.

Nhân lực y tế dự phòng: "Đứa con rơi" ngành y

.

Chuyện “phòng bệnh hơn chữa bệnh” luôn được nói tới từ nhiều năm nay, nhưng hầu như ngành y tế chỉ tập trung đầu tư cho hệ điều trị mà ít ngó ngàng đến hệ dự phòng (DP). Nhân lực cho y tế dự phòng (YTDP) luôn trong tình trạng ít người, nhiều việc, lương thấp… Đó là những nguyên nhân khiến hệ DP không “tỏa sáng” và phát huy hiệu quả như mong muốn của xã hội.

Y sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thúy (người bên phải) thực hiện khám sàng lọc và ghi thông tin cho mỗi trẻ nhỏ đến tiêm chủng. Ảnh: Q.T
Y sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thúy (người bên phải) thực hiện khám sàng lọc và ghi thông tin cho mỗi trẻ nhỏ đến tiêm chủng. Ảnh: Q.T

Áp lực mang tên tiêm chủng

Kể từ vụ 3 em bé ở Quảng Trị tử vong do tiêm vắc-xin viêm gan B năm 2013, chưa bao giờ công tác tiêm chủng được xã hội chú trọng như hiện nay. Chính sự “quan tâm quá mức” này tạo áp lực không nhỏ cho những người làm YTDP.

Y sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Trạm trưởng trạm y tế phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, người có gần 30 năm gắn bó với hệ DP tâm sự, những năm trước, công việc của người làm YTDP tuyến trạm rất vất vả.

Hằng tháng, các chị phải đi điều tra dân số sinh, thậm chí xách thùng thuốc đến tận nhà dân để phổ biến kiến thức và thực hành tiêm chủng. 1 ngày có khi phải tiêm cho gần 200 cháu nhưng so với áp lực ngày nay thì phải nói… chưa thấm vào đâu.

Trước đây, cứ cán bộ tại trạm là đủ điều kiện tiêm chủng, không cần giấy chứng nhận tập huấn. Bây giờ, cứ 3 năm, tất cả cán bộ dự phòng phải đi tập huấn một lần.

Công tác tiêm chủng cũng được chuẩn bị kỹ càng hơn trước khi phải đảm bảo đủ “4 phòng”: phòng tiếp đón, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm chủng, phòng ở lại theo dõi sau tiêm chủng. Một buổi chỉ được tiêm tối đa 50 trẻ.

Tất cả các quy trình đều được đảm bảo nghiêm ngặt. “Mỗi tháng đến đợt tiêm chủng là tôi mất ngủ 10 ngày. Cảm giác rất lo sợ, mệt mỏi. Trước thì lo chuẩn bị, sau thì phập phồng, căng thẳng lo có trẻ nào bị phản ứng không. Phải 4-5 ngày sau tiêm chủng mà không có thông tin xấu nào, tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ chuyên trách tiêm chủng phường Hải Châu 2 chia sẻ.

BS Trần Bảo Ngọc (cán bộ chuyên trách tiêm chủng mở rộng, Trung tâm YTDP thành phố) cho biết, nhiều bà mẹ có con 4-5 tháng tuổi nhưng chưa được tiêm mũi lao, trong khi mũi tiêm này phải được tiêm khi trẻ 1 tháng, chị phải giải thích, thuyết phục rất nhiều họ mới thay đổi tư duy. Mỗi đợt có tiêm chủng, buổi trưa và tối mà điện thoại reo là chị giật thót, chỉ sợ nhấc điện thoại lên nhận được câu nói: “A-lô, có ca phản ứng”.

Ngoài tiêm chủng, những người làm YTDP còn “ôm” nhiều lĩnh vực khác như chăm sóc bệnh nhân lao, tâm thần, tiểu đường, béo phì, huyết áp, các bệnh xã hội, quản lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh BHYT…

Hiện nay, trạm y tế còn là đơn vị phối hợp với công an khu vực trong việc test ma túy. Y sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thúy kể, mỗi dịp lễ là chị xác định đêm đó khó ngủ vì đây là thời điểm công an thường ra quân truy quét tội phạm.

Không kể ban ngày hay nửa đêm, một khi tội phạm bị bắt là chị phải làm các xét nghiệm. Nhiều đêm chị ở công an phường đến 2, 3 giờ sáng vì tội phạm không hợp tác.

Không chỉ những người làm YTDP tuyến trạm mới vất vả, tuyến thành phố cũng là “miếng xương chẳng ai muốn gặm”. BS. Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm YTDP Đà Nẵng - Sở Y tế Đà Nẵng,  đợt dịch sốt xuất huyết năm nay, toàn nhân lực ngành DP ra quân, xuống tận nhà dân khảo sát tình hình.

Khi thiếu lực lượng, “mượn” thanh niên ở các bệnh viện hợp tác nhưng họ đi với tâm thế không thoải mái: “đường đường là bác sĩ mà phải đến nhà vệ sinh, những nơi ẩm mốc, bẩn thỉu à”. “Trong khi mình cũng thạc sĩ, bác sĩ mà có dịch bệnh là không chừa vị trí nào, bươn ra mà đi, thì các bác sĩ hệ điều trị rất “làm giá”.

Không ai muốn về DP

Những năm gần đây, các loại bệnh như H5N1, tay-chân-miệng, sốt xuất huyết,… bùng phát gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân còn ngành y tế thì vất vả chống đỡ. Một trong những nguyên nhân đó là nguồn nhân lực y tế dự phòng thiếu trầm trọng cả về chất lẫn về lượng.

Hiện nay, bác sĩ y tế dự phòng không dễ tuyển bởi người làm công tác dự phòng gần như không có thu nhập thêm. Cùng học 6 năm trong trường ĐH Y, nhưng khi ra trường, bác sĩ YTDP chỉ được làm công tác phòng bệnh, không được tham gia khám chữa bệnh.

Khi thu nhập chỉ trông chờ vào đồng lương, không ít bác sĩ y sau một thời gian làm việc đã xin chuyển công tác. Hoặc có một thực trạng đáng buồn hơn, có những người là y sĩ, có nguyện vọng được học lên bác sĩ DP, nhưng khi học xong, họ làm đơn xin chuyển qua… hệ điều trị. BS. Tôn Thất Thạnh chua chát: “Nhiều y bác sĩ coi dự phòng như “cõi tạm”. Thậm chí, một số người làm trong ngành y bị kỷ luật là đưa về dự phòng”.

Chính sự “coi nhẹ” hệ DP đã tạo một lỗ hổng khổng lồ cho ngành y tế. Một hệ quan trọng, có chức năng dự báo dịch bệnh cho toàn xã hội nhưng mới chính thức có mã ngành đào tạo 3 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số cán bộ YTDP, hầu như sinh viên y khoa chọn ngành YTDP đa phần vì… điểm đầu vào thấp chứ không thực sự yêu thích. Bởi đơn giản, bất cứ sinh viên ngành y nào khi ra trường cũng muốn khoác chiếc áo blouse trắng, đem kiến thức chữa bệnh cho mọi người.

Thêm vào đó, tâm lý chỉ muốn làm việc ở tuyến thành phố khiến nhiều sinh viên ra trường chấp nhận thất nghiệp một thời gian còn hơn về tuyến quận, huyện, xã, phường.

Chính tư tưởng này lại tạo một lỗ hổng thứ 2 khi cấp cơ sở - cấp gần gũi cộng đồng nhất thì lực lượng DP lại quá mỏng. Ông Thạnh cho biết, lực lượng cơ sở không đủ chất và lượng khiến Trung tâm YTDP thành phố phải cử cán bộ về địa phương theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh, sau đó tuyến trên mới đưa thông tin về để cơ sở triển khai. Cách làm này dẫn đến tình trạng sót thông tin khi cán bộ thành phố không thể đi sâu đi sát người dân để tìm hiểu, tuyên truyền.

Hiện nay, nhân lực phục vụ trong ngành YTDP tại 7 quận, huyện là 114 người; 56 xã, phường thì mỗi xã phường có 5-6 người. Trong đó, có tất cả 45 BS hệ dự phòng tuyến cơ sở.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.