.

Người già ra phố

.

Bà bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, vẫn chưa yên phận dưỡng già. Con cái bà, có đứa lang bạt xứ này, đứa xứ khác, rồi lập nghiệp, an cư ở xứ người, sinh con đẻ cái. Mỗi lần như thế, bà đều tất tả từ quê ra phố để chăm cháu, từ chăm đẻ đến nuôi cháu lớn khôn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nói như nhiều người quen biết, rằng bà là người của mọi xứ. Và bây giờ, nó sinh đứa con đầu lòng, bà vào chăm, nuôi cháu như cách nói của bà là “cho chúng mày yên tâm làm ăn”. Người già từ quê ra phố, như bà đã là… ngon lắm vì không quá xa lạ với đời sống phố xá dù chỉ lướt qua là chính. Dẫu vậy, không nói ra, nhưng nó cũng cảm nhận được ở bà một sự chắc-chắn-rằng, không đâu bằng quê nhà. Có lẽ, đó là tâm lý của người già, tâm lý của người tự do nơi chốn thôn dã bỗng rơi vào cái “nhà tù mở” với cánh cửa nơi nhà mình ở và nhà hàng xóm, lúc nào cũng mở ra rồi đóng vội. Bà buồn những thời gian đầu khi ở với vợ chồng nó, không phải vì chúng nó cư xử với bà vô tâm, mà vì ở chốn thị thành không thể thân thiết, rộng mở tấm lòng như chốn quê, như cách lý giải của nó. Nhưng người già ở quê, họ luôn có cách riêng của họ, không như suy nghĩ của nó…

Nó đi làm, trở về đều qua dãy hành lang chung cư ở tầng một, lên thang máy, qua tầng 2 lên tầng 7, và hay gặp các bà già, cũng như mẹ nó, từ quê ra phố chăm cháu, “trông trẻ” cho con cái làm ăn. Lạ, những người đàn bà ấy, từ trung niên đến già lão, đều biết nó, trong khi nó sinh sống ở nơi này đã 3 năm có lẻ, chẳng biết rõ hết số người quá 2 tầng chung cư. Nghe những chuyện đêm về bà kể cuộc sống ở chung cư này, nhà ở tầng nọ vốn người Thanh Hóa, nhà kia là người Quảng Nam, nhà kìa là người Nghệ An, Bắc Giang, Quảng Bình, Hà Tĩnh… nó thấy mình thật sự vô tâm. Dường như chất quê đang được mẹ nó và nhiều bà khác “cùng cảnh ngộ” thổi vào khu chung cư vốn rặt những người kín tiếng này. Cái hôm mẹ nó cùng 3 bà khác “cùng cảnh ngộ” đi uống cà-phê đêm để chia tay một bà ngày mai về quê, coi như “hoàn thành nghĩa vụ” với con cháu, thì nó mới vỡ ra nhiều điều.

Người già ra phố, họ như những thỏi nam châm, cứ thế tự hút lại với nhau trong những câu chuyện ân tình, những sẻ chia để vơi đi nỗi xa nhà của tuổi già. Người già ra phố mang theo chút hồn quê để những người trẻ xa quê giữa bộn bề mưu sinh, còn có khoảng lặng để tìm về, để không quá vội vã mà quên mất câu chào với… người hàng xóm.

MINH SƠN

;
.
.
.
.
.