Dù được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, nhưng chính các cặp đôi công nhân mới tổ chức cưới đều nhận thấy đám cưới của mình rất vui, rất đầm ấm, cũng bởi khách mời hầu hết là các công nhân trẻ.
Phần lớn các đám cưới đều được tổ chức vào ngày chủ nhật đầu tháng, vừa là ngày nghỉ, vừa là ngày công nhân lĩnh lương, để ai cũng có thể đến dự đông đủ, các bạn có tiền mừng cưới và cặp đôi cô dâu-chú rể cũng đỡ phần nào việc lo tiền cọc đặt tiệc.
Mái ấm mới của Kim Tuyền từ ngày có chồng chỉ có thêm bộ soong, cái bếp mẹ chồng cho. Ảnh: H.N |
Rất nhiều công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp ở Đà Nẵng như: Hòa Khánh, Hòa Cầm Đà Nẵng… quê ở Quảng Nam, nên việc tổ chức đám cưới của họ cũng khác nhiều so với các đồng nghiệp xa quê. Cũng tổ chức tiệc cưới vào ngày chủ nhật, nhưng họ kéo luôn bạn bè về quê dự cưới, phần đỡ lo việc đãi tiệc ở phố, phần giới thiệu gia đình ở quê cho bạn.
Ngô Thị Hà, sinh năm 1989, quê ở Bình Trung, Thăng Bình, Quảng Nam đã chọn giải pháp mời một số bạn cùng công ty về quê dự đám cưới của mình cách đây 2 tháng. Hà cho biết, cô mời bạn về quê cũng không dám mời nhiều, chủ yếu là mấy chị em ở cùng tổ sản xuất ở nhà máy điện tử Việt Hoa.
Trước ngày cưới, hầu như tuần nào Hà cũng đón xe buýt về quê, chủ yếu nghe ba má dặn dò, sắp đặt và tự đi gửi thiệp mời cho bạn bè thời đi học. Hà là con út, 4 anh chị đều đã có gia đình nên đám cưới mình, Hà không phải lo lắng nhiều. Với lại bây giờ ở quê, cỗ cưới cũng như việc dựng rạp, thuê âm thanh…đều có những người chuyên bao thầu tiệc cưới trọn gói, chỉ cần mình chọn gói phục vụ tiệc khoảng bao nhiêu là cứ đến ngày, cô dâu, chú rể chỉ cần làm tốt vai trò chào mời khách là xong.
Chồng của Hà cũng là công nhân, là người cùng quê, làm việc ở khu công nghiệp Dung Quất, Quảng Ngãi. Được nghỉ 3 ngày để làm đám cưới, Hà xin nghỉ thêm 3 ngày nữa trong số phép năm 12 ngày. Hết 1 tuần, trở lại với công việc, Hà vẫn sống như thời độc thân, thỉnh thoảng về quê, hoặc chồng chọn ra Đà Nẵng với vợ.
Hà bảo, việc lo nhất của mình sau 5 năm làm công nhân, kiếm được đồng nào đi chơi cho bằng sạch. Chuẩn bị đám cưới, Hà phải dành dụm gần cả năm để mua 5 chỉ vàng đưa cho ba má. Để ông bà trao lại cho con gái, như kiểu hồi môn trước khi về nhà chồng.
Bây giờ thì Hà cũng dè sẻn hơn trước, tiết kiệm với số lương được 5 triệu đồng mỗi tháng (có tăng ca), “để sau này có em bé thì lo cho con, và về quê buôn bán chứ chẳng lẽ làm công nhân mãi”.
Với Nguyễn Thị Kim Tuyền, sinh năm 1993, đám cưới vừa tròn 1 năm, thì ngày cưới cũng tổ chức ở quê, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Tuyền bảo mời bạn bè về quê cũng không dám mời nhiều, sợ họ đi xa, cực. Bạn bè cùng khu trọ ở Hòa Khánh thì không mời ai, vì như Hà và Tuyền cùng cho hay là “ở trọ, mỗi người ở vài tháng rồi chuyển đi, mình mời họ rồi đến đám cưới họ, mình làm sao “trả” được, những người đã có gia đình càng khó có điều kiện để “trả”, nên không mời thì tốt hơn”.
Mọi chi phí cho đám cưới, hai bạn được gia đình hỗ trợ là chính, các bạn chỉ phải lo tiền thuê quần áo, phụ với gia đình tiền thuê xe. “Làm công nhân có quê gần cũng lợi vậy đó chị. Tiền cỗ cưới chỉ 100.000 đồng/suất là họ nấu ngon rồi. Bọn em cũng làm gọn nhẹ nên không phải nợ nần. Cưới xong còn dư được chút ít tiền mừng, ba má cũng cho luôn, để dành sau này có con”, Tuyền bộc bạch.
Ngày đám cưới của Tuyền, đưa dâu về huyện Nông Sơn. Chú rể phải dậy từ 2 giờ sáng để đến nhà gái lúc 5 giờ, chờ 8 giờ rước dâu. Hôm đó mưa như trút nước, cô dâu được ưu tiên, còn chú rể và đoàn nhà trai, nhà gái phải xắn quần, lội mưa đẩy xe khi xe mắc lầy. Tuyền bảo vừa lo, vừa mệt, nhưng đó là kỷ niệm mà đôi vợ chồng trẻ kể cho nhau nghe suốt 1 năm nay.
Tổ chức đám cưới ở quê có lợi là vậy, nhưng ở khu công nghiệp Hòa Khánh đã có hàng trăm cặp đôi ở xa như Quảng Trị, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, các bạn phải tổ chức đám cưới ở quê, rồi còn tổ chức thêm một lần nữa ở Đà Nẵng để mời bạn bè đồng nghiệp. Đôi uyên ương thường phải chọn ngày tổ chức đám cưới vào đầu tháng, để lãnh thêm được chút ít tiền lương trang trải chi phí và cũng để các đồng nghiệp có tiền mừng cưới.Ngày mời tiệc là chủ nhật để không đi làm.
Anh Đoàn Văn Thắng, công nhân công ty điện tử Mabuchi Motor, quê Quảng Trị, cưới vợ cách đây 7 tháng cho biết, sau khi tổ chức lễ cưới ở quê. Hai vợ chồng (làm ở 2 công ty khác nhau) đã đặt một quán nhậu ở gần công ty làm 15 bàn tiệc đãi bạn.
Vì là quán nhậu nên anh chị yêu cầu chủ quán làm những món cơ bản, không cần cầu kỳ, chủ yếu là ngon và giá mềm, tương đương hơn 150.000 đồng/suất kể cả đồ uống. “Chúng tôi chấp nhận tiền mừng của bạn bè để trả tiền ăn nhà hàng, không bị lỗ là may rồi. Cũng may ở Đà Nẵng giá cả vừa phải, nên công nhân lo chuyện cưới cũng không đến nỗi đau đầu. Chứ chị gái tôi làm công nhân ở Bình Dương, về nghỉ Tết là lo luôn chuyện cưới; đến khi vào lại cũng “lơ” luôn chuyện mời tiệc bạn bè”.
Công nhân hầu hết ở trọ, tài sản không có gì ngoài chiếc xe máy để chồng hoặc vợ đi làm, album cưới cũng phải đưa về quê cất vì sợ để phòng trọ bị hỏng. Với Tuyền, Hà và cả anh Thắng, sau ngày cưới căn phòng trọ chỉ thêm bát, thêm đũa, thêm vài bộ áo quần, còn chiếc giường tạm gọi là tấm phản mới đúng, vẫn như ngày độc thân. Riêng Tuyền có thêm bộ soong nồi và cái bếp từ mẹ chồng cho, làm cho căn bếp của cô sáng cả một góc.
Với mong muốn đồng hành, chăm lo đời sống cho công nhân, đặc biệt là công nhân có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời tuyên truyền nếp sống văn hóa trong việc cưới hỏi, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức chương trình “Lễ cưới công nhân” vào cuối tháng 12 tới đây.
Chị Võ Thị Kim Hạnh, Công đoàn các Khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, từ đầu tháng 10 vừa qua, Liên đoàn Lao động gửi thông báo sẽ tổ chức đám cưới cho công nhân đến khoảng 120 cơ sở công đoàn trực thuộc. Đến nay, có 7 cặp đôi đăng ký tham gia.
Cách đây khoảng 5 năm, Liên đoàn Lao động có ý định tổ chức lễ cưới tập thể cho công nhân nhưng không nhận được phản hồi. Bây giờ có 7 cặp đăng ký là một tín hiệu tích cực để chương trình “Lễ cưới công nhân” có thể được tổ chức hằng năm.
Ông Đoàn Đức Phước, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động, nơi sẽ diễn ra lễ cưới tập thể, cho biết: “Lần này chúng tôi tiến hành xin tài trợ từ studio chụp ảnh, có xe hoa miễn phí, nhẫn cưới, bánh cưới, hoa cưới, trang điểm, trang phục cưới, quay phim, chụp ảnh (tại lễ cưới), trang trí, âm thanh, MC, chương trình văn nghệ tại lễ cưới, phòng ngủ đêm tân hôn tại khách sạn 3 sao.
Mỗi cặp đôi được mời từ 50 đến 100 khách tương đương 5 đến 10 bàn tiệc mặn. Mỗi bàn tiệc công nhân đóng góp 1 triệu đồng (gồm suất ăn và nước uống)… Có nhiều ưu đãi như vậy, công nhân thấy được quyền lợi của mình nên họ mới tham gia. Tôi mong sẽ có thêm vài cặp đôi đăng ký để chương trình tổ chức được đông vui, đúng tinh thần một đám cưới tập thể”.
Đám cưới là chuyện quan trọng cả đời người và cũng “liệu cơm gắp mắm”, các bạn trẻ công nhân luôn biết biến ngày vui của mình thành ngày vui chung của mọi người, nên đơn giản, gọn nhẹ, khách mời chọn lọc trở thành “tiêu chí” của nhiều bạn hiện nay.
HIỀN LƯƠNG