.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

.

Chúng ta thường nghe nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, thế nhưng thực tế cán cân ngân sách dành cho y tế và cả cái nhìn của xã hội đang nghiêng hẳn về phía chữa bệnh.

Xét nghiệm phục vụ công tác giám sát an toàn thực phẩm (ảnh trái) và thực hiện kỹ thuật PCR xét nghiệm nhanh tác nhân gây các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng… tại Khoa Xét nghiệm - Trung tâm YTDP Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Xét nghiệm phục vụ công tác giám sát an toàn thực phẩm (ảnh trái) và thực hiện kỹ thuật PCR xét nghiệm nhanh tác nhân gây các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng… tại Khoa Xét nghiệm - Trung tâm YTDP Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Hoạt động của hệ thống y tế dự phòng (YTDP) không ngoài quan niệm y học cổ truyền là lấy phòng bệnh làm điều cốt yếu trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Có điều, chỉ những “người trong cuộc” mới nhận rõ “sứ mệnh” cao cả này.

Trận chiến thầm lặng

Bác sĩ Phạm Văn Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế, phụ trách Đội YTDP quận Ngũ Hành Sơn, lúc mới ra trường vào những năm 80 thế kỷ trước, từng thấy nhiều trẻ em mắc các chứng bệnh như: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt…

BS Nguyễn Văn Quang, đội trưởng Đội YTDP – Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, cũng cùng thời điểm đó, khi thực tập chuyên nhi ở Bệnh viện Trung ương Huế từng chứng kiến một đêm có 8-10 ca trẻ chết vì các căn bệnh quái ác này.

Thế nhưng, từ năm 1990 đến nay, sau khi chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai trên cả nước, hầu hết các bệnh trẻ em này đã được thanh toán gần như dứt điểm. Riêng bệnh sởi, theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2014 cả nước xảy ra dịch sởi làm 146 trẻ em tử vong. Chiến dịch chích ngừa vắc-xin sởi - rubella được triển khai từ tháng 9-2014 đến tháng 5-2015 đã giúp số trẻ mắc sởi năm 2015 còn dưới 50 ca và không có trường hợp tử vong.

Tiêm chủng phòng bệnh đã mang lại hiệu quả tích cực, trong đó có nỗ lực và trách nhiệm rất lớn của YTDP.

YTDP như một trận chiến thầm lặng chống lại bệnh tật. BS Tài ví von: “Chữa bệnh chỉ mang hiệu quả lại cho một người hoặc một số người, nhưng phòng bệnh sẽ ngăn ngừa bệnh cho rất nhiều người, mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội.

Ví như chữa một ca bệnh sốt xuất huyết tốn vài ba triệu đồng, nhưng nếu dập được một ổ dịch lây lan từ muỗi này thì cứu được cả cộng đồng”.

BS Quang giải thích cụ thể hơn, trong 3 ngày từ 23 đến 25 tháng 11 vừa qua Trung tâm Y tế quận Sơn Trà điều trị 29 ca sốt xuất huyết, nhưng ít ai biết rằng hệ dự phòng của quận đã ngăn ngừa rất nhiều người khác không phải mắc bệnh.

Trước diễn biến phức tạp tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận, chiều 25-11 vừa qua, đội YTDP quận xuống hướng dẫn cách diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi cho 70 tổ trưởng dân phố và CTV dân số - sức khỏe cộng đồng. BS Quang tính, nếu bình quân mỗi tổ 30 hộ và mỗi hộ có 4 nhân khẩu thì dịp này đã có 8.400 người được hướng dẫn phòng dịch và nếu làm tốt thì chừng đó người sẽ tránh được bệnh sốt xuất huyết! Nếu mỗi tuần bên điều trị chữa thành công được 10 ca sốt xuất huyết thì, cùng thời gian đó, bên dự phòng ngăn được 8.400 người không mắc bệnh sốt xuất huyết.

Phải chăng về hiệu quả, điều trị hiển hiện trước mắt, còn dự phòng thì tiềm ẩn khó nhìn nên ít ai nhận ra chiến công của “trận chiến thầm lặng” này?!

Cán cân ngân sách: Quá nhẹ cho dự phòng

Đội YTDP Sơn Trà hiện có 16 người, trong đó bộ phận chống dịch chỉ 5 người, nhưng theo BS Quang, phải ít nhất 8 người mới đảm đương hết công việc của mình. Với 29 ca sốt xuất huyết trên địa bàn quận nói trên, đội phải huy động đến 14 người xuống vận động người dân cùng đi dập dịch.

Về nguyên tắc, tiền đặc thù 60% tính trên lương căn bản chỉ được cấp cho 5 người bộ phận chống dịch, nhưng, theo BS Quang, mọi người thống nhất với nhau là chia đều cho 14 người để ai cũng có phần gọi là… tăng thu nhập!

Bác sĩ dự phòng chỉ thuần có lương và đôi lúc được hưởng thêm tiền đặc thù. Trong khi đó bác sĩ điều trị có thể mở phòng mạch, khám bệnh ngoài giờ với thu nhập tiền triệu.

Nếu làm dự phòng tốt thì chi phí cho điều trị sẽ giảm, tuổi thọ khỏe mạnh sẽ cao lên. Thế nhưng cán cân ngân sách dành cho ngành Y tế lại nghiêng về điều trị hơn là dự phòng.

Báo Tuổi Trẻ, trong bài viết “Thiếu gần 23.000 cán bộ y tế dự phòng: Khó cho phòng bệnh” ngày 28-9 vừa qua đã dẫn lời ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục YTDP – Bộ Y tế, rằng Nhà nước nên dành 50% ngân sách cho YTDP như quốc tế, còn điều trị sẽ do các kênh như bảo hiểm hoặc nếu là bệnh viện tư thì do người bệnh tự chi trả.

Việt Nam hiện chi cho điều trị tới 60% tổng chi cho y tế, dự phòng thì quy định 30% nhưng thực tế còn thấp hơn. Theo báo cáo mới đây của Bộ Y tế, khảo sát tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước, mức chi bình quân cho YTDP chỉ mới xấp xỉ 16% tổng chi cho y tế, trong khi đó Nghị quyết 18 của Quốc hội yêu cầu mức chi này phải ở mức 30%.

Kinh phí YTDP thấp đã dẫn đến một số hệ quả không như mong muốn. YTDP không chỉ quan tâm đến các bệnh truyền nhiễm hay suy dinh dưỡng, mà còn liên quan trực tiếp đến các bệnh mạn tính (phần lớn rơi vào người cao tuổi) như tim mạch, viêm khớp xương, tiểu đường, cao huyết áp, tai biến, loãng xương, ung thư, v.v…

BS. Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm YTDP Đà Nẵng – Sở Y tế Đà Nẵng, cho hay nhiệm vụ này đã được Nhà nước, trực tiếp là Bộ Y tế quan tâm, đưa vào trách nhiệm của YTDP, nhưng hoạt động vẫn chưa mạnh do kinh phí thấp. 100 triệu đồng/năm như muối bỏ bể đối với các chương trình phòng chống các bệnh như tiểu đường, tăng huyết áp… Trong khi đó các bệnh truyền nhiễm được cấp kinh phí cao như sốt xuất huyết (400 triệu đồng/năm), HIV/AIDS (gần cả tỷ đồng)…

Với các bệnh mạn tính này, YTDP chủ yếu 3 nhiệm vụ: tuyên truyền, tập huấn và khám sàng lọc cộng đồng. Vẫn theo BS Thạnh, kinh phí ít nên mỗi năm chỉ khám sàng lọc được khoảng 2.000 ca tăng huyết áp; còn muốn có đánh giá chung toàn thành phố về căn bệnh này thì phải có điều tra, tất nhiên với kinh phí nhiều hơn, mới kết luận được.

Năm 2016 sẽ không còn chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống bệnh tật nữa, tất cả đều được giao về cho địa phương. Ngành y tế thành phố đang xây dựng kế hoạch phòng chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, như thế sẽ càng khó khăn hơn về kinh phí.

Tinh gọn để hiệu quả hơn

Hệ dự phòng trên cả nước hiện “neo đơn” nhân sự nhưng lại chằng chịt với đủ loại trung tâm: An toàn thực phẩm, Sức khỏe môi trường, Phòng chống sốt rét, Y tế dự phòng, Phòng chống HIV/AIDS,... Mỗi trung tâm lại buộc phải có trụ sở, đội ngũ nhân sự từ giám đốc đến nhân viên.

Ở Đà Nẵng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế... nguyên là các khoa chuyên môn của Trung tâm YTDP Đà Nẵng tách ra. Việc “ra riêng” này, xét trên góc độ bộ máy tổ chức là cồng kềnh, gây lãng phí cả về nhân lực lẫn vật lực. Các trung tâm đều mua sắm, lắp đặt trang thiết bị đắt tiền nhưng chỉ phục vụ riêng cho chuyên môn của mình.

Để bộ máy hệ dự phòng hoạt động hiệu quả, năng động hơn, lời giải đưa ra là phải sáp nhập tinh gọn về một mối. Cũng theo bài báo nêu trên, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế, Việt Nam dự kiến triển khai mô hình CDC (Centers for Disease Control and Prevention - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, nơi quy tụ của nhiều bộ phận phòng chống và kiểm soát dịch bệnh) như Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia đã làm.

Theo ông Tác, để tiến đến mô hình của Mỹ này, sẽ từng bước sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng phòng chống dịch bệnh như phòng chống sốt rét, HIV/AIDS, phòng chống bệnh xã hội, y tế dự phòng vào làm một, giảm thiểu nhân lực ở bộ phận hành chính và tăng cường nhân lực cho công tác chuyên môn, giảm bớt tình trạng thiếu nhân lực hệ YTDP hiện nay.

BS Thạnh lo lắng: “Một mình ngành Y tế thì không thể nào phòng, chống dịch được, mà đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và sự chung tay hành động của cả cộng đồng.

Muốn vậy, phải có sự phân công trách nhiệm rõ ràng của ngành y tế và các cấp chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói riêng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng nói chung”.

Một khi sáp nhập thành công các trung tâm có cùng chức năng thì công tác phòng, chống dịch sẽ không còn là nỗi lo nữa.

“Bộ máy tổ chức hiện nay của hệ thống YTDP tại các địa phương quá cồng kềnh gây lãng phí và không tập trung được nguồn lực trong triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Thành phố Đà Nẵng chủ trương đầu tư xây dựng khu tập trung các đơn vị YTDP thành phố nhằm khắc phục tình trạng này và dần thực hiện lộ trình sáp nhập các đơn vị YTDP theo chủ trương của Bộ Y tế đến năm 2020”.

Giám đốc Trung tâm YTDP Đà Nẵng – Sở Y tế Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.