.

Bông hoa "Sinh viên 5 tốt"

.

Xin được gọi bạn Nguyễn Thị Linh Giang, sinh viên lớp Đặc biệt chất lượng cao khoa Điện, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng là bông hoa “Sinh viên 5 tốt” bởi trong 2 năm liên tiếp 2014 và 2015, bạn là 1 trong 4 sinh viên (SV) của cả nước 2 lần vinh dự nhận giải thưởng này.

Linh Giang tại lễ tuyên dương “Sinh viên 5 tốt” 2015 do TW Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng ngày 7-1-2016.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Linh Giang tại lễ tuyên dương “Sinh viên 5 tốt” 2015 do TW Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng ngày 7-1-2016. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Mê kỹ thuật đâu chỉ riêng con trai!

Gặp Giang, ít ai nghĩ cô SV mảnh khảnh, gương mặt thùy mị ấy đang học một ngành toàn con trai theo đuổi: ngành Điện. Nguyễn Thị Linh Giang (sinh năm 1994, quê ở thành phố Đông Hà, Quảng Trị) từng là học sinh chuyên Hóa, từng đoạt nhiều giải thưởng cao của môn Hóa học.

Tốt nghiệp THPT, Giang quyết tâm đi theo con đường của bố, bởi: “Hồi ấy em cũng có ý định thi vào trường kinh tế, nhưng nghĩ lại, mình học tốt khối A, đam mê khám phá những việc liên quan đến kỹ thuật nên quyết định thi vào ngành Điện”.

Nhưng lớp học ở trường đại học vỏn vẹn có 30 sinh viên thì những ngày đầu, chỉ một mình Giang là con gái. Mãi sau đó mới có thêm một bạn nữ nữa nhập học. Phải mất một thời gian Giang mới quen với môi trường học tập mới.

Kinh nghiệm của Giang là không cần dành thời gian học thật nhiều mà đổi lại học phải có mục tiêu. Giờ học trên lớp là để tiếp thu kiến thức và trao đổi với thầy cô, bạn bè những điều mình chưa hiểu. Ngoài ra phải đọc tài liệu để bồi bổ thêm kiến thức.

Bốn năm qua, Giang đạt tổng số điểm ở mức xuất sắc với 3.6/thang điểm 4. Chưa hết, năm nào Giang cũng tham gia nghiên cứu khoa học, nhiều đề tài được đánh giá cao. Sự nỗ lực đó giúp Giang được mời tham dự giao lưu khoa học, công nghệ của tổ chức JICE tại Nhật Bản cùng với 49 SV của cả nước.

Và là 1 trong 8 SV đại diện cho Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đến Nhật Bản tham gia giao lưu NCKH với Trường Đại học Utsunomiya, chủ đề “Thiết kế sản phẩm thích ứng với thiên tai”.

Nhìn bảng thành tích của Linh Giang, bạn bè không khỏi nể phục: là 1/20 SV tiêu biểu trên toàn quốc vinh dự nhận Giải thưởng “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật năm 2014”; đoạt giải Ba cuộc thi Olympic tiếng Anh không chuyên khu vực miền Trung năm 2014.

Hiện Giang là Phó Ban học tập của Đoàn trường, lớp phó học tập lớp Đặc biệt chất lượng cao. Giang cười tươi: “Giờ em đã vượt qua những bỡ ngỡ.  Em muốn tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại, góp phần nhỏ công sức của mình đưa Việt Nam tiến kịp các nước trên thế giới”.

Hạnh phúc với những hoạt động xã hội

Trong vai trò Ủy viên BTV Đoàn trường, Giang tích cực tham gia rất nhiều chương trình, hoạt động tình nguyện, như: tình nguyện “ Mùa hè xanh”, “Tiếp sức mùa thi”; “Ngày Chủ nhật xanh”; “Trung Thu trao yêu thương”, “Noel cho em”.

Giang bảo, kiến thức sách vở là bước đệm lý thuyết ban đầu để giúp em tiếp cận gần hơn với khoa học và ứng dụng vào thực tiễn một cách hữu ích. “Để một lúc vừa bảo đảm học tốt và hoàn thành các chương trình khác em phải phân bố thời gian hợp lý.

Ngoài các chương trình tình nguyện phần nhiều hoạt động trong kỳ nghỉ hè thì các hoạt động khác em cố gắng bố trí hoàn thành trước mỗi khi bước vào kỳ thi học kỳ để giảm áp lực và có thời gian tập trung học. Đôi lúc hoạt động và việc học trùng nhau em thường ưu tiên hoạt động xã hội trước, sau đó bù đắp lại vốn kiến thức nhanh nhất có thể”, Giang bộc bạch.

Chia sẻ về đóng góp của mình, Giang nói: “Em rất thích các hoạt động tình nguyện. Qua đó em học hỏi rất nhiều kỹ năng sống. Hạnh phúc vì được chia sẻ và khi mình đem lại cho người khác niềm vui”. Đến bây giờ, Giang đã có 1 năm tuổi Đảng.

Sở hữu một thành tích học tập đáng nể với nhiều giấy khen, bằng khen về các hoạt động, Giang vẫn không lấy đó làm hài lòng. Với Giang, trước hết là phải vượt qua chính mình, không ngại đương đầu với khó khăn để theo đuổi đam mê.

Ước mơ của Giang là tiếp tục con đường học vấn ở nước ngoài và trở về làm giảng viên để truyền đạt kiến thức cho các bạn trẻ. Hoặc được làm việc trong một môi trường có điều kiện phát triển ngành học của mình để đóng góp một phần công sức cho quê hương.

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.