.

Mưu sinh tuổi xế chiều

.

Những mái đầu bạc phơ, những khuôn mặt đầy nếp nhăn, những cặp mắt mờ đục, đau đáu vẫn vất vả mưu sinh mỗi ngày là hình ảnh không khó để bắt gặp tại các chợ lớn, chợ nhỏ, đường quê, đồng ruộng, trên những ngã tư, con hẻm, vỉa hè...
 

Ông Lê Văn Trinh lo lắng liệu mình có sống được đến 80 tuổi (theo giấy tờ) để được hưởng trợ cấp 270 đồng/tháng.
Ông Lê Văn Trinh lo lắng liệu mình có sống được đến 80 tuổi (theo giấy tờ) để được hưởng trợ cấp 270 đồng/tháng.

Cả nước có hơn 9 triệu người cao tuổi (NCT), nhưng chỉ có khoảng 2,97 triệu người (chiếm 39% tổng số NCT) được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội, còn tới 61% dân số cao tuổi sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình.

Bạc tóc vẫn nghèo

Gia đình hai vợ chồng ông Lê Văn Trinh và bà Phan Thị Loan (trú đường Lê Đình Dương) là hộ nghèo của phường Nam Dương (quận Hải Châu) hơn 3 năm nay. Ngày ngày, thu nhập chính của vợ chồng ông Trinh dựa vào tủ hàng nhỏ trước kiệt nhà (do phường hỗ trợ làm phương tiện sinh kế), chỉ bán ít chai nước lọc, mấy gói bim bim, vài gói thuốc...; trung bình cả vốn lẫn lời, ngày bán không được 100 nghìn đồng.

Cũng may, lò mắm Bà Cẩn cạnh nhà, thấy gia cảnh ông Trinh khó khăn, lại bệnh tật, nên mướn vợ chồng ông đóng gói mắm thành phẩm, từ công việc này, vợ chồng ông kiếm thêm được tiền mua gạo, rau mỗi ngày. Tuổi già, bệnh tật triền miên, nhưng vợ chồng ông không một ngày ngơi nghỉ vì hoàn cảnh 6 người con của ông bà, gái ở nhà chồng, trai nhờ nhà vợ, nghề nghiệp đều bấp bênh.

Đứa nào cũng phải lo cho gia đình riêng của nó đã cực lắm rồi. Chúng tôi không muốn con cháu phải vướng bận thêm. Mỗi lần đi chợ, tiện đường, con gái ghé đưa cho vài con cá, miếng thịt nấu cơm là vui rồi”, ông Trinh thổ lộ. Vì không biết sống chết lúc nào nên ngay cả khi các đoàn thể trên địa bàn phường ngỏ ý cho ông bà vay ít vốn để làm ăn, vợ chồng ông Trinh đều từ chối, vì sợ “không trả được nợ”!

Từ năm 2014 đến nay, bà Loan được hỗ trợ 400 ngàn đồng/tháng, đối với người cao tuổi bị bệnh nan y. Ông Trinh năm nay 79 tuổi (nhưng trên giấy tờ thì mới 77 tuổi), vì vậy còn đến 3 năm nữa, ông mới được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội “nên không làm việc thì không biết lấy gì để sống”.

Tuổi xế chiều mà hoàn cảnh gia đình vẫn túng thiếu, không có lương hưu, không có bất kỳ khoản trợ cấp nào, vợ ốm yếu, đứa con út đang tuổi đi học, ông Huỳnh Quang (67 tuổi, đường Núi Thành, quận Hải Châu) đành đem chiếc xe máy cũ đến từng con hẻm của thành phố để chạy xe ôm kiếm tiền mưu sinh nuôi vợ con.

“Cực chẳng đã tôi mới phải ra đường mưu sinh, chứ tuổi già rồi cũng bệnh tật suốt, mỗi đêm về nhà đau nhức khắp mình mẩy ...”, ông Quang nói. Ở vào tuổi gần thất thập, ngày nào ông Quang cũng thức dậy đi làm từ 5 giờ sáng và về tới nhà khi phố phường đã chìm vào giấc ngủ. Mỗi ngày ông kiếm được 100 - 150 ngàn đồng, đủ để gia đình trang trải sinh hoạt và đóng học phí cho con”.  

Mong ước người cao tuổi

Về khu tái định cư Đông Hải - phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), hỏi bà Huỳnh Thị Thơ, nhiều người đều có chung nhận xét: “Không ai khổ cực và chịu khó như bà ấy!”. Trên 80 tuổi, nhiều năm trước, bà Thơ vẫn lao động cực nhọc để mưu sinh.

Sau giải tỏa, không còn đồng ruộng, không vốn liếng, bà Thơ chọn “nghề” đốn thông, kiếm củi ven sông, ven biển để bán. Ngày khỏe, bà còn lặn lội đi đào các loại cây lá, về rửa sạch, phơi khô đem bán cho người có nhu cầu nấu nước uống.

“Vợ chồng hai đứa con của tôi đều đi làm biển bên Sơn Trà, lâu lâu mới về, cực lắm. Tôi phải tự lo thôi. Ngày kiếm 10 ngàn, 20 ngàn vẫn còn hơn ngồi không”, bà Thơ thổ lộ. Từ năm ngoái, bà Thơ bắt đầu ky cóp hằng tháng để chuẩn bị tiền mua áo quan, các thủ tục cho ngày về với đất mà không phiền con cái..., nhưng chưa được bao nhiêu thì cơn tai biến đột ngột khiến sức khỏe không cho phép bà làm việc như trước. Hiện tại bà Thơ chỉ sống nhờ 270 ngàn đồng tiền trợ cấp hằng tháng.

Theo thống kê của các quận, huyện, hiện số NCT (trên 55 đối với nữ và 60 đối với nam) phải bươn chải để kiếm sống là trên 60%. Tại các địa bàn nông thôn, vùng ven như Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn chủ yếu NCT mưu sinh bằng đồng ruộng, mảnh vườn, số ít buôn bán nhỏ. Trong khi đó, nghề nghiệp chính của những người không có lương hưu, chưa đủ điều kiện hưởng các loại trợ cấp đối với NCT ở phố là đạp xích lô, xe thồ, bán vé số, hàng rong... cuộc sống hầu hết rất khó khăn.

Ông Trần Văn Ba, Trưởng ban đại diện NCT quận Ngũ Hành Sơn cho biết, hiện trên địa bàn quận, những hoàn cảnh như bà Huỳnh Thị Thơ là không hiếm. “Về phía các đoàn thể địa phương, như hội NCT chúng tôi cũng chỉ có những hỗ trợ mang tính chất tình thế đối với những trường hợp đặc biệt khó khăn. Những giải pháp, những thay đổi lâu dài về chế độ, chính sách đối với NCT cần được quan tâm nhiều hơn. Chẳng hạn có thể hạ mức tuổi, nới rộng đối tượng NCT hưởng trợ cấp xã hội, tăng các khoản trợ cấp...”, ông Ba đề xuất.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Trinh cứ tiếc nuối về việc mình được ba mẹ khai “ăn gian” 2 tuổi: “3 năm nữa không biết tui có còn sống mà hưởng chế độ của Nhà nước trợ cấp (cho người từ 80 tuổi trở lên) không đây!”.

Nhiều người cho rằng, với mức sống như hiện nay, các khoản trợ cấp chỉ vài ba trăm ngàn đồng/tháng không thấm vào đâu, nhưng đối với những người không còn sức lao động, phải cực nhọc chắt chiu từng đồng mỗi ngày, thì đó là “bát cơm khi đói”, là “cứu cánh” hết sức quý giá!

Toàn thành phố hiện có 79.879 người cao tuổi (NCT), nhưng chỉ trên 22.000 người đang hưởng lương hưu (chiếm 27,5% NCT); có 19.970 người trên 80 tuổi được nhận trợ cấp hằng tháng; khoảng 1.200 người từ 60-80 tuổi được trợ cấp thuộc diện hộ nghèo không có người phụng dưỡng. Có trên 45% NCT vẫn đang lao động.

Một số chính sách đặc thù của thành phố Đà Nẵng đối với NCT

1- Chính sách bảo trợ xã hội: Ngày 28-8-2015 UBND thành phố ban hành Quyết định số 25/QĐ-UBND về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố, theo đó mức chuẩn trợ cấp bảo trợ xã hội hiện nay được nâng lên mức 270.000 đồng đối với tất cả người trên 80 tuổi, không kể có thu nhập hay không. Trong khi, Trung ương quy định năm 2015, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vẫn áp dụng mức cũ (180.000 đồng), và NCT cô đơn phải thuộc hộ nghèo mới được hưởng trợ cấp hằng tháng.

2- Chính sách hỗ trợ khó khăn: Hỗ trợ 50% tiền lương tối thiểu; cấp thẻ BHYT miễn phí và hỗ trợ chế độ mai táng phí đối với những người ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động (nam đủ 60 tuổi, nữ 55 tuổi), khó khăn trong cuộc sống, có thời gian công tác thực tế dưới 15 năm và thời gian công tác quy đổi từ đủ 15 năm trở lên.

3- Chính sách trợ cấp hằng tháng cho đối tượng bị bệnh ung thư, suy thận mãn chạy thận nhân tạo, với mức 400.000 đồng/tháng.

4- Chính sách trợ cấp đối với nhóm người cao tuổi già yếu, ốm đau thường xuyên chưa đủ điều kiện hưởng chính sách bảo trợ xã hội với mức 400.000 đồng/người/tháng và hỗ trợ thêm 200.000 đồng đối với NCT đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội thuộc hộ đặc biệt nghèo.

5- Chính sách mua và cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí cho NCT đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ 60 tuổi trở lên;….

Nguồn: Sở Lao động-Thương binh và xã hội Đà Nẵng

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.