.

Thách thức môi trường

.

Túi ni-lông từ một phát minh làm thay đổi thế giới nay đã trở thành tác nhân gây hiểm họa cho môi trường.

Rác thải túi ni-lông là hiểm họa môi trường. Trong ảnh: Một góc bãi rác Khánh Sơn. Ảnh: V.T.L
Rác thải túi ni-lông là hiểm họa môi trường. Trong ảnh: Một góc bãi rác Khánh Sơn. Ảnh: V.T.L

1. Từ điển tiếng Việt giải thích “ni-lông (tiếng Pháp: nylon) là một loại chất nhựa có thể chế biến ra nhiều vật dụng”. Trước năm 1935 từ điển các ngôn ngữ trên thế giới không có từ này. Ngày 28-2-1935 Wallace Hume Carothers - một nhà phát minh người Mỹ (có hơn 100 bằng phát minh, tác giả của hơn 50 tài liệu kỹ thuật được phổ biến trên toàn thế giới) - mới phát minh ra loại chất dẻo với những phân tử nặng, siêu dài hợp thành bởi những thành tố nguyên tử tuần hoàn liên tục này.

Hơn 3 năm sau, ngày 27-10-1938, chiếc bàn chải đánh răng - sản phẩm đầu tiên được làm từ ni-lông - được Công ty Hóa học DuPont tung ra thị trường. Và chỉ 2 năm sau, con số 5 triệu đôi tất da chân bằng ni-lông được tiêu thụ mỗi ngày đã đưa vật liệu có tuổi đời quá non trẻ này trở thành hiện tượng “hot” từng bước làm thay đổi thế giới nhờ vào sự tiện lợi, nhất là trong việc bao gói hàng hóa.

Vậy nhưng, đến nay túi ni-lông đã trở thành một vấn nạn môi trường. Nếu vứt bỏ một túi ni-lông chỉ tốn 1 giây thì phải mất từ 500 - 1.000 năm mới có thể phân hủy được nó nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời.

Ước tính mỗi năm thế giới sử dụng khoảng 500 - 1.000 tỷ chiếc túi ni-lông, con số “khủng” này buộc nhân loại phải tìm mọi cách loại bỏ nó.

2. Túi ni-lông, một khi đã qua sử dụng, việc xử lý sao cho có hiệu quả về mặt môi trường cũng như kinh tế là một việc làm cần có sự tính toán khoa học và phù hợp với tình hình của từng vùng miền.

Bà Phan Thị Nữ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường Việt Nam (tại Đà Nẵng), cho hay, đối với rác thải có thành phần nhựa nói chung (ni-lông), ngoài một ít được người dân nhặt nhạnh, phân loại bán cho các cơ sở tái chế, hiện các tỉnh, thành trên cả nước xử lý bằng cách đốt chung với các thành phần rác khác, còn lại là chôn lấp tập trung tại các bãi rác.

“Tuy vậy việc chôn lấp, đốt hay tái chế các thành phần ni-lông này phải được kiểm soát chặt chẽ về quy trình xả khí thải, về hiệu quả môi trường hay kinh tế (tốn kém đất đai), về ảnh hưởng nguồn nước khi chôn lấp, bởi từ 30 năm đến hàng trăm năm (tùy loại) sau khi chôn lấp ni-lông mới bị phân hủy”, bà Nữ khuyến cáo.

Đà Nẵng hiện mỗi ngày đêm thải bình quân 720 tấn rác các loại, trong đó rác thải là túi ni-lông đã tăng từ 11,58% (kết quả phân tích mẫu rác thải của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng năm 2010) lên gần 13% (theo điều tra và phân loại của Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ môi trường thuộc Đại học Đà Nẵng tháng 7-2015).

Theo bà Hoàng Thị Ngọc Hiếu, Trưởng phòng Công nghệ môi trường của công ty, số rác thải này một phần giao cho nhà máy xử lý rác ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn thuộc Công ty CP Môi trường Việt Nam, số còn lại sẽ chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Tại đây, trước khi tiến hành chôn lấp, rác được người nhặt rác lọc ra một lượng nhỏ chất ni-lông (chủ yếu là túi, bao bì các loại) để bán cho các cơ sở tái chế ni-lông.

3. Từ những năm 80 thế kỷ trước ở Việt Nam đã vang lên giai điệu rộn ràng của một bài hát Cuba có tựa gốc “Vacilón qué rico vacilón”, thường được nói gọn là Vasilo Chachacha (điệu Chachacha Vasilo). Những ai thuộc thế hệ 7x về trước hẳn còn nhớ lời “độ” rất vui nhộn từ bài hát này: “Bao ni-lông, ba ký bán được mười đồng...”. Nói thế, cho thấy cái nghề nhặt túi ni-lông không mới.

Hiện bình quân mỗi ngày có 250 người nhặt rác tại bãi rác Khánh Sơn, theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về dự án quản lý nước thải và chất thải rắn tại thành phố Đà Nẵng của JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản).

Một người nhặt rác ở Khánh Sơn (giấu tên) cho biết mỗi ngày mỗi người nhặt được khoảng 10kg ni-lông trắng dẻo (bán được 5.000 đồng/kg), 100kg ni-lông dòn (chỉ bán được 800 đồng/kg). Tuy “thu nhập” không nhiều, nhưng phần nào giải quyết được đời sống của bản thân người nhặt rác, và điều quan trọng hơn là bà con đã góp phần làm giảm thiểu vấn nạn môi trường từ rác thải là túi ni-lông.

Ở nội thành, từ năm 2006, “Chương trình thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt” (phân loại rác tại nguồn) được triển khai ở phường Nam Dương, quận Hải Châu, cũng đã “tách” được túi ni-lông ra khỏi rác thải sinh hoạt và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Tuy nhiên, do công tác thu gom, vận chuyển còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ nên dự án mang lại lợi ích về môi trường này phải dừng lại.

Bà Hiếu cho biết, để đạt được mục tiêu “Hình thành và phát triển công nghiệp tái chế chất thải để tái sử dụng và phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 70% chất thải rắn được tái chế” của Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường”, năm nay Đà Nẵng sẽ tái khởi động chương trình phân loại rác tại nguồn. Ngoài việc thu gom rác hữu cơ (để hạn chế mùi hôi) hằng ngày, sẽ dành các ngày thứ hai, tư, sáu để thu gom rác vô cơ trong đó có túi ni-lông.

4. Quận Liên Chiểu, mấy năm trở lại đây Hội LHPN quận có nhiều mô hình liên quan đến bảo vệ môi trường như: Khu chung cư không rác, Chi hội Xanh... trong đó có tiêu chí hạn chế sử dụng bao ni-lông khi đi chợ, đựng thực phẩm... Đáng kể nhất là mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn do chị Trịnh Thị Hồng ở tổ 82 Hòa Phú 5, phường Hòa Minh, triển khai từ năm 2010. Thực tế cho thấy 1kg rác thải sinh hoạt có đến 40% ni-lông.

Để hạn chế việc sử dụng túi ni-lông, từ tháng 4-2103 Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ TN&MT ban hành quy định cấm sản xuất các loại túi ni-lông khó phân hủy có bề dày một lớp màng nhỏ hơn 30 micromet (30µm), tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom, tái chế. Cùng với đó, Thủ tướng cũng giao cơ quan này phải thu gom và tái chế 25% khối lượng chất thải túi ni-lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

Như thế, để góp phần hoàn thành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”, một trong những việc “cần làm ngay” là tái khởi động “Chương trình thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt” để loại dần túi ni-lông phát thải và gây hiểm họa cho môi trường.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường Việt Nam Phan Thị Nữ: Xử lý rác thải ni-lông theo xu hướng hiện đại

Theo xu hướng hiện đại, một quy trình xử lý rác thải ni-lông có hiệu quả cần tiến hành theo các bước: (1) Có cơ chế khuyến khích người dân nâng cao hiểu biết về tác hại việc xả thải túi ni-lông, về lợi ích môi trường và kinh tế khi giảm thiểu việc thải bỏ, tăng cường tái sử dụng cũng như phân loại để riêng túi ni-lông, tráng sạch túi ni-lông nếu đựng thực phẩm ướt trước khi thải bỏ. (2) Có chương trình phân loại tại nguồn và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thu gom và xử lý riêng các thành phần rác. (3) Có cơ chế khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư tái chế túi ni-lông có công nghệ đảm bảo chất lượng.

Với Đà Nẵng, nên nghiên cứu áp dụng phương án quản lý xử lý rác ni-lông theo các bước như trên vì Đà Nẵng là thành phố phát triển kinh tế trọng điểm của miền Trung, thu hút đầu tư, hướng tới thành phố sạch, đẹp và thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh công nghiệp du lịch, cần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường rừng núi và biển, do vậy vấn đề về quản lý, xử lý rác thải cần được chú trọng; trong đó việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý thành phần ni-lông (mà phần nhiều là túi ni-lông) rất quan trọng.

VIÊN PHÚC QUÂN (ghi)

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.