Dù bây giờ đã có công việc ổn định để nuôi sống gia đình nhưng Lâm Quang Nhớ vẫn không bao giờ nguôi quên về những lần đứng ngoài vỉa hè nhìn không chớp mắt vào những gương mặt đầy vui vẻ quây quần trước những dĩa đồ ăn thơm phức và thầm thì mong muốn họ sẽ thôi, không ăn nữa để phần còn thừa kia trở thành bữa tối của mình. Tuổi thơ khốn khó, không chỉ đọng lại trong mỗi ký ức của Nhớ, mà ghim chặt vào tâm trí của bao người từng một thời dạt bước trở thành những đứa trẻ lang thang trên đường phố.
Sự ra đời của CLB Hy vọng xanh là món quà ý nghĩa nhất mà những đứa con khóa 1991 trở về tặng cho mái ấm tuổi thơ của mình. |
Những trái tim được ủ ấm
Lâm Quang Nhớ (quê ở Ái Nghĩa, Đại Lộc), 10 tuổi đã lưu lạc ra Đà Nẵng lượm ve chai kiếm sống. Gia đình Nhớ có 4 anh chị em, cha mẹ bỏ nhau, bên nội, bên ngoại đều khó khăn nên không ai nhận nuôi mấy anh em cả. Năm 1991, trong một lần lang thang lượm ve chai ở bãi rác thì được ông Nguyễn Rân (đã qua đời cách đây 3 năm), Giám đốc Trung tâm (TT) Bảo trợ trẻ em đường phố tìm thấy. Ông thuyết phục anh về TT nuôi dưỡng và học nghề. Trong tâm trí non nớt của anh lúc đó, tình thân chỉ tồn tại trong phim, trong cổ tích.
Mãi đến tận bây giờ, khi đã tìm gặp lại cha mình, rồi trở thành cha của hai đứa con, anh vẫn còn cảm giác ngượng ngùng khi gọi ba mình một tiếng “cha”, nhưng với “bố Rân” tiếng “cha” cứ từ miệng bật ra một cách dễ dàng cùng với tình yêu thương và lòng biết ơn vô bờ bến. Những ngày đầu, TT rất khó khăn, chưa xin được nhiều tài trợ. “Đi học phải bỏ sách vở vào túi ni-lông, trời mưa cũng không có áo mưa, chỉ có tấm vải dầu trùm đỡ, sách học thì đi xin sách cũ, học trang trước, trang sau rách, nhưng tuyệt đối, bố Rân không bao giờ để chúng tôi chịu đói dù chỉ một bữa”, anh Nhớ trìu mến nhắc đến “cha” mình.
Vẫn còn nguyên cảm giác hạnh phúc, anh Nguyễn Đình Tâm (quê Vũ Quang, Hà Tĩnh) nhớ lại ngày đầu được “bố Rân” nhặt về TT. Từ một đứa trẻ 8 tuổi lang thang, lang bạt khắp dải đất miền Trung, anh được nuôi dưỡng dưới một mái nhà đúng nghĩa, có “bố mẹ” dạy bảo, được cho ăn, cho mặc. Đó cũng là một đêm vào năm 1991, khi hai anh em anh đang co ro ngủ dưới bến phà sông Hàn thì “bố” đến và nói: “Các con về ở với bố nhé”. Từ “bố” bật ra từ miệng người đàn ông xa lạ sao mà gần gũi, ấm áp; nó khiến trái tim thằng nhóc lang bạt “đầu đường xó chợ” tưởng đã chai khô theo thời gian thoáng chốc mềm ra.
“Con trai sẽ thay bố tiếp tục…”
Khi vào TT, Nhớ đã 10 tuổi, chưa biết đọc, biết viết. Việc đến trường với anh vừa là niềm vui, vừa là nỗi mặc cảm. Nhưng hình ảnh “bố Rân” chạy vạy đầu này đầu kia để anh em có cái ăn, cái mặc đến trường đã gieo vào lòng Nhớ quyết tâm học hành đến nơi đến chốn.
Chính người đàn ông ngày ngày rong ruổi khắp các ngõ ngách đường phố để tìm những trẻ em lang thang cơ nhỡ đưa về TT nuôi dạy đã truyền cảm hứng mạnh mẽ để Nhớ có động lực thi vào ngành Xã hội học (Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh), nối gót theo “bố” làm các hoạt động thiện nguyện xã hội. “Ngày ấy chẳng biết Xã hội học là cái chi đâu. Khi bố hỏi con sẽ thi vào ngành nào, tôi mới trả lời, con muốn sau này làm công việc như bố, công việc giúp đỡ những người kém may mắn. Thế là bố gợi ý tôi thi vào Xã hội học để sau này ra trường có thể làm tình nguyện một cách chuyên nghiệp.
Như bố bây giờ chỉ có tình thương, thiếu nhiều cái lắm, con trai sẽ thay bố tiếp tục…”, Nhớ kể lại. Khi học ở TP. Hồ Chí Minh, Nhớ đi làm thêm chương trình “Chăm sóc trẻ em đường phố Thảo Đàn” cho một tổ chức phi chính phủ, thuộc Hội bảo trợ TP. Hồ Chí Minh, tiếp cận những trẻ em hư hỏng, lang thang ở các khu vực nhạy cảm như cầu Muối, cầu Ông Lãnh, các phố “đèn đỏ” ở quận 1, quận 3… đưa các em về TT chăm sóc, dạy dỗ.
Khác với Nhớ, khi vào TT, Nguyễn Đình Tâm đã 17 tuổi. Độ tuổi không còn được xã hội bảo trợ nữa nhưng do anh nhỏ con quá, chỉ nặng 32kg, “bố” thương nên… khai thấp tuổi để Tâm được học cái nghề. Ban đầu, anh học nghề sửa giày nhưng thấy nghề này một năm chỉ làm một mùa Tết, còn lại thì lai rai, sợ sau này có vợ con không đủ sống.
Đem trăn trở chia sẻ với “bố”, “bố” hiểu ngay và xin cho anh qua học nghề thợ tiện. Không phụ lòng “bố”, anh học nghề chăm chỉ và sáng tạo. Hiện tại, anh Tâm đã mở được Công ty TNHH Nguyễn Đình Tâm chuyên về các sản phẩm làm từ sắt, thép. Dù chỉ là công ty nhỏ chưa tới 10 công nhân, nhưng công ty làm ra rất nhiều sản phẩm sắt thép đạt được độ bền và tính thẩm mỹ. Một số biệt thự trên địa bàn đã đặt hàng Tâm làm những cổng sắt hình con rồng, phượng uốn lượn rất sang trọng.
Những năm tháng sống cùng “bố Rân”, trái tim rộng lượng và ấm áp của ông đã dạy cho những đứa con biết bao điều. Dù cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng đi đến đâu gặp thanh-thiếu niên lang thang, anh Tâm cũng khuyên răn quay về với gia đình hoặc ráng học lấy cái nghề giắt lưng. Anh kể, một lần có đơn hàng ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, gặp đám thanh niên lêu lổng, anh kêu một đứa lại hỏi có muốn ra Đà Nẵng học nghề thợ tiện không. Chúng đều đồng lòng đi theo. Nhưng vì công ty chưa lớn mạnh, nên anh chỉ nhận được 6 em. Giờ, cả 6 em cũng thành nghề, ra làm riêng.
Những năm tháng “ăn cơm xã hội” đã gieo vào lòng những “đứa trẻ đường phố” năm nào đạo lý “lá lành đùm lá rách”. Ra khỏi TT, lăn lộn với cuộc đời, vấp váp không ít những trở ngại, nhưng việc quay về giúp đỡ TT không chỉ là dự định, ước mơ mà chính là khát vọng thường trực trong lòng họ. Nhiều người trong số họ thường xuyên đưa con cái về TT, thăm lại những người cha, người mẹ, cô bảo mẫu, những tình nguyện viên…, kể cho con nghe về tuổi thơ của mình. Ngày “bố Rân” mất, các anh về hương khói và ở lại nhiều ngày phụ giúp tang gia như những đứa con đi xa trở về.
Dù chưa khá giả, nhưng anh Nguyễn Đình Tâm từ lâu đã lo liệu việc tu sửa, xây dựng tường, rào, cửa, trụ,… của TT. Bất cứ khi nào TT cần, anh đều dẹp hết công việc dang dở để về góp công, góp sức. Còn Lâm Quang Nhớ, hiện đang làm quản lý khu vực miền Trung của Công ty Dược phẩm Fipharmco TP. Hồ Chí Minh. Những năm tháng tuổi thơ là bài học thực tế thiết thực nhất để anh nuôi dạy các con, và luôn tâm niệm làm một điều gì đó để không còn những đứa trẻ thiếu đói như mình ngày xưa nữa. Nung nấu nhiều năm qua, hiện anh Tâm đã cùng Nhớ và một số anh em khác thành lập Câu lạc bộ Hy Vọng Xanh để giúp đỡ cho TT. Các anh khiêm tốn: “Ra mắt ngày 1-11-2015, tụi mình không dám nhận đã thành công, nhưng cái ăn hằng ngày mình kiếm được rồi nên muốn san sẻ một phần cho những em kém may mắn hơn, cũng như hỗ trợ một số anh em vào cùng đợt TT năm nào nhưng còn nặng gánh mưu sinh”.
Với những đứa trẻ được TT cưu mang trong những tháng năm khốn khó của cuộc đời, thì TT chính là mái ấm thứ hai, mái ấm không có vòng tay của cha mẹ, người thân,... nhưng đầy ắp tình người.
QUỲNH TRANG