.

"Chở" Tết quê ra phố

.

“Mồng” vừa hết cũng là lúc những người xa quê lục đục trở lại thành phố làm việc. Khi về lỉnh kỉnh quà cáp thì khi đi cũng tay xách nách mang. Những người từ quê ra mang theo sản vật “nhà trồng được” lên thành phố “góp Tết” với bạn bè, đồng nghiệp. Thế là, tuy Tết hết rồi mà xuân thì vẫn còn vương vấn.

Bánh dừa nướng, bánh đậu xanh nướng, kẹo đậu phộng... là những đặc sản Quảng Nam đã theo chân người Quảng mang nét đẹp Tết Việt đi khắp nơi.Ảnh: Q.T
Bánh dừa nướng, bánh đậu xanh nướng, kẹo đậu phộng... là những đặc sản Quảng Nam đã theo chân người Quảng mang nét đẹp Tết Việt đi khắp nơi. Ảnh: Q.T

Quà quê “xách tay”

Về quê đón Tết rồi lại rời quê để trở lại với guồng quay mưu sinh, hầu như ai cũng không quên mang theo một chút quà quê dân dã để dành tặng bạn bè, đồng nghiệp nơi đất phố. Những thức quà quê này theo chân người lên phố như nhắc nhớ những người con xa xứ về đặc sản, văn hóa của quê cha đất tổ.

Dù mồng 7, hai đứa con mới ra lại Đà Nẵng làm việc nhưng từ mồng 4 Tết, bà H.V (xã Quế Long, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đã tất bật đi chợ đầu năm để sắm sửa ít thực phẩm cho con. Bà bảo, dù biết quê hương miền Trung nổi tiếng với món thịt ngâm nước mắm, Tết đến thì nhà nào cũng có nhưng thịt heo quê có vị ngon riêng nên bà sẽ chuẩn bị thêm vài hũ để các con đãi bạn bè.

Không chỉ mắm thịt, bà còn tranh thủ gói nem. Nem Quế Sơn không như nem Thanh Hóa hay Bình Định, thịt để nguyên lát, chín bằng tiêu hạt to chứ không xay nhuyễn. Rồi bà chuẩn bị cả phở sắn, gạo nếp... Mua về, bà cùng hai con quây quần gói ghém.

Bà cười đôn hậu dặn dò các con: “Đồ quê kiểng ri chớ ở phố quý lắm. Nếu có khách đến nhà hay tặng, biếu ai, các con nhớ giới thiệu đây là đặc sản Quế Sơn quê mình nghe chưa”.

Cái tình hiển hiện rõ nhất ở người quê. Vì thế mà nhìn người từ quê trở lại phố sau Tết bao giờ cũng lỉnh kỉnh ngang bằng hoặc hơn cả họ lúc trước Tết. Chị V.A.Đ (giảng viên ĐH Đà Nẵng), “than trời”: Những tưởng hành lý khi vô lại sẽ nhẹ nhàng hơn nào ngờ còn “túi bụi” hơn trước.

Trước đêm hai vợ chồng đi, ba mẹ chồng trắng đêm chuẩn bị nào rau sạch, su hào, bún khô, miến khô, bột gạo để chúng tôi mang vào thành phố làm quà cho đồng nghiệp. Tay xách nách mang thì mệt nhưng nhìn những thức quà quê này mình cảm thấy như hương Tết vẫn còn lan tỏa.

Để ngơi ngơi bớt việc mình sẽ phân chia thành từng gói để mang lên cơ quan chung vui với đồng nghiệp, tiện thể giới thiệu đặc sản Quảng Bình quê mình luôn”.

Không chỉ người già mới trân trọng đặc sản quê cha đất tổ mà với nhiều người trẻ bây giờ, ý thức muốn quảng bá sản phẩm quê hương cũng đầy đam mê. Tết này, người viết có dịp đến thăm một số nhà bà con, thấy nhà nào cũng bày biện bánh dừa nướng và bánh đậu xanh nướng Tam Kỳ (Quảng Nam).

Thứ bánh này dường như lâu lắm rồi mới được thấy lại - trong một diện mạo mới: bắt mắt, đẹp đẽ nhưng giản dị, đượm tình quê. Khi tôi thắc mắc tại sao nhiều nhà đều đãi cùng loại bánh này thì được trả lời: vì được cùng một người biếu trước Tết.

Bởi một người cháu trong gia đình cưới vợ có họ hàng với chủ cơ sở sản xuất món bánh truyền thống này. Thấy bánh ngon nhưng hiệu quả sản xuất nội địa yếu do quảng cáo chưa mạnh bằng các công ty lớn nên anh muốn góp một phần nhỏ để đẩy mạnh phát triển món bánh nướng quê hương.

Trở lại với guồng quay làm việc sau Tết, những ngày đầu, dường như người ta còn chông chênh với Tết chứ chưa hoàn toàn cân bằng. Ở cơ quan, xí nghiệp nào, cụm từ “ăn” và “uống” cũng được nhắc đến nhiều hơn cả. Cùng với con người, các món quà quê “ghé chân”, vài gói kẹo, gói mứt, chục nem... cùng câu giới thiệu: “Quà quê em”. Vậy là, dù ở một nơi nhưng được thưởng thức đặc sản của biết bao vùng miền nhờ hàng “xách tay” từ quê lên phố.

Hết Tết vẫn còn xuân

Tết của người Quảng với nhiều nhà luôn có món bánh Tổ và một số bánh trái khác rất riêng. Trong mâm cơm ngày Tết không bao giờ thiếu món thịt heo cuốn bánh tráng. Người Quảng vẫn duy trì món thịt xíu, thịt ngâm nước mắm trong khi nhiều nơi người ta nói bữa nay có tủ lạnh thì ăn thịt tươi chứ tội gì mà ăn thịt ngâm nước mắm.

Thế nhưng, thịt ngâm mắm qua bao đời vẫn được truyền lại chứng minh hùng hồn nó tồn tại không phải là vì ngâm mắm giữ được lâu mà nó có đặc trưng rất riêng. Riêng đến nỗi nhà nào không có hũ thịt mắm nhà đó chưa có Tết. Ra Tết, vẫn còn món “đặc trưng” này, thế là Tết Quảng được kéo dài mãi trên mâm cơm.

Hiếu khách, sắm sửa nhiều nên nhiều gia đình hết “mồng” rồi vẫn còn đồ Tết. Tục “ăn Tết” đã ngấm sâu vào nền văn hóa Việt nên hầu như gia đình nào cũng dự trữ chật tủ lạnh dịp Tết. Dù nhiều khi ra Giêng rồi tủ lạnh vẫn chưa vơi nhưng các bà, các mẹ cứ sắm đầy tủ với quan niệm: “Đầu năm là phải tràn trề để cả năm được đủ đầy”.

Vì thế mới sinh ra lệ “súc hũ/ súc chai”, không biết có từ bao giờ, đó là anh em đồng nghiệp, đồng hương, đồng xóm, đồng khu phố… sau khi đi làm lại tranh thủ cuối giờ chiều rủ nhau “súc hũ” xoay vần, thanh toán hết các loại bia rượu và đồ nhắm Tết.

Chị Hồng Nhung (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) kể, dù ba ngày Tết, bảy ngày xuân đã vãn nhưng mới tối qua lúc ngồi ăn cơm, chồng chị nói: “Em ơi, ngày mai các anh cơ quan anh đến nhà mình “vét xuân” đấy em nhé.

Mấy ngày Tết, các anh ấy về quê nên tụi anh chưa đến được. Nhà mình đăng cai nên em coi còn gì cứ đem ra hết đi nhé. Các anh ấy cũng đem quà quê đến “góp gạo thổi cơm chung” với mình. Nhà ai còn gì đem nấy”. Hiểu tính chồng nên năm nào cũng vậy, chị luôn sắm sửa dư ra một tí để anh lai rai hết tháng Giêng với bạn bè, đồng nghiệp. “Ai bảo ông bà có câu, “tháng Giêng là tháng ăn chơi” làm gì”, chị hồn hậu kết luận.

Không khí “vét xuân” hiển hiện rõ nhất ở các khu chung cư, nơi mà, những ngày Tết vắng lặng bao nhiêu thì khi Tết tan lại rộn ràng bấy nhiêu. “Chiều nay, lai rai một tí mừng cái năm mới hè” dường như là câu cửa miệng mỗi buổi chiều tan sở của các ông chồng ở khu chung cư cán bộ (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) những ngày này.

Lạ một điều, không thấy các bà vợ nhăn nhó, rầy la chồng nhậu nhẹt, chỉ thấy các chị ai ai cũng mặt mày hớn hở, vui tươi, như xuân còn đọng lại trên má, trên môi. Không khí xuân như tụ lại trên mỗi cái cụng ly “mừng năm mới” của các ông chồng và những câu chuyện “Tết nhà nội, nhà ngoại” không dứt của các bà vợ.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.