.

Sách, trong tim người đọc

.

Cuốn tiểu thuyết “Cát cháy” (dành cho thiếu nhi) của nhà văn Thanh Quế từng được Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng in 30 vạn cuốn trong thời bao cấp, nhưng với cuốn sách này, cũng NXB Kim Đồng, lần in mới đây nhất chỉ 1.000 cuốn.

Tiền nhuận bút khi được in tập sách này ngày trước có thể giúp nhà văn trẻ vừa cưới được vợ vừa sắm sửa tươm tất cho cuộc sống mới… Nhưng ngày nay, người sáng tác phần lớn chỉ mong sách được ra mắt công chúng chứ không màng tới khoản nhuận bút ít ỏi (không đủ để mua sách tặng), thậm chí không phải bỏ tiền ra để in sách đã là may mắn.

Ngày hội đọc sách Đà Nẵng 2015 thu hút đông đảo bạn đọc mọi lứa tuổi - minh chứng cho giá trị và tình yêu muôn thuở với sách. Ảnh: T.T
Ngày hội đọc sách Đà Nẵng 2015 thu hút đông đảo bạn đọc mọi lứa tuổi - minh chứng cho giá trị và tình yêu muôn thuở với sách. Ảnh: T.T

Lý giải thực tế trên, có ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do người đọc ngày càng thờ ơ với sách, người mua sách, đọc sách không nhiều như trước (dù dân số nước ta không ngừng tăng) nên các NXB “dè dặt” hơn trong in ấn, phát hành. Để thấy rằng, chỉ nhìn bề mặt, giữa hoạt động xuất bản - phát hành sách và người đọc có mối quan hệ không tách rời.

Cần chọn những tác phẩm thực sự chất lượng

Dù có việc hạn chế số lượng những ấn bản được định vị giá trị thời kỳ trước nhưng thị trường sách thì ngày càng xôm tụ và màu sắc. Sách đa dạng chủng loại và được in với bìa đẹp, giấy tốt hơn trước kia nhiều.

Song, theo chia sẻ của nhiều người đi mua sách, nhất là những người không duy trì thói quen đọc sách thường xuyên thì họ khá lúng túng trong việc chọn cho mình một cuốn sách ưng ý trong “hỗn độn” sách mới, tác giả mới hiện nay. Họ không thể biết cuốn nào chất lượng thực sự, vì tất cả đều “lung linh” như nhau.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học-nghệ thuật Đà Nẵng cho rằng, nỗi khổ trên của người đọc không phải vô lý. Sách muốn đến tay người đọc phải trải qua bốn khâu: viết sách, in sách, bán và phê bình sách. Trong đó, in sách nói đến hoạt động biên tập, thẩm định xuất bản.

Theo ông Tiếng, ngày nay, hoạt động xuất bản chuyên nghiệp hơn trước trên mọi mặt, nhưng không phải tất cả, đáng nói là có những sách hay không được in. Người bán sách cũng thưa vắng như nhà sách và càng thưa vắng những người bán sách chuyên nghiệp, dẫn đến việc “bán sách” không khác mấy “bán sổ”.

Phê bình giới thiệu sách thì chủ yếu làm kiểu tay ngang, tay trái, chủ yếu dừng ở việc điểm sách chứ chưa tạo nên những tác động cần thiết đối với thị hiếu độc giả. Ông Tiếng cho rằng, đó là những nguyên nhân khiến người đọc băn khoăn trong lựa chọn, thậm chí chọn cách xa lánh thế giới sách muôn màu.

Nhà văn Thanh Quế, người có nhiều tác phẩm văn - thơ được xuất bản qua nhiều thời kỳ nói rằng, ông không biết “đổ lỗi” cho ai trước thực trạng nhiều người không còn mặn mà với sách, đặc biệt là sách văn chương.

Có điều, ông luôn tin rằng, khi các NXB in những cuốn sách chất lượng, tổ chức giới thiệu quảng bá tốt, phát hành rộng rãi thì tình hình hẳn sẽ sáng sủa hơn. Theo ông, dù người làm thơ, viết văn có “yêu sự cô đơn” trong sáng tạo thế nào đi nữa thì “ai mà không chạnh lòng khi thơ văn mình viết ra không người đọc. Tôi già rồi, không sáng tác được nhiều nữa, nên cũng không cảm thấy khổ lắm, chỉ thương những cây bút trẻ nhiệt huyết”.

Kinh qua công tác xuất bản nhiều năm, Võ Văn Đáng, nguyên Giám đốc NXB Đà Nẵng cho rằng, muốn có bản thảo tốt cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên tốt, đa dạng và “gắn bó máu thịt”. Kế đó, đội ngũ biên tập viên, thẩm định phải làm tròn nhiệm vụ “màng lọc” trước xuất bản, làm sao bảo đảm “gạn đục khơi trong”.

Tuy nhiên, điều tối quan trọng để những cuốn sách hay đến tay bạn đọc, theo ông Đáng, phải làm tốt hơn khâu giới thiệu, quảng bá sách – điều mà hiện NXB Đà Nẵng và các đại diện NXB tại thành phố còn hạn chế. “Tuy nhiên, xét nội tình tôi nghĩ không phải các NXB không phải không muốn làm nhưng họ bị hạn chế bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có tiềm lực tài chính.

Công tác xuất bản cần được đầu tư, chăm chút hơn mới mong đủ sức cạnh tranh được với các công ty tư nhân, với sách lậu tràn lan nhũng nhiễu thị trường như hiện nay”, ông Đáng nói.

Nói đến giới thiệu sách, nhiều ý kiến cho rằng cần chọn lọc những tác phẩm thực sự chất lượng. Và những người tham gia viết giới thiệu, phát biểu cần nghiên cứu kỹ, sâu, chỉ ra được cái hay cái dở của tác giả, tác phẩm chứ không phải cứ nói cho có.

Hiện nay, có một hiện tượng đáng buồn là ai có tiền bỏ ra cũng làm được sách, cũng làm được buổi giới thiệu sách, hoặc ai có quen biết thì nhờ người lăng-xê trên báo đài, tác phẩm có làng nhàng thì người tham gia vẫn cứ thế khen tới cho đẹp lòng nhau, tặng cho nhau đủ thứ danh hiệu và giá trị... Thành ra các buổi giới thiệu sách và các mục giới thiệu sách trên báo, đài “mất thiêng”, không lôi cuốn được người nghe.

Người đọc sẽ ở lại

Với kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh, trao đổi sách gần 4 năm nay, Quỳnh Linh – cô chủ trẻ của Love Tree (196 Trần Phú) – một địa chỉ đọc sách khá quen thuộc với người Đà Nẵng những năm gần đây, nhận thấy không phải người Đà Nẵng không có nhu cầu đọc mà do họ không có điều kiện tiếp cận đối với những cuốn sách mà họ đang tìm kiếm hoặc với những người cùng sở thích.

Chính vì vậy, tiệm sách Love Tree luôn cố gắng tư vấn sách cho khách đến tìm mua trong khả năng có thể, để khách hài lòng về những cuốn sách họ được tư vấn lựa chọn. Tình yêu sách là ngọn nguồn của mọi chiến lược kinh doanh tại quầy sách khá đặc biệt này. Đến đây, nếu bạn thực sự muốn đọc sách, bạn có thể được phục vụ trà đá miễn phí và đọc sách (trong ngăn đọc).

Trong điều kiện giá sách đắt đỏ như hiện nay, Love Tree còn tổ chức các phiên chợ sách cũ với giá ưu đãi (giảm từ 30 – 50%) kèm với hình thức bán cà-phê đồng giá 10.000 đồng để thu hút mọi người đến xem và tìm mua, trung bình 3-4 phiên/năm. Love Tree cũng dành thời gian đầu tư giới thiệu những cuốn sách có giá trị để cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc và bao giờ chất lượng sách vẫn là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện cho biết, ông đang phải tính tới các giải pháp “linh động” để nới rộng không gian phòng đọc, bởi thời gian qua, đã có những ngày cao điểm, thư viện “cháy” chỗ ngồi.

Việc phân loại đối tượng đọc sách, góp nhóm các chương trình đọc tại thư viện như: “góc cho bé”, “cả nhà cùng đọc”, các câu lạc bộ thơ, văn… cũng đang được cân nhắc nhằm giúp người đọc mọi lứa tuổi ngày càng thuận tiện, trải nghiệm tối đa niềm vui với sách.

Những ai đã đến với Hội sách Đà Nẵng 2015 (tại hai điểm công viên 29-3 và vỉa hè phía tây cầu Rồng) thì khó lòng quên được cái không khí hăm hở, rộn ràng do những người yêu sách mang lại, trong những ngày cuối tháng 4, nắng như đổ lửa.

Ở đó, chúng tôi chứng kiến chủ các quầy sách luôn trong tình trạng toát mồ hôi hột vì đón tiếp, giới thiệu sách. Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều tháng trước nhưng dường như họ vẫn bị bất ngờ người đến xem mua sách quá đông. Những em bé, những nam thanh nữ tú nâng niu, chăm chú từng trang sách… Trong những khoảnh khắc ấy, SÁCH trong tim người đọc, dường như lại được là chính mình, vẹn nguyên với những giá trị muôn thuở, không thể thay thế!

Tính từ ngày khánh thành, 31-8-2015 đến hết tháng 11-2015 vừa qua, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố đón hơn 52.000 lượt bạn đọc (chưa kể các điểm mượn sách tại các quận, huyện), cấp mới 1.533 thẻ. Trung bình mỗi ngày 756 lượt bạn đọc đến thư viện, tăng gấp 2 lần so với trung bình lượt bạn đọc năm 2014.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.