.

Ghế nóng

.

Gương mặt đượm buồn, ông Miura rời phòng họp sau trận U-23 Việt Nam thua U-23 Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Những gì cần nói thì ông đã nói hết. Các cầu thủ của ông đã chơi một trận đầy nỗ lực dù biết có thắng cũng không xoay chuyển được nỗi tuyệt vọng phải rời xa ước mơ đi sâu với giải đấu này.

Ông cần một trận thắng, chí ít là một tỉ số hòa cho cuộc thư hùng mang tính danh dự để có ăn nói với người ta trước khi có thể tự mình quyết định tương lai đi hay ở, tiếp tục gắn bó hay phải chia tay. Đã có lúc đội bóng của ông sắp chạm tới cái đích mà ông mong đợi. Đội Việt Nam vươn lên dẫn 2-1 sau các nỗ lực can trường của nhiều cầu thủ.

Nhưng có vẻ như lực bất tòng tâm, hai trận đầu tiên với Jordan và Úc đã bào mòn thể lực những Công Phượng, Tuấn Anh, trước đối phương có thể hình và sức khỏe vượt trội, họ đành chịu cảnh thua thiệt. Chiếc thẻ đỏ oan nghiệt dành cho Xuân Trường như thêm một lần xác nhận các học trò của Miura đến với giải đấu này trong cảnh thiệt thòi về nhiều mặt (lần trước là quả phạt đền bị bỏ qua đầy bất công trong trận gặp U-23 Úc).

Mất người, yếu sức, bị buộc phải chơi trong tâm trạng căng thẳng, thử hỏi làm sao các học trò của ông có thể dễ dàng vượt qua nghịch cảnh? Đối phương thừa cơ vươn lên áp đảo để thắng ngược 3-2 là chuyện không ai ngạc nhiên.

U-23 Việt Nam rời sân sau trận thua U-23 Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Ảnh: Thethaovanhoa.vn
U-23 Việt Nam rời sân sau trận thua U-23 Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Ảnh: Thethaovanhoa.vn

Đội Việt Nam chia tay giải với hai bàn tay trắng vì thua cả 3 trận. Đó là chuyện nằm trong dự đoán của nhiều người trước ngày đội đến Qatar dự vòng chung kết giải vô địch U-23 châu Á. Ông Miura có thể cũng đã lường trước tình cảnh này dù đôi lần hùng hồn tuyên bố sẽ giành điểm trước vài đối thủ. Nhà cầm quân nào mà không cổ vũ tinh thần cầu thủ trước lúc vào trận! Nhưng cái buồn của Miura có thể bắt nguồn từ chỗ khác.

Ông cần một dữ liệu cụ thể, một điều gì hiển lộ qua kết quả- như một trận thắng hoặc chí ít một trận hòa- để dẫn chứng rằng cầu thủ mình thi đấu không tệ cho đến lúc này. Sự năng nổ, tinh thần quyết đấu đến cùng là điều  dễ nhận ra  trong nhiều tuyển thủ U-23 Việt Nam ở giải đấu này. Họ cũng phô diễn nhiều phút lóe sáng với lối chơi rập ràng, mạch lạc trong trận gặp Úc, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.

Nhưng chừng ấy không thôi thì rõ ràng là chưa đủ. Chưa đủ với trình độ, đẳng cấp một đội tuyển được chọn lọc, dày công luyện tập nhiều tháng trời dưới bàn tay một chuyên gia mà tài năng hãy còn là một ẩn số. Quan trọng hơn cả, nó chưa đủ với mong đợi khắc khoải của công chúng Việt Nam, chưa đủ để chuyên gia người Nhật dùng để đối phó với những chê trách, nghi ngờ từ phía những người không ủng hộ ông.

Nên chi ông Miura buồn. Ông buồn như cách đó mấy hôm, lúc rời phòng họp báo sau trận thua đội Jordan, ông chẳng gửi lại nụ cười khiên cưỡng nào cho những người gợi chuyện.

Chiếc ghế ở các đội tuyển Việt Nam tự bao giờ vẫn luôn nóng sốt. Biết bao người thẳng thừng từ chối dù vẫn  khát khao được góp một chút tâm sức cho màu cờ sắc áo quê nhà. Họ sợ mình không đủ sức đương cự và chịu đựng nổi sóng gió gièm pha, chỉ trích, sợ mình không khéo biến thành nạn nhân của những cuộc phân tranh lạnh lùng ở cơ quan điều hành nền bóng đá. Lẽ nào ông Miura, với các tố chất đáng ngưỡng mộ của văn hóa Nhật, lại không nhận ra điều này?

Hay là ông nghĩ mình có thể vượt qua tất cả bằng năng lực của một chuyên gia tự trọng, có trách nhiệm để hình thành dấu ấn cho một nền bóng đá còn ngổn ngang tranh biện? Tiếc là cho đến bây giờ, dấu ấn ấy vẫn ở đâu đó rất xa…

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.