.

Đêm Giao thừa nhớ nhà

Bàn chuyện về quê ăn Tết với mẹ già, các chị đều góp ý: nên về từ trước Tết, mấy ngày chộn rộn đó mới có nhiều ý nghĩa.

Con gái đi làm xa cả năm. Thời còn độc thân, gần như một hai tháng lại bắt xe đò về quê một lần. Và đêm 30 Tết hiển nhiên ở nhà mình, đi vào đi ra đếm hoa của cây mai trước sân nhà, phụ đốt vàng mã với anh trai sau giờ cúng Giao thừa, thỏa sức ước mơ và tưởng tượng về một chàng hoàng tử nào đó sẽ gặp trong năm tới. Những đêm 30 Tết ở nhà, nhớ hồi còn nhỏ, còn được đốt pháo, giờ Giao thừa thế nào ba cũng lật chăn gọi dậy, nghe pháo nổ đì đùng, hoan hỉ một lúc rồi tiếp tục quay vào chăn. Có khi chẳng thiết xem pháo, nghe pháo, chỉ quan tâm xem con chó vàng sợ tiếng nổ đang trốn ở đâu để gọi nó về, ôm con chó an ủi. Đêm 30 trôi qua nhẹ tênh.

Năm đầu tiên ba mất, mấy mẹ con như đàn gà con lạc mẹ, rối bời, ngơ ngác. Mẹ ở trong bếp nấu xôi chè, khóc lặng lẽ. Đêm đó, các con thấy mẹ thức trắng đêm bên bếp củi rực than hồng. Và nhiều năm sau nữa, đêm 30 Tết nào mẹ cũng thức trắng. Từ ngày có chị dâu, chị thay mẹ làm mâm cỗ cúng Giao thừa, nhưng mẹ vẫn duy trì cái bếp phụ đun bằng củi. Mẹ nhóm lửa như thế suốt 3 ngày Tết, lúc nào cũng ở trong bếp một mình, với những suy nghĩ riêng.

Ban ngày nhà chộn rộn bao nhiêu thì đêm 30 lặng lẽ bấy nhiêu. Các chị có gia đình riêng, ở riêng, đêm 30 nào cũng lo ở nhà cúng kính. Quanh đi quẩn lại, con gái út vẫn được ở nhà đêm 30 nhiều nhất.

Lần đầu tiên con gái ăn Tết xa nhà là năm quyết định cưới người mình thương, về quê chồng ăn Tết. Miền Bắc những ngày xuân sang lạnh cắt da cắt thịt, cái lạnh mười năm trước đã chung sống với nó 4 năm đi học nhưng vẫn không thể nào quen. Mẹ chồng thấy con dâu mặt tái nhợt vì lạnh, giục con chui vào chiếc chăn bông dày cộp. Nằm trong chăn, nghe pháo nổ tứ bề, dù lệnh cấm đốt pháo ban hành đã rất lâu rồi, tự nhiên nước mắt rơi. Giờ này ở quê nhà, mẹ chắc đang ngồi bên bếp lửa, chị dâu nấu xôi chè cúng Giao thừa, không quên hãm thêm bình chè xanh cúng ba, cả nhà ai cũng nhớ món nước chè đậm đặc ưa thích của ba khi ông còn sống. Anh trai lo bày biện bàn thờ lần cuối, chuẩn bị luôn hộp bánh mứt sẽ mời khách mà mọi năm cô út đảm trách. Lần đầu tiên mới biết thế nào là nhớ nhà. Lần đầu tiên cảm thấy quanh mình trống trải dù mình đang ở trong vòng tay yêu thương của gia đình nhà chồng. Lần đầu tiên thấm thía cảm giác thế nào là thân quen, nơi người ta gọi là quê hương, nơi gọi là chôn nhau cắt rốn. Những điều đó nghe nhắc đến nhiều, nhưng không thể nào thấm hết, chỉ khi trải qua, sống chung với nó mới hiểu thế nào là sum họp.

Những cô gái sống chung với gia đình chồng, ở chung thành phố, chung làng với gia đình mình, lúc nào rảnh có thể chạy xe về ngó xem ba mẹ đang làm gì, có thể sẽ không hiểu hết cảm giác đầy ứ nỗi nhớ của những cô gái làm dâu đêm 30 Tết. Khi cô gái được ở trong một gia đình tình yêu chan hòa, chị em thân nhau hơn cả bạn bè và thương nhau như thể người này đau, người kia lòng như muối xát, mới phần nào hiểu thế nào là quay quắt trong nỗi nhớ.

Cô bạn thân từ ngày lập gia đình đề ra quy ước: cách hai năm sẽ về quê ăn Tết một lần. Gọi là về với ba mẹ, các em nhưng chưa bao giờ được ăn bữa cơm Tất niên. Vì ngày mồng 3 trở đi mới xách túi, dẫn con về với ngoại, sau khi đã lo mua sắm, cơm cúng Tết 3 ngày, hóa vàng tiễn ông bà của nhà chồng mới được thảnh thơi nghĩ đến cha mẹ sinh thành. Mẹ chồng chỉ có anh con trai độc nhất, được con dâu đỡ đần quanh năm, buông câu lạnh nhạt: về làm gì nhiều, đi 2 ngày là được rồi! Hết 3 ngày Tết con gái mới nghĩ đến nhà mình, thấy lòng buồn rưng rưng.

Con gái lấy chồng là chẳng mấy khi được hưởng đêm 30 Tết thiêng liêng ở nhà mình. Giờ khắc giao hòa giữa trời và đất, giữa tất bật lo toan việc nhà chồng, trong lòng có nghĩ về mẹ cha, anh chị, các em, các cháu, sẽ thấy tâm hồn được lấp đầy những yêu thương ấm áp. Nghĩ, không biết chừng mấy năm nữa còn được nghe tiếng mẹ cha, nên tự nhủ, gắng Tết nào được về quê, sẽ về…

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.