3 năm qua, 56 câu lạc bộ tư vấn-chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) dựa vào cộng đồng thuộc 56 xã, phường trong toàn thành phố được thành lập đã giúp những NCT mang trong mình một vài bệnh tuổi già có thêm nhiều thông tin về cách phòng và điều trị bệnh, hiểu biết những bài thuốc Nam chữa bệnh thông thường. Sống chung với bệnh tuổi già - những "người bạn đường" không mong đợi, hệ thống y tế đang ngày một phát triển giúp NCT nâng cao sức khỏe, kiểm soát được một số bệnh tật.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân NCT tại Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng. |
Gánh nặng bệnh phối hợp trên người già
Ông Huỳnh Vĩnh Truyền, Chủ tịch Hội NCT phường Nam Dương, quận Hải Châu cho biết, so với cách đây 15 năm, người già ngày càng nhiều lên với số tăng khoảng 8-10%. Hiện phường có khoảng 900 NCT, trong đó có 236 người trên 80 tuổi. Với nhiều người già chỉ có 1 - 2 con, cuộc sống của họ gần như cô đơn, dễ sinh ra trầm uất.
Theo ông Truyền, chính các câu lạc bộ tư vấn-chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng hoạt động có hiệu quả tại 54 tổ dân phố của phường, cộng với việc các hội đoàn thể vận động NCT tham gia tập dưỡng sinh, nâng cao đời sống tinh thần, tham gia các hoạt động đã giúp người già ở đô thị có sức khỏe tốt hơn.
Tuy nhiên, với cơ chế bệnh tật trên con người hiện nay, mỗi NCT thường gánh 2-3 bệnh, đặc biệt là nhiều bệnh trở thành bệnh xã hội là thực trạng ở các cơ sở y tế hiện nay, với số người già chữa bệnh khá cao.
Bệnh viện (BV) Đà Nẵng hiện vẫn chưa thành lập khoa Lão, nên không thể có con số bao nhiêu người già khám chữa bệnh tại BV. Nhưng ở một số khoa như Nội hô hấp, Nội tim mạch, NCT chiếm trên 50%. Bác sĩ CK2 Huỳnh Đình Lai, Trưởng khoa Nội tim mạch, BV Đà Nẵng cho biết, có khoảng 80% bệnh nhân của khoa là NCT trên tổng số 150 giường bệnh, 90% bệnh nhân có thẻ BHYT.
“Với tỷ lệ tuổi thọ người Việt Nam đang tăng, người lớn tuổi bị bệnh phối hợp (có 2 bệnh trở lên, bệnh độc lập ít) như bệnh tiểu đường + huyết áp + phổi, chưa kể bệnh thận, gia tăng. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh 5-10 năm trở lên, không còn sức lao động, thuộc nhóm bệnh mãn tính đang điều trị tại khoa”. Hiện Khoa Nội tim mạch có 115 giường bệnh, nhưng bệnh nhân lúc nào cũng ở con số 140-150 người.
Trong khi khoa chỉ có 12 bác sĩ, 24 điều dưỡng, 4 hộ lý. Công suất giường bệnh, công suất làm việc của nhân viên y tế luôn trong tình trạng quá tải, buộc khoa phải tăng công suất làm việc của nhân viên. Do đó, những bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch, bệnh lý không đe dọa đến tính mạng thì phải cho ra viện, điều trị ngoại trú.
Ở Khoa Nội hô hấp, NCT chữa bệnh chiếm khoảng 50% trên tổng số khoảng 350 bệnh nhân mỗi tháng. Trong đó, người già chủ yếu bị bệnh viêm phổi, một số mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen suyễn.
ThS, BS Nguyễn Hứa Quang, Trưởng khoa Nội hô hấp cho biết, khi con người lớn tuổi, các cơ quan trong cơ thể suy giảm, sức đề kháng giảm nên khi bị bệnh (như bệnh viêm phổi) sẽ bị nặng hơn bệnh nhân khác. “Khi bệnh nhân bị đa bệnh tật, chúng tôi phải sử dụng thuốc men cẩn trọng hơn và phải mời bác sĩ các chuyên khoa khác cùng hội chẩn, để có phác đồ điều trị tốt nhất”.
Chị Võ Thị Điền, Điều dưỡng trưởng Khoa Ngoại chấn thương-chỉnh hình, BV Đà Nẵng cho biết, hầu hết NCT khi vào khoa đều do té ngã và gãy xương đùi. Muốn bệnh nhân mổ được, khoa phải mời các chuyên khoa khác cùng hội chẩn, đặc biệt chuyên khoa nội tim mạch và hô hấp phải thăm khám kỹ hơn.
Ở Đà Nẵng, tuyến y tế cơ sở có BV Ngũ Hành Sơn 2 năm qua thành lập khoa Lão, đi sâu điều trị bệnh giúp NCT ở địa phương có điều kiện chữa bệnh được tốt hơn. Ngoài ra, Bệnh viện C được xem là BV “dành cho người già” khi hầu hết lượng bệnh nhân mà BV tiếp nhận là người về hưu, 100% có thẻ BHYT.
Trong số các BV tuyến trên thì cũng duy nhất nơi đây có khoa Nội lão khoa. Bác sĩ Cao Chí Hiếu, Trưởng khoa Nội lão khoa từ khi khoa được thành lập hơn 3 năm nay cho biết, trên những bệnh nhân có nền đa bệnh (2,5 – 2,7 bệnh/người), mãn tính thì cách tiếp cận và điều trị của bác sĩ phải tuân thủ những nguyên tắc để bảo đảm bệnh ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Với những người đa bệnh lý, có hậu quả sau tai biến, trí tuệ giảm, không tự chăm sóc bản thân, phải hỗ trợ chuyên môn (ăn uống qua xông, nuôi dưỡng bằng đường truyền), thì điều dưỡng phải chăm sóc vất vả hơn. Chúng tôi phải đào tạo điều dưỡng tại chỗ, nắm các đặc tính sinh lý, cách tiếp cận với người già để có cách chăm sóc các cụ tốt nhất. Ngoài ra, phải thận trọng trong quá trình kê đơn thuốc và phối hợp với các khoa để có tham vấn chuyên môn trong quá trình điều trị”, bác sĩ Hiếu cho biết.
Tuổi già khỏe mạnh
Các bác sĩ đều đưa ra lời khuyên, để NCT vui hưởng tuổi già khỏe mạnh, không bệnh tật và vui vẻ hạnh phúc, cần một lối sống lành mạnh như không hút thuốc, tập dưỡng sinh, sinh hoạt tại các câu lạc bộ tại cộng đồng; có chế độ sinh hoạt phòng bệnh mạn tính, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Đây không chỉ là lời khuyên của những người có chuyên môn, mà còn là chương trình hành động của mỗi quốc gia nếu muốn có những lớp NCT khỏe mạnh, sống có ích, giảm số tiền dành cho chi phí thuốc men…
Tại hội thảo “Đối thoại Chính sách y tế cho người cao tuổi” do Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức tại Vĩnh Phúc ngày 2-12 vừa qua, các tham luận đưa ra tại hội thảo nhấn mạnh đến việc chăm sóc y tế tốt có thể giúp làm chậm lại quá trình lão hóa ở NCT.
Thực tế đã chứng minh, một chế độ dự phòng bệnh tật như sinh hoạt tốt cho sức khỏe, phát hiện và điều trị bệnh sớm, vận động như đạp xe, chơi thể thao, tinh thần lạc quan giúp cho thể chất của một số người ở độ tuổi 60 vẫn chỉ như người ở độ tuổi 40. Quá trình lão hóa ở mỗi người là khác nhau. Do vậy, các chiến lược giúp làm chậm lại quá trình lão hóa ở NCT là một chiến lược tổng thể, tích hợp cả về hệ thống chăm sóc y tế lẫn môi trường lành mạnh.
Đà Nẵng có môi trường sống khá trong lành, cộng với hệ thống y tế tốt, mạng lưới y tế rộng khắp là điều kiện để NCT ở địa phương có điều kiện được chăm sóc y tế cũng như cải thiện môi trường sống để sức khỏe ngày càng tốt hơn.
Theo số liệu từ Ban đại diện Hội NCT thành phố, trong năm 2015, Ban đã mua thẻ BHYT miễn phí cho 18.750 NCT đang hưởng trợ cấp và 185 NCT đang được nuôi dưỡng tập trung. Lập hồ sơ theo dõi sức khỏe ban đầu cho 27.497 NCT. Tổ chức tư vấn, khám bệnh và phát thuốc cho 41.700 lượt NCT. Có trên 14.660 NCT được khám sàng lọc chương trình “Mắt sáng cho NCT”, trong đó có 4.327 trường hợp được phẫu thuật (miễn phí cho 1.420 NCT có hoàn cảnh khó khăn). |
HOÀNG NHUNG