.

Bóng chiều của nội

.

Mỗi buổi chiều ngủ dậy nhìn ra ngoài cổng, tôi lại nhớ nội tôi. Nỗi nhớ buồn lan man trong hoàng hôn lại xâm chiếm hồn tôi đến nao lòng. Hồi bé, bố tôi thường đưa tôi về thăm quê bằng xe đạp cà tàng trên con đường ngập đầy cây cỏ dại ở hai bên đường. Con đường nhựa thời chiến tranh để lại lắm ổ voi, ổ gà nên gập ghềnh, khúc khuỷu khó đi. Đã vậy lại còn có một đoạn đường dài là những bãi cát dài mênh mông mà người làng nội tôi thường đi tắt cho nhanh. Tôi vẫn nhớ cái bóng nội cao gầy lêu khêu bước thấp cao trên triền cát. Cũng như nhiều người dân trong làng, nội tôi thường đi bộ hàng cây số để đi lên vùng làng khác bán cá, nước mắm mà người dân quê tôi thường gọi là “lên ruộng”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hồi tôi còn nhỏ, nội thường lên thăm mấy anh em tôi bằng đôi quang gánh với nhiều quà quê nào là khoai, cá khô, bánh, kẹo... Và mỗi chiều ngủ dậy, tôi lại cảm thấy trống trải khi không nhìn thấy nội nữa. Nội thường trốn về vào những lúc mấy anh em tôi đã ngủ. Nếu lỡ bị chúng tôi “phát hiện”, thể nào nội cũng rơm rớm nước mắt. Những lúc như vậy, nội ôm chúng tôi thật chặt vào lòng rồi hỏi: “Có cơm nhường cho nội ăn không mà đòi nội ở lại”. Tất nhiên là chúng tôi trả lời “có” và níu kéo không cho nội về.

Cái bóng nội gầy gò với đôi quang gánh oằn trên lưng đổ dài trên con đường quê luôn luôn ám ảnh tôi. Đặc biệt vào những buổi chiều mùa hè trời sắp đổ mưa giông, tôi cứ nhìn ra ngoài con đường cái và bầu trời mây đen xám xịt chỉ mong nội về kịp nhà trước khi cơn giông ập đến.

Quê nội nghèo lắm. Ông nội mất sớm khi bị trúng bom. Tôi nghe nội kể, hồi đó Mỹ-ngụy đánh bom trước khi đổ bộ vào làng càn quét. Mỗi làng thường làm sẵn một cái hầm để trú bom. Khi bất thình lình Mỹ dội bom vào làng, ông nội đã bị trúng mảnh vỏ bom khi chạy vào hầm sau cùng để nhường cho nội và các cô chú và ba tôi vào trước. Thế là từ đó, một tay nội phải buôn thúng bán bưng nuôi cả đàn con nheo nhóc trong thời binh đao khói lửa. Sau này giải phóng rồi, cái nghèo vẫn còn bám riết lấy nội trong ngôi nhà tranh vách nứa giữa ngôi làng cát bỏng nắng chang chang.

Khi ba và các cô chú đã lớn, người đi bộ đội, người đi làm ăn xa, rồi lấy vợ lấy chồng lập nghiệp ở đất khách quê người, nội vẫn ở với cô út cho đến khi cô út đi lấy chồng. Dù ba mẹ tôi năn nỉ nội lên ở với con cháu cho vui cửa vui nhà nhưng nội đã quen với giếng nước ao làng, với cái không khí thanh bình và cái mùi cá tanh nồng từ biển thổi vào mặn chát. Cả cuộc đời nội gắn bó với những người dân làng chất phác, thật thà và điều đặc biệt hơn là nội muốn được ở quê để hương khói cho ông nội và tổ tiên dòng họ. Nội còn phải lo cúng giỗ những người quá cố. Dù mệt nhưng nội luôn cảm thấy vui khi con cháu về tụ họp đông đủ.

Mỗi lần về quê, tôi lại được nội ôm chặt vào lòng và hôn lên tóc như thuở tôi còn bé. Và chiều nay cũng như mọi chiều khác, sau khi ngủ dậy nhìn ra đầu ngõ, tôi lại nhớ nội da diết. Vẫn cái dáng hao gầy tần tảo nắng mưa cứ chập chờn hiện lên trước con đường cái chênh vênh sau hàng cây gợi trong tôi nỗi nhớ nao lòng...

GIA HUY

;
.
.
.
.
.