.

Không có gì ngoài tuổi trẻ

.

“Sự nghiệp” làm truyền thông của Đỗ Khải Ly bắt đầu từ năm thứ nhất đại học. Lúc đó Ly là sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, tham gia với CLB Điện ảnh Xine tập sự của đạo diễn Phan Đăng Di.

Đỗ Khải Ly tại diễn đàn Tơ lụa quốc tế ở Hàng Châu, Trung Quốc tháng 10-2015. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đỗ Khải Ly tại diễn đàn Tơ lụa quốc tế ở Hàng Châu, Trung Quốc tháng 10-2015. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Rồi đến năm cuối đại học, trong một lần về Làng lụa Hội An chơi, Khải Ly đề nghị ông giám đốc Lê Thái Vũ cho Ly thử sức với công việc giới thiệu, quảng bá khu du lịch này. Nhận được cái gật đầu đồng ý, Khải Ly bắt đầu nghiên cứu đối tượng du khách, cách viết như thế nào để giới thiệu về một điểm đến văn hóa.

Khi nhận thấy sự “lợi hại” của mạng xã hội, Ly quyết định lập một trang facebook về làng lụa mang tên Hoi An silk village với hình ảnh đại diện có câu slogan “Bảo tàng sống trong lòng di sản sống”. Làng lụa Hội An với màu xanh ngọc ngà của những cây dâu tằm hàng trăm năm tuổi, với phố xưa nhà cổ trong làng lụa được du khách biết đến nhiều hơn. Ly bảo rằng, mình chọn phương pháp truyền thông có văn hóa để giới thiệu về một điểm đến văn hóa. Chọn cách chia sẻ là những gì mắt thấy tai nghe chứ không phải là cô nhân viên chỉ PR để kiếm khách. Mỗi ngày, Ly đều hỏi ba mẹ xem khi nhìn vô trang giới thiệu đó, ba mẹ có thấy dễ chịu, thoải mái không, ngôn từ có duyên dáng, dễ thương không.

Vì làng lụa là ngôi nhà, là mái ấm đón du khách, nếu bắt gặp sự thân thương, lần sau người ta sẽ đến. Nên Ly cố gắng thức khuya một tí, dậy sớm hơn một tí, để những bài giới thiệu về điểm đến này có chiều sâu, có sự hấp dẫn riêng. Và chính sự gắng sức của tất cả nhân viên trong khu du lịch làm du khách bắt đầu để ý đến làng lụa Hội An. Số du khách đến đây vẫn không ngừng tăng lên, mỗi người đều tìm thấy cho mình sự thú vị, hài lòng. Cũng chính bề dày văn hóa, sự đầu tư có bài bản của những chủ nhân làng lụa, cộng với những bài giới thiệu của Khải Ly tạo nên nét hấp dẫn cho điểm du lịch này.

Chưa hết, tháng 9 vừa qua, làng lụa Hội An cùng các làng lụa trên khắp cả nước được mời đến Thái Lan dự hội thảo quốc tế về lụa của các nước tiểu vùng sông Mekong và Nhật, Ấn Độ. Sau nhiều lựa chọn, Đỗ Khải Ly đại diện cho các làng lụa Việt Nam trình bày tham luận “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”. Ly nói về việc làng lụa Hội An xây dựng một bảo tàng và đang bảo tồn một vấn đề văn hóa đang bị thất truyền. Các bộ sưu tập gốc dâu, nhà cổ, có các nghệ nhân để họ giữ gìn các hoa văn cổ trên lụa đang dần sống lại tại làng nghề…

Tháng tiếp theo đó, làng lụa Hội An được mời dự Diễn đàn Tơ lụa quốc tế tổ chức ở Hàng Châu, Trung Quốc. Và lần này, đại diện làng lụa Hội An được trình bày 2 tham luận. Trong tham luận “Hội An, nơi may đo cho cả thế giới”, Ly viết: “Các bạn có nghĩ những người 20 tuổi như tôi có thể mang sự thay đổi đến với ngành tơ lụa của Việt Nam. Chúng tôi khẳng định Việt Nam sẽ là thành viên tích cực của Hiệp hội Tơ lụa thế giới”. Ly bảo rằng mình cố gắng thể hiện sự tự tin trong cung cách làm việc, chứ không phải là một cô gái bé nhỏ đi theo sếp đến hội thảo. Làng lụa Hội An đang cố gắng đặt nền móng hợp tác hữu nghị với các nước trong Hiệp hội Tơ lụa thế giới. Giám đốc Bảo tàng Tơ lụa quốc gia Trung Quốc, chuyên gia trong trưng bày và giám định hiện vật, hứa sẽ có một phần trưng bày về nghề tơ lụa Hội An tại bảo tàng.

Bắt đầu học tiếng Anh từ năm 8 tuổi, Ly xác định mình phải học thứ tiếng Anh chuyên nghiệp, nói những từ nghiêm túc cho những người nghiêm túc. Dù viết trên mạng xã hội nhưng Ly viết bằng những từ tiếng Anh duyên dáng, có chiều sâu. Đến nay, Ly đã tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ, chuẩn bị tốt nghiệp thêm một trường đại học nữa. Ly bảo rằng, mình vừa học, vừa làm việc, vừa trải nghiệm, và xem đó như một học bổng dài hạn, giúp mình có kiến thức, kinh nghiệm mà không một trường nào dạy được, chỉ cần mình mạnh dạn đưa ra và bước lên.

Khải Ly quan niệm, những người thành công luôn tiến về phía trước, nếu mình không cố gắng sẽ bị quên lãng ngay, nên phải dùng kiến thức mình học được, cộng với bản lĩnh, với tuổi trẻ và những suy nghĩ luôn mới để làm việc một cách chuyên nghiệp nhất. Hy vọng Ly sẽ thành công hơn nữa trên con đường mình đã chọn.

SONG LINH

;
.
.
.
.
.