Xã hội có đổi thay thế nào thì với người Việt Nam, cưới vẫn là chuyện trọng đại của đời người. Vì vậy, tâm lý chung từ cô dâu chú rể đến các bậc phụ huynh có con cái đã được ấn định chuyện dựng vợ gả chồng đều mong muốn, cố gắng hết sức để ngày cưới được trọn vẹn.
Với người Việt, đám cưới là nơi thể hiện tình yêu thương, gắn kết gia đình.Ảnh: T.T |
Phập phồng trước giờ… G
Sau giấc ngủ êm đềm, bà Lê Thị Ánh Huyền (quận Sơn Trà) mới có tâm tưởng bước lên bàn cân và biết mình sút 4 ký vì lo chuyện cưới của cô con gái đầu lòng. Bà Huyền cho biết, mất 2 tháng trời, giấc ngủ mới đến với bà nhẹ nhàng như thế.
Trước khi hai bên gia đình ấn định ngày cưới cho con, bà Huyền cứ nghĩ, chuyện cưới xin ngày nay sẽ rất nhẹ nhàng, không phải lo lắng thức đêm hôm, nấu nướng đãi khách (trưa đãi khách bà con, chiều đãi bạn) tại gia đình như ngày trước. Thế nhưng, nỗi lo bây giờ lại khác xưa nhiều lắm.
Trừ việc chụp ảnh cưới để con tự lo, còn lại, hai vợ chồng bà đều phải “xắn tay” lo liệu: chọn nhà hàng nào cho hợp với lượng khách mời của gia đình; chọn giờ giấc thế nào cho phù hợp để tiện cho bà con ở xa; danh sách khách mời, chốt đi chốt lại, đến 5-7 lần. Mà thay đổi lượng khách cũng có nghĩa là thay đổi địa điểm cho phù hợp.
Con gái bà Huyền cưới đầu tháng 11, đúng mùa mưa gió, vì vậy, sau khi định ngày cưới, đặt nhà hàng, gửi thiệp mời, trong lòng bà vẫn nóng như lửa: Ngày đó trời giông gió không? Ngày đó, có bao nhiêu bàn tiệc vắng người? Lỡ khách đi phát sinh đông thì có phải chen chúc không?...
Nếu với bà Huyền, đám cưới con gái “đau đầu” nhất có lẽ là chuyện chốt danh sách thiệp mời thì với ông Ngô Quang Lâm (quận Hải Châu), đám cưới con trai út lo nhất là chuyện nhà hàng. Ngày tốt có nhiều đám nên thuê không ra. Lúc đầu thuê một nhà hàng (máy lạnh) ở đường 2-9, nhưng chỉ tối đa 350 khách.
Định mời khách chừng đó thôi, nhưng vậy thì “bí” quá, ai mời ai không. Lúng túng. Sau, chính chủ nhà hàng này tư vấn nên đến một nhà hàng lộ thiên trên đường Nguyễn Hữu Thọ, cũng của họ. Nhờ đó mà mời lên được 500 khách, không gian cây xanh bao quanh, rất thoáng đãng, cũng may là hôm đó trời mát nên khách không phải “than phiền” sao đi đám cưới mà tới chỗ chi nóng quá, ông Lâm vui vẻ kể lại.
Để đám cưới con gái diễn ra hoàn hảo đến từng chi tiết, ông Trịnh Vĩnh Thái (quận Hải Châu), dù rất bận rộn với công việc cơ quan, ngoài những mối lo chung, ông còn thu xếp thời gian cùng con chọn váy cưới, theo con chụp hình… vì sợ trong ngày cưới, con “mặc cái chi người ta không coi được”!
Ông còn lưu ý con cách mở nhạc chờ ở nhà hàng âm lượng nhỏ, nhạc nhẹ nhàng, “tuyệt đối không có hip hop, không rock riếc” để tránh làm phiền khách mời, nhất là các cụ lớn tuổi (khó tính); không cho đốt pháo sáng trên sân khấu vì loại này thải hơi rất độc, trong lúc đóng kín cửa phòng lạnh thì nguy cơ gây độc hại rất cao... Cũng may là con của ông Thái nhất nhất nghe theo lời cha, chứ bà Huyền thì “năn nỉ kiểu gì, con cũng không chịu nhạc nhẹ. Đành phải chốt lại: Vào tiệc, 3 món đầu nhạc nhẹ; 3 món sau nhạc… nặng!”
Theo chia sẻ của các bậc làm cha làm mẹ, ít có gia đình phó mặc cho con cái lo hết, vì đám cưới khách của con cái thì ít, mà khách của cha mẹ thì nhiều. Dù có người bề ngoài chỉ là “điều khiển từ xa”, hay kỹ lưỡng làm “người trong cuộc” từ A đến Z, thì trong thâm tâm họ đều mong muốn và cố gắng hết sức để con cái có được một ngày cưới trọn vẹn, như một khởi đầu đẹp cho hạnh phúc vuông tròn!
Để hạnh phúc vuông tròn
Trước ngày cưới, bên cạnh nỗi lo của cha mẹ, thì các nhân vật chính hẳn là những người nhiều tâm trạng nhất. Cô dâu mới Tôn Nữ Giáng Châu (quận Thanh Khê) chia sẻ, trước đây, cô luôn xác định lễ cưới của mình phải lạ, khác biệt nhưng đến lúc bắt đầu lo thì mới biết những yêu cầu này không dễ thực hiện chút nào.
Đầu tiên, Châu và chồng thống nhất thiệp mời phải khác biệt, đơn giản nhưng trang trọng. Hai đứa đi một vòng quanh Đà Nẵng chỉ để tìm cái thiệp như ý. Nhưng, tất cả đều lòe loẹt, rườm rà và đắt tiền đến phi lý. Thế là, Châu quyết định tự thiết kế thiệp cho mình, với hoa oải hương (loài hoa cô thích), chữ viết chân phương và nền thiệp trắng ngà. Giáng Châu cũng khá “dị ứng” với kiểu chụp ảnh cưới với cảnh vật sang trọng, xa hoa và xa lạ của nhiều cặp đôi ngày nay.
Cô muốn bộ ảnh cưới chụp những khoảnh khắc hạnh phúc tự nhiên của cô và chồng (không dàn dựng, không sắp đặt) và ảnh phải chụp người chứ không phải cảnh. Nhưng ở Đà Nẵng không có studio nào chụp theo yêu cầu này. Thế là, hai vợ chồng chấp nhận mời một thợ chụp ảnh đẹp ở Sài Gòn về, không theo ê-kíp như những studio khác. Ê-kíp sẽ lo xe, trang điểm, hoa, váy cưới, trang phục chú rể.... Còn với thợ chụp này, phải lo vé máy bay, tự đi thuê áo cưới, tự thuê xe, tự lo trang điểm, hoa cưới... Nghĩa là, chấp nhận sự tốn kém và vất vả hơn nhiều lần so với cách làm thông thường.
Kết quả sẽ thật mỹ mãn với bộ ảnh Châu cùng chồng nắm tay nhau vào nhà thờ con gà, ra chợ Hàn, đi mua hoa dạo... nếu ba của cô không nổi giận với cái váy cưới, vì nó chưa đạt độ… kín đáo như ông mong muốn. Châu phải chụp lại theo ý ba. Không còn tiền để thuê thợ chụp từ Sài Gòn ra lại lần nữa nên hai vợ chồng đành vào studio cho ê-kíp làm lại.
May mắn lúc chụp với thợ Sài Gòn, ngoài váy cưới Châu còn mặc áo dài nên kết quả vợ chồng cô có đến 2 bộ ảnh cưới, và những tấm hình đẹp nhất, tự nhiên nhất đều được chọn làm album. “Tụi em chịu khó, vất vả lo đám cưới vậy chắc sau này sẽ hạnh phúc lắm đây”, cô dâu Giáng Châu cười hồn nhiên chia sẻ.
Theo chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, chủ tiệm Áo cưới Mai Wedding, xu hướng thuê các dịch vụ trang điểm, chụp ảnh ngày nay của các cặp đôi khác trước nhiều. Sự rườm rà, cầu kỳ, lòe loẹt không còn được ưa chuộng. Thay vào đó là đòi hỏi về sự đơn giản, tự nhiên, sang trọng.
Một xu hướng khác khá phổ biến trong các cô dâu chú rể trẻ tuổi là thích chụp hình cưới theo thần tượng. “Mình luôn tự nhủ, cưới là chuyện hệ trọng, gia chủ phải lo toan nhiều, nên khách khó tính đến cỡ nào mình cũng thông cảm và cố gắng làm đẹp lòng trong khả năng có thể. Đó cũng chính là niềm vui, hạnh phúc của nghề này”, chị Mai chia sẻ.
Với những cặp đôi có điều kiện, ở ngay thành phố, lo đám cưới đã vất vả, với những cặp đôi xa quê, tổ chức cưới không chỉ 1 mà đến 2, 3 lần thì những lo toan khó mà diễn tả hết thành lời. Nhớ lại chuyện cưới của mình cách đây tròn 3 năm, chị Trần Thanh Mai chưa hết “hãi”. Chị quê Hà Tĩnh, chồng quê Ninh Bình, cả hai vào Đà Nẵng lập nghiệp rồi quen nhau gần 7 năm thì đi đến quyết định làm đám cưới. Trong một tuần nghỉ phép, anh chị phải tổ chức đám cưới ở 3 nơi: một nhà chị, một nhà chồng và một ở Đà Nẵng.
Trước ngày cưới ở nhà gái đúng một hôm, chị Mai, 28 tuổi, mới lên xe về Hà Tĩnh. Ở nhà, mọi người lo lắng, chạy ra chạy vào, cứ vài chục phút lại gọi điện một lần. Ngồi trên xe đò, chị Mai cứ như thấy lửa cháy ở lưng. Không bao giờ chị nghĩ đến ngày cưới của mình, mọi việc lo toan, chuẩn bị lại dồn hết lên vai người thân. Chồng chị, anh Hữu Hòa, thì đã về quê Ninh Bình trước một tuần để lo liệu.
May mà mọi việc cũng suôn sẻ, đám cưới diễn ra đúng nghi thức, hai bên gia đình đông đủ vui vẻ. Tiệc đãi khách đồng nghiệp của anh chị tại Đà Nẵng cũng diễn ra ấm cúng. “Kể mà bây giờ mình làm lại đám cưới, sau khi đã có một số kinh nghiệm được rút ra thì có lẽ sẽ đỡ vất vả, chạy đôn chạy đáo như 3 năm trước”, chị Mai nói vui.
Nói tới kinh nghiệm, theo bà Huyền, kinh nghiệm lo đám cưới con là “không có kinh nghiệm gì”, bởi giờ có cưới thêm 2, 3 đứa con nữa thì nỗi lo của mẹ Huyền và hầu hết những người làm cha làm mẹ khác, đối với nghi lễ hạnh phúc trăm năm của con mình, sẽ vẫn như thế. Họ vẫn sẽ coi những thao thức, mất ngủ, sút cân… là chuyện thường. Bởi với họ, lo cho con, hạnh phúc của con cái cũng chính là hạnh phúc của bản thân mình.
THANH TÂN