.
Nghĩ

Thắp nhang càng nhiều, càng thiêng?

.

Tết và sau Tết là mùa lễ hội, mùa lên chùa cầu bình an, may mắn, nên chuyện hương khói những ngày này cũng tấp nập hơn. Thắp nén nhang là cách mọi người mong chạm vào sự kết nối với cõi linh thiêng, nhưng thắp bao nhiêu cây nhang thì vừa?

Phải chăng càng nhiều nhang càng mau “kết nối”, ít nhang quá sợ đấng tối cao không nhận được “tín hiệu”, nên người hành hương, người lên chùa cứ thế dâng cho đầy khói hương?!

Đến chùa mùa cầu an, cái không khí an lành, bình tâm…bay đâu mất theo khói hương. Mùi nhang quế thoang thoảng, đượm tâm can cũng còn đâu, hay đang bị “trà trộn” trong ngổn ngang đủ mùi hương sực nức đến nghẹt thở.

Chùa có 15 chỗ thắp hương cả thảy, nhưng vẫn…không đủ cho nhu cầu thắp thiệt nhiều của người đi chùa. Ngoài 15 bát lúc nào cũng chen chúc những cây nhang nghiêng ngả, tất cả các vị trí khác trong chùa, miễn có thể cắm được hương xuống thì người ta thi nhau cắm.

Chậu cây, bụi cỏ, lối đi, gốc hoa, tường rào, tua tủa nhang, chỉ còn mỗi ao cá vì không thể cắm được nhang xuống nên…thoát.

Ngày chùa đông người viếng, sư thầy có thêm việc luôn chân luôn tay là đi nhổ bớt nhang vừa mới thắp, dồn vào thùng và…xịt nước cho tắt ngúm. Chuyện chẳng vui sướng gì, lại rất lãng phí sức người, sức của, nhưng thầy vẫn làm đều đều, nếu không… cháy chùa như chơi.

Nhìn hàng trăm, hàng ngàn cây hương cháy chưa nóng chỗ đã “hoàn thành sứ mệnh” mà tiếc mớ tiền đang cháy theo nó, tiếc cả cái công người làm hương nặn cho ra hình dạng thon thon, dài dài ấy, để rồi chỉ “một phút huy hoàng rồi chợt tắt”.

Để hạn chế khói hương, nhà chùa ngỏ ý với người bán nhang trước cổng chùa là hãy chỉ gói 15 cây trong mỗi bó. Như vậy, người mua chia đều mỗi chỗ 1 cây là đủ hết sạch, không còn hương trong tay thắp lung tung nữa.

Sau ngỏ ý này, nhà chùa nhận ra mình… lực bất tòng tâm. Người bán chẳng dại gì gói ít hương để tự làm khó mình. Hương ít-tiền nhiều, người ta chê “chặt chém”, hương ít-tiền ít thì có ai buôn bán lại chỉ mong hốt ít tiền. Thế nên, cứ hương nhiều, tính tiền nhiều cho nó dễ!

Yêu cầu bán ít hương, mua ít hương không thành, nhiều chùa cắm bảng nhắc nhở ngay trước lư hương: Mỗi người chỉ thắp 1 cây! Có nơi cắt cử luôn một người đứng ở vị trí thắp để làm công việc trao hương, yên tâm không có chuyện người viếng “lách luật” cắm thêm.

Ai lỡ mang theo bó hương thì “nộp” vào một chỗ để dành sử dụng dần dần. Có nơi hiện đại hơn, dùng hương điện tượng trưng, người viếng chỉ chắp tay “lạy chay”. Khỏe, chùa hết nghẹt khói.

Hương mang sứ mệnh thiêng liêng là “đưa đường” về cõi khác, nhưng giá thành lại khá rẻ so với “công trạng”, nên bỏ vài ngàn, vài chục ngàn “mua đường” thì ai cũng làm được; thậm chí nhiều người sẵn sàng “bao” luôn “đường” bằng cách đốt hương tràn lan không tiếc.

Song, đâu chỉ là ta có bao nhiêu tiền mua hương và thắp hương. Ngoài những vấn đề xung quanh chuyện ý thức và văn minh trong thắp hương, còn là chuyện liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Nhiều nghiên cứu về khói hương gần đây cho thấy, hương làm từ bột quế, hoa ngâu giờ khá hiếm, thay vào đó là hương được làm từ mùn cưa, phế phẩm nên khói cũng độc hơn.

Chưa kể, loại nhang có tàn cong, mang ý nghĩa tài lộc thực chất rất độc. “Muốn tàn nhang uốn cong, người sản xuất phải tẩm hóa chất phosphoric acid (H3PO4) để ngâm tăm nhang. Nén nhang cong, đẹp tùy theo nồng độ hóa chất và thời gian ngâm tẩm. Vì vậy, que nhang càng cong đẹp thì mức độ tác hại của khói nhang đối với sức khỏe càng lớn”.

Đó là một đoạn trích về tác hại của khói nhang được tổng hợp trên Internet. Chưa rõ độ xác thực của thông tin tổng hợp này, nhưng có một điều dễ cảm nhận là hương đủ loại, đủ mùi thì lá phổi con người cũng…đủ khổ. Người đang tồn tại khổ vì khói nhang, hẳn người từ cõi khác cũng đắng lòng không kém?

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.