.

Tết để mà vui

.

Mấy năm trước Tết nhà tôi lúc nào cũng chỉ vui được khúc dạo đầu. Vui lúc ai cũng háo hức mong chờ Tết, cóp từng đồng mười ngàn mới cóng xếp thành cọc, kiền dây nịt cất đi để dành phát vốn cho tụi nhỏ. Vui lúc thấy thiên hạ bày bán hàng Tết ngoài đường bụng tính thầm mua cái này cho bố, cái kia cho mẹ, dành dụm mua cho chồng con những thứ thật cần.

Vui lúc xé những tờ lịch cuối cùng lòng rưng rưng nghĩ bằng giờ này của mươi hôm nữa thôi là được ngồi trong căn bếp thân quen của mẹ. Vui lúc vừa xuống xe đã thấy tiếng bà con cô bác í ới hỏi han, cháu ôm chầm bà, ông vội trách yêu “sao tụi bay về muộn thế?”. Rồi vui thêm được bữa cơm sum vầy tiếng trẻ nhỏ líu lo, gắp cho nhau những miếng thật ngon, chẳng cần ăn cũng thấy lòng no ấm.

Dù khúc dạo đầu có thân thương đến mấy nhưng rồi cũng chỉ vui được đến đó thôi. Những người trái tính nhau trò chuyện chẳng được vài câu đã sinh ra cãi lộn. Đâm ra Tết năm nào cũng thế, toàn là cáu bẳn, bực dọc rồi sinh ra giận dỗi, tủi hờn nhau. Về ngày đầu còn chiều chuộng lòng nhau, cứ qua ngày hôm sau là dường như ai cũng quên mất dịp sum vầy này đâu dễ gì có được.

Mỗi năm gặp nhau được đôi lần, bao nhiêu nhớ nhung cuối cùng cũng chỉ biết mang ra nấu một món ăn tinh thần hỗn độn. “Xa thương gần thường” các cụ nói chẳng sai. Phải đến lúc tiễn nhau ra xe mới thấy tiếc cho mình và tiếc cả cho nhau vì đã không biết nâng niu quãng thời gian quý báu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thật ra chuyện chẳng có gì to tát nhưng vẫn nảy sinh to tiếng với nhau. Nhiều khi chỉ vì không đồng nhất quan điểm, con cái đi xa đã lâu sống thoải mái hơn nhưng bố mẹ thì cứ đất lề quê thói. Thì đấy, chỉ riêng việc thăm hỏi bà con họ hàng mà ông bà bắt con cháu đi vòng quanh hai lượt. Trước Tết về đi chào một lượt, qua đầu năm lại đến từng nhà chúc Tết.

Họ hàng thì đông, con cháu thì được nghỉ có vài ngày, thành ra nguyên thủ tục chào hỏi đã mệt phờ người. Muốn phiên phiến đi thì ông bà trách giận “chúng bay ra ngoài thành ông nọ bà kia nên về quê không biết trên biết dưới”. Ngày Tết đàn ông trong nhà hay quá chén, rượu vào thì lời ra, đôi khi chỉ là câu đùa vui mà ông bà lại cáu.

Chỉ có các cháu là ông bà nuông chiều mà nhiều khi chiều chuộng quá đâm hư. Có nhắc ông bà khéo léo cỡ nào thì cũng vẫn mang tiếng là kỹ tính. Ông bà thể nào cũng giận dỗi bảo “thôi tôi chả dám, con anh chị thì để anh chị dạy”.

Ngày Tết ở quê đi đâu gia chủ cũng mời dùng bữa thành ra cả nhà ít có dịp được quây quần cơm nước cùng nhau. Ấy vậy mà có dịp quây quần thì mỗi người mỗi ý, chỉ là cách nấu một món ăn thôi cũng có thể ầm nhà. Thành ra món ăn nào cũng phải thêm gia vị bực dọc ít nhiều nên đâu còn ngon miệng.

Nhưng mấy năm nay thì khác. Bố mẹ đã già, chậm đi chậm nói. Hình như cứ đến tuổi xế chiều là lòng ai cũng chỉ thèm thấy con cái quây quần, cửa nhà yên vui vì thế mà nhẫn nhịn. Con cháu thấy vậy thương lại càng thương nên bảo nhau cố gắng làm mọi điều thuận ý đẹp lòng bố mẹ.

Nhiều khi ngồi bên nhau không ai nói một lời nhưng trong lòng đều thấy bình yên ngập tràn hạnh phúc. Tự nghĩ đó mới chính là sum vầy ngày Tết mà không cần đến men rượu, sắc hoa. Một cái Tết vui từ khúc dạo đầu đến tận nốt ngân cuối cùng vẫn còn xao xuyến. Tết để thương nhau, đất trời vạn vật còn xua đuổi giá lạnh ấm áp nảy chồi. Huống chi là lòng người, sao nỡ để những vụn vặt thường ngày làm mất đi không khí Tết…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
.
.
.
.
.