.

Trà và sức khỏe

.

Uống trà không chỉ là thú vui tao nhã mà còn là vị thuốc có lợi cho sức khỏe. Theo Đông y, trà (hay chè) có vị ngọt đắng, tính mát, nhập 5 kinh tâm, can, tỳ, phế, thận. Vị đắng nên có thể tả hạ (tẩy xổ), táo thấp, giáng nghịch. Vị ngọt nên bổ ích, hòa hoãn. Tính mát nên thanh nhiệt, tả hỏa, giải độc. Dưới đây là một số tác dụng của trà:

Búp chè xanh là nguyên liệu chế biến các loại trà thương phẩm. (Ảnh: Internet)
Búp chè xanh là nguyên liệu chế biến các loại trà thương phẩm. (Ảnh: Internet)

Giải khát: Đây là tác dụng cơ bản nhất của trà, được phát hiện rất sớm, từ hơn năm ngàn năm trước. Trà là một thức uống thiên nhiên tuyệt hảo, hương vị thuần khiết độc đáo, được quảng đại quần chúng ưa thích, không chỉ ở Á Đông mà trên khắp thế giới. Sách Bản Thảo Thập Di viết: “giải khát, trừ dịch bệnh là đặc tính quý của trà”.

Sáng mắt, thư thái đầu não: Nhờ khí vị nhẹ nhàng nên trà dễ dàng theo kinh Can lên đầu mắt, tiêu tán hỏa nhiệt quấy nhiễu phần trên, nên trị được các bệnh về đầu mắt, các chứng hoa mắt, chóng mặt... Theo dược lý hiện đại, trong trà có hàm lượng vitamin C  khá phong phú, có thể phòng tránh bệnh đục thủy tinh thể. Ngoài ra, còn có ca-rô-ten (tiền sinh tố A) dễ bị oxy hóa thành retinol có tác dụng tăng cường thị lực của võng mạc mắt.

Thanh nhiệt, giải nắng nóng: Nhờ tính mát nên trà có thể thanh nhiệt, chữa được các chứng  người nóng, phiền táo. Trà có khí nhẹ nhàng đi lên nên phát tán được tà khí nắng nóng. Trà lại có tác dụng lợi tiểu nên trừ được thử thấp, do đó giải được chứng say nắng.

Lợi tiểu: Vị đắng nên trà dẫn khí đi xuống bàng quang, tăng cường chức năng khí hóa hành thủy. Do vậy, trà có tác dụng lợi tiểu. Dược lý hiện đại chứng minh nước trà lợi tiểu là do tác dụng tổng hợp của các thành phần côcain, cafein và tinh dầu thúc đẩy quá trình lọc nước tiểu của thận.

Giải độc: Nhờ tác dụng lợi tiểu nên bài xuất được độc tố, làm giảm nồng độ các chất độc trong cơ thể. Ngoài ra, khí phát tán nhẹ nhàng của trà cũng bài tiết được độc tố qua đường mồ hôi. Công dụng giải độc của trà được phát hiện rất sớm, trong Thần Nông Bản Thảo Kinh - tác phẩm dược học đầu tiên của Đông y, còn ghi lại sự tích vua Thần Nông nếm thuốc có ngày trúng độc 72 lần, đều dùng trà để giải độc. Theo Tây y, thành phần tanin (có 20% trong lá chè) được dùng để điều trị ngộ độc alcaloit, vì tanin làm kết tủa alcaloit. Ngoài ra, vitamin C trong trà có tác dụng giải độc cơ thể nhờ tính chất khử của nó.

Hưng phấn thần kinh, chống buồn ngủ: Vì tính của trà mát, nên làm nhẹ nhõm sảng khoái tinh thần. Vị ngọt nên bổ ích, kích thích thần kinh hưng phấn, khiến người uống vào tỉnh táo, hoạt bát, không buồn ngủ. Theo dược lý hiện đại, tác dụng này chủ yếu do thành phần cafein (có 1,5 - 5% trong lá chè) kích thích thần kinh trung ương.

Tiêu thực, trừ khử thực tích và đàm ẩm: Vì tính của trà nhẹ nhàng lên xuống đều được, nên phù hợp với sự thăng giáng của vị khí, thúc đẩy vị khí vận hóa, trừ  đàm ẩm, tiêu thực tích và các chất dầu béo khó tiêu.

Giải say rượu: Uống rượu nhiều quá, rượu tích trong cơ thể, uất kết hóa nhiệt. Thấp nhiệt nung nấu bốc lên che mờ khí thanh dương, vì vậy mắt  không sáng rõ, nói không lưu loát. Tính trà lên xuống đều được, trên thì tán nhiệt, dưới thì lợi thấp, thấp nhiệt đều trừ, nên làm tỉnh thần, giải được say rượu.

Theo dược lý hiện đại, vitamin C có tác dụng hoạt hóa men gan thủy phân cồn êtylic thành nước và khí carbonic. Cafein tác dụng lợi tiểu, bài xuất nhanh rượu ra khỏi cơ thể và ức chế thận không tái hấp thu; kích thích thần kinh đại não bị rượu làm tê liệt; làm giãn mạch máu, hạ huyết áp, thúc đẩy huyết dịch tuần hoàn.

Ngoài ra, các hợp chất polyphenol trong trà hóa hợp với cồn êtilic, khiến nồng độ cồn trong máu giảm xuống, nhờ vậy giải nhanh được say rượu.

Chống lão suy, kéo dài tuổi thọ: Uống trà có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ thể hiện trên hai mặt. Một là, do trà có tác dụng vừa công vừa bổ, vừa trừ được nguyên nhân bệnh, vừa bổ túc khí lực cho cơ thể hoạt động điều hòa, mạnh khỏe, sống lâu.

Hai là, trên phương diện tinh thần, uống trà là một cách tu thân dưỡng tính khiến tinh thần sảng khoái, cởi mở, vui vẻ, điềm đạm, trong sáng, thanh tâm, tịnh trí. Tinh thần thư thái, khí huyết điều hòa, thử hỏi bệnh làm sao phát sinh được?

Dược lý hiện đại cho biết các hợp chất trong trà có tác dụng chống oxy hóa lipit màng tế bào, hạ huyết áp, hạ cholesterol, hạ lipit máu, giảm trọng lượng, chống béo phì... đều là những nhân tố có lợi cho sức khỏe.

Phòng chống nhiễm xạ và ung thư: Đây là những tác dụng mới được phát hiện trong nửa sau thế kỷ XX. Các hợp chất polyphenol của trà có khả năng hấp thụ chất phóng xạ strontium rất cao, gần như  hoàn toàn nếu là nước trà xanh. Uống trà sau khi dùng xạ trị có thể nâng được chỉ số bạch cầu. Ngoài ra, các hợp chất trong trà có tác dụng ức chế sự hình thành muối nitrat bazơ là tiền chất gây ung thư, từ đó ngăn chặn sự hình thành amoni nitrat bazơ là chất gây ung thư. Trà còn làm tăng khả năng hoạt hóa của men gan, có tác dụng tiêu hủy các chất hóa học gây ung thư. Phòng chống nhiễm xạ và ung thư nên dùng trà xanh là tốt nhất.

DS. Đặng tuyết trinh dịch 
(Theo Trà ẩm bảo kiện cố vấn)

;
.
.
.
.
.