”, thầy Quyết tâm sự.

BẢO KHANG

.