.

Ác mộng trẻ con béo phì

.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi chính phủ các nước cần thực hiện các cam kết chính trị để đẩy lùi ác mộng béo phì ở trẻ em trên toàn thế giới.

Thế giới đã có quá nhiều trẻ em dư cân hoặc béo phì.
Thế giới đã có quá nhiều trẻ em dư cân hoặc béo phì.

WHO vừa công bố số liệu: 41 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới dư cân hoặc béo phì, tăng từ 31 triệu vào năm 1990. Không chỉ tăng về số lượng mà cả tỷ lệ % cũng tăng đáng kể. Năm 1990 chỉ có 4,8% trẻ em dưới 5 tuổi dư cân hoặc béo phì thì tỷ lệ này vào năm 2014 đã tăng lên 6,1%.

Số lượng trẻ em dư cân ở những nước có thu nhập vừa và thấp cũng tăng hơn gấp đôi từ mức 7,5 triệu (năm 1990) lên 15,5 triệu (năm 2014). Có tới 48% trẻ em dưới 5 tuổi dư cân hoặc béo phì sống ở châu Á, 25% sống ở châu Phi.

Nhóm chuyên gia của WHO đưa ra kết luận là nỗ lực chống lại nguy cơ béo phì cho trẻ em là quá chậm và không phù hợp; đồng thời kêu gọi những cam kết chính trị mạnh mẽ hơn và coi đó như là trách nhiệm đạo đức đối với trẻ em.

Peter Gluckman - Đồng Chủ tịch Ủy ban chấm dứt trẻ em béo phì (ECHO) nói rằng: Trẻ em béo phì đã trở thành ác mộng trong thế giới đang phát triển. Đó không phải là lỗi của đứa bé. Không đời nào có ai trách một đứa bé 2 tuổi quá mập, lười biếng và ăn quá nhiều cả.

Nguyên nhân khiến một đứa trẻ bị béo phì là từ lúc đứa trẻ đó được thụ thai, suốt quá trình người mẹ mang thai rồi tới tuổi thơ và cả tuổi thiếu niên nữa. Nếu người mẹ mang thai mà bị béo phì hoặc tiểu đường thì đứa bé rất dễ mắc bệnh về chuyển hóa và béo phì. Những đứa trẻ có chế độ ăn uống không lành mạnh và tập luyện thể chất quá ít cũng rất dễ béo phì.

Các chuyên gia y tế cho rằng không thể có một biện pháp đơn độc có thể chấm dứt được cơn ác mộng này. Trước mắt cần phải kêu gọi các nhà trường cấm tiệt tình trạng bán thức uống có gaz, thực phẩm không đảm bảo dinh dưỡng trong nhà trường.

Chương trình học cần có nhiều thời gian để vận động hơn, thời gian ngủ nghỉ hợp lý hơn, kể cả tính toán tới thời gian coi ti-vi, chơi điện thoại thông minh…

Gluckman nói rằng tăng cường cam kết chính trị là rất cần thiết nên WHO sẽ phải làm việc với các chính phủ để trẻ em được sống một cuộc sống thoải mái, lành mạnh hơn. Có 6 kiến nghị như sau:

1. Thúc đẩy sử dụng thực phẩm và thức uống đảm bảo sức khỏe. Đánh thuế vào những loại thức uống có gaz.

2. Tăng cường hoạt động thể chất với những chương trình hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em và thanh thiếu niên nhát vận động.

3. Chú ý chăm sóc thai kỳ một cách khoa học để trẻ sơ sinh không quá mập hoặc quá ốm yếu, không sinh non hay gặp phải những biến chứng sinh nở.

4. Trẻ sơ sinh cần được bú mẹ đầy đủ; tới lúc ăn dặm cần ăn uống đảm bảo sức khỏe như tránh thức ăn nhiều chất béo, đường và muối, tập vận động ngay từ bé.

5. Trường học cũng đảm bảo chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn cho các em nhỏ, chương trình vận động đầy đủ.

6. Kiểm soát cân nặng chặt chẽ dựa trên nền tảng gia đình, nhất là với trẻ em bị béo phì.

ANH THƯ (Theo UN.org, Guardian)

;
.
.
.
.
.