.
Nghĩ

"Mình giàu, mình có quyền?!"

Tối cuối tuần, vào một quán đồ Âu, gọi cái bánh chẳng khác mấy so với bánh mì đường phố của mình nhưng giá đến gần 200 nghìn đồng/cái. Tưởng “sang chảnh” lắm rồi, không hay, đó là giá thấp nhất trong thực đơn của quán. Ngồi ăn mà nghĩ, bằng cách nào cũng phải ăn cho sạch để đáng đồng tiền bỏ ra, và xuýt xoa khi thấy rất nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên chọn món Mỹ, món Ý dễ dàng, thoải mái như cách mình chọn me với sấu ngày xưa ấy.

Ăn xong, trong lúc đứng ở quầy tính tiền, nhìn quanh một lượt và ập vào mắt là la liệt thức ăn thừa bỏ lại trên bàn. Không những để lại một chút, nhiều bàn bỏ lại đến một nửa phần thức ăn đã gọi. Nhẩm tính “một nửa” đó cũng đã gấp mấy cái một phần của mình mà tiếc ngẩn ngơ.

Em bồi bàn của quán, cũng là người quen nên thiệt lòng kể, ngay cả bản thân em nhìn hoài cảnh khách bỏ lại thức ăn nhưng vẫn không thể chai sạn cảm xúc tiếc nuối. Khách khen đồ ngon và thường lui tới quán mỗi tuần một lần, nhưng lần nào cũng gọi nhiều hơn mức có thể ăn hết. Có khi, khách ăn vài món, còn vài món khác thì thậm chí không đụng đũa vào. “Hình như khách không bận tâm bao nhiêu tiền, chỉ cần thích phần ăn đó là gọi thôi”, em kể vậy.

Chỉ là ăn bánh, uống nước ngọt và vài món súp, rau trộn, nhưng giá mỗi phần cho 2 người trở lên trung bình khoảng 300-400 nghìn đồng là ít, còn lại các hóa đơn tầm 700.000-1.000.000 đồng là bình thường. Ăn cái gì, ăn bao nhiêu tiền là nhu cầu của mỗi người, đó là chuyện cá nhân không nên tranh luận. Nhưng để thừa mứa thức ăn quá nhiều thì thật là hơi ngại. Chẳng lẽ “mình giàu, mình có quyền”?!

Hỏi em phục vụ rằng với những thức ăn khách bỏ lại nhưng chưa đụng muỗng, đũa cá nhân vào thì nhân viên quán có ăn cho đỡ phí hay đổ đi. Em bảo: “Đổ hết vì tụi em được nhà bếp nấu cho ăn thoải mái, nóng hổi, mắc gì ăn lại của khách”.

Không biết có phải vì đất nước mình còn nghèo, nên nói đến miếng ăn là lại thấy có cái gì đó khá quan trọng và mang nhiều nghĩa suy diễn. Ví dụ như khái niệm “miếng lịch sự” chẳng hạn. Ăn cho đến miếng cuối cùng trong phần, trong dĩa thì sợ bị nghĩ là thèm ăn, tham ăn nên mọi người nhìn nhau tránh “miếng lịch sự”. Ở những bữa tiệc tập trung nhiều người khá giả thì thức ăn thừa thể nào cũng tỉ lệ thuận nhiều lên. Lẽ nào ăn hết là bất lịch sự? Lẽ nào chỉ người đói khát mới ăn hết sạch thức ăn của mình? Sao không nghĩ đơn giản đồ ăn là cái để ăn, chỉ những cái không phải là đồ ăn mới không ăn. Sao phải “quan trọng hóa” miếng ăn lên để rồi “thể hiện đẳng cấp” của mình trong đó?

Mấy lần đi dự hội nghị, mỗi người được cấp một chai nước suối nhỏ để uống, nhưng đến cuối buổi thì hội trường sót lại đầy rẫy chai nước thừa. Không uống thì đừng khui ra, đã uống thì cố sử dụng hết 500ml nước trong vòng 3 giờ đồng hồ đâu có khó.

Mấy lần đi ăn tiệc, thật lòng dù đã đủ no nhưng vẫn muốn ăn hết các “miếng lịch sự”, song vì ai ai cũng dừng đũa, nên mình cũng đành nhìn chỗ thức ăn đó bị mang đổ đi. Nói người khác phí phạm, nhưng mình có khá hơn đâu!

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.