.

Không nên chờ vắc-xin dịch vụ

.

Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) cho biết, hiện đơn vị này chưa thể trả lời chính xác khi nào có các loại vắc-xin 5 trong 1 (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não do Hib), 6 trong 1 dịch vụ (ngừa thêm bại liệt). Vì vậy, người dân không nên chờ đợi mà cần chủ động các giải pháp phòng bệnh khác cho con em mình.

Ngày càng nhiều người dân đưa con em đi tiêm các loại vắc-xin dịch vụ. Ảnh: T.T
Ngày càng nhiều người dân đưa con em đi tiêm các loại vắc-xin dịch vụ. Ảnh: T.T

Theo BS Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm, đến các điểm tiêm chủng gần nhất, tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng, kết hợp các biện pháp phòng bệnh ngoài tiêm chủng là điều người dân nên làm thay vì trông ngóng các loại vắc-xin dịch vụ đang khan hiếm.

“Cháy” vắc-xin do nguồn cung

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh cho biết, tại Trung tâm hiện chỉ có khoảng 40/64 loại vắc-xin dịch vụ ngừa trên 10 bệnh ở cả trẻ em và người lớn, do một số loại đã “đứt hàng” nhiều năm. Trong đó, các loại vắc-xin người dân đặc biệt quan tâm như 5 trong 1, 6 trong 1 dịch vụ luôn trong tình trạng khan hiếm, thậm chí “cháy” hàng (6 trong 1) hơn năm nay.

Bên cạnh đó, các vắc-xin ngừa viêm gan A, não mô cầu AC, phế cầu… thường bị gián đoạn trong vài ba tháng. Vắc-xin quai bị đơn liều từ lâu không có hàng nhưng người dân có thể đưa con em tiêm phòng quai bị chung trong mũi 3 trong 1 (quai bị, sởi, rubenla), vắc-xin ngừa thủy đậu của Bỉ và Nhật khan hiếm, người dân có thể chuyển qua tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu của Mỹ và Hàn Quốc…

Nguyên nhân dẫn đến tính trạng không có hoặc khan hiếm một số loại vắc-xin kể trên, theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, là do nguồn cung. Các nhà sản xuất di chuyển địa điểm, tách nhập công ty thay đổi dây chuyền sản xuất, một số loại vắc-xin theo công nghệ cũ không còn được sản xuất; một số nước đưa các loại vắc-xin như 5 trong 1, 6 trong 1 dịch vụ vào chương trình tiêm chủng mở rộng, dẫn đến nhu cầu trong nước đó tăng đột biến, không đủ vắc-xin để xuất ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Ngay cả các đại lý, nhà phân phối chính thức của các công ty sản xuất vắc-xin của các nước tại Việt Nam cũng không có hàng. Trong khi, việc sản xuất vắc-xin trong nước còn hạn chế, chỉ giới hạn một số loại... Bên cạnh đó, tâm lý người dân Việt Nam nói chung vẫn thường “đổ xô” đi tiêm chủng khi xuất hiện dịch, dễ dẫn đến tình trạng khan hiếm vắc-xin trong những thời điểm nhất định.

Hay khi xảy ra sự cố đối với vắc-xin Quinvaxem thì người dân mới quan tâm đặc biệt đến các loại vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1 dịch vụ như hiện nay. “Hiện tại chưa có nguồn tin nào cho biết chính xác thời gian có các loại vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1, vì vậy, chúng ta không nên chờ đợi mà hãy đem con em mình đi tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng quốc gia, tiêm đúng lịch để phát huy tối đa, kịp thời hiệu quả phòng bệnh”, bác sĩ Thạnh khuyến cáo.

Lo sợ rủi ro

Gần năm nay, cứ cách tháng chị Nguyễn Thái Hà (quận Hải Châu) lại gọi điện đến Trung tâm một lần để hỏi về vắc-xin 6 trong 1 dịch vụ, và câu trả lời chị nhận được bao giờ cũng là “chưa có”. Con gái chị 18 tháng tuổi đã tiêm được 2 mũi đầu, nhưng đến mũi thứ 3 thì được báo là hết hàng cho đến nay.

“Giờ mình không biết tính sao, chắc ráng đợi ít tháng nữa. Nếu vẫn không có thì có khi phải tính đến chuyện sang Singapore tiêm cho bé”, chị Hà bối rối.

Đứa con trai 4 tháng tuổi đến Trung tâm để nhỏ vắc-xin phòng tiêu chảy Rota, chị Trần Thị Thanh Nga (quận Thanh Khê) cho biết, hồi bé hơn 2 tháng, chị có đem con đi tiêm mũi 1 của vắc-xin Quinvaxem nhưng về thấy bé sốt cao quá nên giờ không dám tiêm hai mũi còn lại nữa vì sợ… “không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WTO), tỷ lệ tai biến do tiêm vắc-xin Quinvaxem là 20/triệu liều, ở Việt Nam là 4,5/triệu liều. Nhưng dù có 1 hay 0,01/triệu liều thì liệu có ai muốn con em mình rơi vào phần rủi ro hy hữu đó?

Đặt vấn đề test (thử phản ứng) trong tiêm chủng, bác sĩ Tôn Thất Thạnh cho biết, việc test chỉ được thực hiện với các trường hợp tiêm huyết thanh (như phòng dại, uốn ván…), và trong y học, test chỉ dùng kiểm tra sốc phản vệ (xảy ra rất nhanh sau tiêm), trong khi phản ứng tiêm chủng rất đa dạng và có thể xảy ra nhiều giờ sau tiêm. Vì vậy, việc test với một liều lượng nhỏ dưới da không phát huy tác dụng.

Cũng theo bác sĩ Thạnh, không có vắc-xin nào là an toàn tuyệt đối, phản ứng sau tiêm của vắc-xin Quinvaxem nói riêng và vắc-xin nói chung (kể cả các loại vắc-xin dịch vụ) có thể từ nhẹ, vừa và nặng. Tuy nhiên, các phản ứng nặng thường rất hiếm gặp.

Điều quan trọng để hạn chế những trường hợp nguy hiểm cho trẻ đòi hỏi cần tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn chuyên môn, những quy định trong quá trình sản xuất, bảo quản vắc-xin, khám, tư vấn, chỉ định tiêm chủng, thực hành an toàn tiêm chủng, theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng để có thể phát hiện sớm các biểu hiện bất thường sau tiêm chủng và xử lý kịp thời. Các trẻ bị bệnh bẩm sinh, sinh non, nhẹ cân cần được khám sàng lọc kỹ và can thiệp sớm nếu có phản ứng sau tiêm.

Quá tải tại điểm tiêm thành phố

Bác sĩ Trần Bảo Ngọc - cán bộ chuyên trách tiêm chủng của Trung tâm cho biết, nhiều tháng nay, hoạt động tiêm dịch vụ tại Trung tâm luôn trong tình trạng quá tải, đặc biệt trong những tháng có nguy cơ bùng dịch cúm, quai bị, thủy đậu…

Những ngày thứ 7, chủ nhật, cán bộ tiêm chủng tại Trung tâm luôn phải làm việc với cường độ cao, liên tục từ chối và hòa giải xích mích giữa những người đến tiêm khi đã bốc hết số (tối đa 200 số). Trong khi đó, tại các điểm tiêm thuộc đội Y tế dự phòng các quận huyện, thì các cán bộ quá an nhàn, dù quy trình bảo quản, tiêm chủng vắc-xin tại những điểm này không khác gì điểm tiêm thành phố.

Ngoài Trung tâm - là điểm cung ứng và tiêm chủng vắc-xin lớn nhất thành phố, vắc-xin dịch vụ được tiêm ở 7 điểm thuộc đội Y tế dự phòng 7 quận, huyện. Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố có tiêm một số loại.

Các điểm tiêm chủng vắc-xin dịch vụ tư nhân có: phòng khám Phương Đông, Bệnh viên đa khoa Gia đình, bệnh viện Hoàn Mỹ… tuy nhiên giá thành vắc-xin dịch vụ tại các điểm tiêm tư nhân này thường cao gấp 2-3 lần/mũi so với Trung tâm.

“Hiện nay, một số bậc phụ huynh có suy nghĩ muốn sử dụng vắc-xin phải trả tiền trong tiêm chủng dịch vụ, vì cho rằng vắc-xin đắt tiền tốt hơn vắc-xin miễn phí trong Chương trình TCMR. Thực tế, vắc-xin trong Chương trình TCMR là do Nhà nước phải trả tiền để mua và được các tổ chức quốc tế hỗ trợ.

Vắc-xin trong Chương trình TCMR hay vắc-xin dịch vụ trước khi đưa vào sử dụng đều phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành; được kiểm định tính an toàn và hiệu quả chặt chẽ. Trên 90% trẻ em dưới 1 tuổi đã được sử dụng các vắc-xin trong Chương trình TCMR hằng năm, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã giảm rõ rệt, từ hàng chục đến hàng trăm lần.

Bệnh bại liệt đã được thanh toán từ năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh đã được loại trừ từ năm 2005. Các bà mẹ hãy tin tưởng và đưa trẻ đi tiêm các vắc-xin trong Chương trình TCMR. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất”.

(Trích giải đáp của Bộ Y tế trong mục trả lời công dân trên baochinhphu.vn ngày 30-11-2015)

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.