Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Mai vàng - Ochna integerrima, không phải là mai mơ trong bài thơ của Mãn Giác thiền sư.Ảnh: P.C.T |
Vừa lẩm nhẩm mấy câu thơ gần ngàn năm tuổi của Mãn Giác thiền sư, vừa thong thả nhặt những cành mai vàng bó lại từng bó như bó củi, bất giác gã mỉm cười.
Mới hôm nào, những cành mai chi chít nụ hàm tiếu hay mãn khai được đặt để nơi bàn thờ trang nghiêm hay những phòng khách sang trọng, bây giờ bị vứt chỏng chơ trong những đống rác sau ngày Tết.
Những con đường hoa lộng lẫy hôm nào, giờ đã thành núi rác. Hoa biến thành rác. Nhưng nếu biết chuyển hóa theo chiều hướng tốt, rác cũng có thể biến thành hoa, đem lại những nụ cười “tươi như hoa” cho những khuôn mặt héo hắt vì ốm đau bệnh tật.
Ví như những cành mai vàng, vỏ có vị đắng có tác dụng giúp tiêu hóa nên có thể làm thuốc được. Bà con ở miền Nam thường ngâm vỏ cây mai vàng vào rượu để chiết những chất có vị đắng, làm thuốc bổ đắng, lợi tiêu hóa.
Cùng với mai vàng, còn có biết bao loài hoa quả có thể tận thu sau ngày Tết để làm thuốc: hoa cúc, hoa vạn thọ, quả quất, quả phật thủ,…
“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai”.
Một cành mai. Hai cành mai. Ba cành mai… Rồi một bó mai, hai bó mai, ba bó mai… Nhặt nhạnh suốt ngày trời, gã có một đống… cành mai ngất ngưỡng chất đầy chiếc ô-tô chở lên trên núi.
Chớ bảo gã dở hơi “chở củi về rừng”! Bởi nơi đó là cơ sở thuốc nam từ thiện có hàng trăm người đến xin thuốc chữa bệnh mỗi ngày. Nếu biết sử dụng, củi có thể thành thuốc, nếu không biết, thì dù thuốc quý cũng chỉ là củi mà thôi. Khác nhau ở tấc lòng tri ngộ giữa con người với cỏ cây hoa lá. Gã nghĩ vậy.
Trở lại với cành mai của thiền sư Mãn Giác.
Dưới góc độ thi ca và Phật học, cành mai ấy là hiện tướng của bản thể chân như bất sinh bất diệt của vạn pháp. Nhưng có lẽ cũng cần nhắc lại, với góc nhìn thực vật học, cành mai này không phải là mai vàng (Hoàng mai - Ochna integerrima (Lour) Merr., thuộc họ Mai - Ochnaceae) như nhiều người ngộ nhận.
Mà chính là mai trắng (Prunus mume (Sieb.) Sieb. et Zucc., thuộc họ Hoa hồng - Rosaceae) hoặc một số loài cùng chi khác như Mơ núi (-var. cernua Franch.), Song mơ (- var. pallescens Franch.) hay Mơ (P. armeniaca L.), đều có mọc hoang hay được trồng ở nhiều tỉnh thành miền Bắc nước ta. “Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ” của Nguyễn Bính đích thị là các loài mai mơ này.
Nói chung các loài mai mơ thường nở rộ hoa vào cuối đông đầu xuân, phổ biến hoa màu trắng, chỉ một số giống có hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Lá xuất hiện gần như ngay sau khi các cánh hoa rụng. Quả chín đầu mùa hè.
Hoa mai được yêu quý và tôn vinh ở các nước phương Đông. Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, mai hoa là biểu tượng của mùa đông, hoặc là tín hiệu sớm để báo hiệu mùa xuân. Hoa mơ có một đặc tính nổi bật là nở vào cuối đông, gần như sớm nhất trong các loại hoa, giữa thời tiết giá lạnh, có thể có băng giá hay tuyết rơi.
Mai cũng được đánh giá cao bởi dáng cây khẳng khiu nhưng cứng cáp, mùi hương nhẹ nhàng và vẻ đẹp của hoa, đặc biệt hoa mai màu trắng được coi như biểu tượng của sự tao nhã, thanh khiết. Hình ảnh mai hoa nở giữa tuyết trắng trong khi các loài cây khác đang khô héo vì giá lạnh được các nhà Nho nhìn nhận như biểu tượng của khí phách kiên cường trước nghịch cảnh. Hình ảnh mai hoa nở sớm báo tin mùa xuân đến cũng tượng trưng cho niềm hy vọng.
Hoa mai không chỉ đẹp, có ý nghĩa tinh thần cao quý, mà còn đem lại lợi ích thiết thực cho cuộc đời. Theo Đông y, hoa mai trắng có vị chua, hơi chát, tính bình, không độc, tác dụng làm sáng mắt, khai vị, tán ứ. Thường dùng chữa nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, tiêu hóa kém, ho có đàm. Ngày dùng 5-10g, sắc uống.
Quả mai hun khói chế thành vị thuốc Ô mai có màu đen, vị mặn, chua, tính bình, tác dụng khai uất, hòa trung, hóa đàm, giải độc, giải khát, giải phiền nhiệt, được dùng chữa uất muộn tâm phiền, can vị khí thống, mai hạch khí, sang độc, tràng nhạc…
Trong dân gian, ô mai được dùng làm thuốc giảm ho, chống khô họng, viêm họng, khản tiếng, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc ngậm. Ô mai có thể kết hợp thêm với mật ong hoặc gừng để tăng thêm tác dụng giảm ho, nhất là ho do nhiễm lạnh, cảm lạnh hoặc ho do viêm họng. Ngày dùng 4-6 quả, ngậm nuốt nước dần hoặc phối hợp các vị thuốc khác sắc uống.
Ngoài việc chế ô mai, quả mai mơ còn được làm kẹo mứt, xi-rô, nước quả và các loại rượu khai vị rất giàu chất dinh dưỡng và được nhiều người ưa chuộng.
Vẫn biết mai vàng không phải mai mơ, vẫn biết nhà thơ đâu phải là nhà… thực vật học. Nên gã thầy thuốc nhặt mai vẫn lẩm nhẩm lời “cáo tật thị chúng” gần ngàn năm tuổi, tưởng như vị thiền sư 45 tuổi vừa “thị tịch” mới đêm qua.
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Việc đời qua trước mắt,
Già đến trên đầu rồi!
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai.
Tân niên Bính Thân, 2016
PHAN CÔNG TUẤN