.

Giai điệu hạnh phúc

.

Những con người chừng như lơ lửng trên cánh đồng sen, thả hồn dặt dìu theo những giai điệu mang tên “Hạnh phúc”. Khúc nhạc vô thanh lặng lẽ hòa quyện theo những thân người uốn lượn, chao nghiêng trên những hoa lá nụ mầm, ngợi ca sự thăng hoa của con người về một thế giới an vui, hạnh phúc.

Cõi hạnh phúc (khổ 100 x 200cm) của Hoàng Phúc Quý tại Triển lãm “Vọng lạc” . (Ảnh do tác giả cung cấp)
Cõi hạnh phúc (khổ 100 x 200cm) của Hoàng Phúc Quý tại Triển lãm “Vọng lạc” . (Ảnh do tác giả cung cấp)

Đó là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt 25 bức tranh khổ lớn tại Triển lãm chủ đề “Vọng lạc” của họa sĩ Hoàng Phúc Quý nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11 tại Bảo tàng Đà Nẵng. Khi đặt tên triển lãm của mình là “Vọng lạc”, anh muốn gửi vào từng bức tranh một thông điệp vọng ra từ chính tâm hồn mình, đó là khát vọng an nhiên trong cuộc sống và hy vọng người xem sẽ tìm thấy đâu đó trong chuỗi tác phẩm này sự đồng điệu về “chuẩn mực hạnh phúc” của chính mình. Vì thế, hầu hết các tranh đều có tên là Hạnh phúc, đều ẩn tàng trong sắc màu, hình thể một giai điệu yên bình, có khác nhau chăng là con số đi liền sau tên tranh.

Từ sau lần đầu tiên triển lãm cá nhân vào năm 2005, Hoàng Phúc Quý ngày càng bộc lộ rõ nét trong tranh của mình một cách nhìn riêng về thế giới. Lần này, anh đã vẽ ra cái thế giới “Vọng lạc” của chính mình bằng những nét cắt mạnh, những đường kỷ hà kết hợp với những tông màu tươi sáng thể hiện sự uyển chuyển hài hòa giữa con người và thiên nhiên, tạo nên một khúc nhạc tinh tế được tấu lên một cách trầm mặc từ những cánh hoa sen nhiều thể dạng, sắc màu. Điều này đã tạo nên một bức tranh siêu thực lột tả được khát vọng mà anh gọi là “buông bỏ những gánh nặng để con người nhẹ bay, tràn dâng trong hạnh phúc”.

Chính cái siêu thực trong tranh của Hoàng Phúc Quý đã khơi gợi niềm trắc ẩn xen chút bất ngờ khiến người cháu gái của danh họa siêu thực Picasso là cô Marina Picasso mời anh tham gia triển lãm ở Cannes (Pháp) năm 2011. Từ đó, anh rất “có duyên” với những lời mời đi triển lãm tranh chung với các họa sĩ khác ở nước ngoài như Thái Lan, Ấn Độ, Ý, Pháp, Tây Ban Nha... Sau mỗi triển lãm, bảo tàng một số nước như Ý, Pháp đã chọn mua tranh anh đưa vào sưu tập, theo nhận xét của họ, là bởi họ nhận thấy tranh anh có một phong cách lạ, hơi khác biệt, có cách nhìn riêng về thế giới.

Cái cách-nhìn-riêng-về-thế-giới của họa sĩ trẻ này đã được Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Hà Phước Mai cảm nhận và chọn Hoàng Phúc Quý làm “nhân vật chính” cho hoạt động mỹ thuật tại Bảo tàng nhân chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11. Giới thưởng ngoạn mỹ thuật Đà Nẵng có thể ghé lại Bảo tàng Đà Nẵng từ chiều 15 đến hết ngày 25-11-2015 để cảm nhận “giai điệu hạnh phúc” từ những bức tranh khổ lớn của anh.

Là một họa sĩ thế hệ 8x, lần đầu tiên triển lãm ở Đà Nẵng, Hoàng Phúc Quý không khỏi ít nhiều bỡ ngỡ: “Đà Nẵng là thành phố có một nền mỹ thuật đầy tiềm năng và đang dần phát triển mạnh, có nhiều họa sĩ trẻ tâm huyết với nghề. Tôi làm triển lãm lần này, không hẳn là giới thiệu tác phẩm của mình đến công chúng yêu mỹ thuật mà chính là tạo cơ hội giao lưu, trao đổi về nghệ thuật với các họa sĩ ở Đà Nẵng”.

Họa sĩ Hoàng Phúc Quý sinh năm 1984. Năm 2007 tốt nghiệp cử nhân Sư phạm Mỹ thuật Trường ĐH Nghệ thuật Huế, năm sau làm giảng viên của trường. Năm 2015, tốt nghiệp thạc sĩ Nghệ thuật Thị giác Đại học Mahasarakham (Thái Lan).

Từ năm 2006 đến nay anh tham gia hơn 20 triển lãm chung trong nước và quốc tế, trong đó năm 2015 tham gia Triển lãm Art and Design workshop 2015 - Bangkok và Triển lãm The Master of  Fine Art tại Thái Lan, Triển lãm quốc tế Art Maestro tại Ấn Độ.

Về cá nhân, trước “Vọng lạc”, anh đã có 3 triển lãm: “Cảm xúc quê hương” tại Huế (2005); “Yellow, Red and Blue” tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Huế (2009); “Tôi mơ… tôi bay” tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Huế (2012).

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.