Các chuyên gia kinh tế thế giới nhận định rằng, những nỗ lực để các nền kinh tế riêng lẻ ở Đông Nam Á hợp thành một thị trường thống nhất đã bắt đầu thu hoạch quả ngọt. 10 thành viên của Hội đồng các quốc gia Đông Nam Á chính thức thành lập Cộng đồng kinh tế Đông Nam Á (AEC) – một khối thương mại đầy tham vọng – từ đầu năm 2016.
Sự “chào đón” của người dân Mỹ về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Đông Nam Á ở Sunnylands. |
Đây là chuyển biến được coi như là cú hích cho nền kinh tế khu vực và là một phần để giải thích lý do Mỹ đẩy mạnh quan hệ với khu vực Đông Nam Á.
Lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á tham gia cuộc họp thượng đỉnh do Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì tại Sunnylands, California trong hai ngày đầu tuần này với sự thảo luận về bất ổn biển Đông nhưng kinh tế vẫn là chủ đề trọng tâm.
Các nước Đông Nam Á có tổng GDP là 2,4 nghìn tỷ USD; tức là nền kinh tế lớn thứ hai châu Á sau Trung Quốc và là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới. Khu vực này có mức tăng trưởng trung bình 5%. “Đông Nam Á có tiềm năng rất lớn cho các nhà đầu tư quốc tế về thương mại nhờ dân số trẻ.
Điều đó đóng vai trò chủ chốt về tạo ra lực lượng lao động cạnh tranh mà các nhà đầu tư rất quan tâm”, Chan Sophal – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách ở Phnom Penh – nói.
Anthony Nelson, người phát ngôn của Hội đồng kinh doanh Mỹ - Đông Nam Á nói trong buổi họp báo vừa qua ở Washington rằng, ý tưởng AEC thật tuyệt vời bởi vì những mục tiêu đưa ra cho thấy họ đầy tham vọng. Họ có cơ sở để thực hiện tham vọng đó nhưng cái khó lớn nhất để biến giấc mơ thành hiện thực chính là tình trạng tham nhũng và quản lý kém.
Nhà kinh tế người Campuchia làm việc tại Singapore, Oum Sothea nói rằng hầu hết các hàng hóa nhập khẩu có mức thuế hạ xuống bằng 0 nhưng khó khăn chính là những rào cản “phi thuế quan”. Để loại bỏ được rào cản đó cần phải có sự hành động đồng bộ với ý chí chính trị lớn lao.
Bên cạnh đó các nước Đông Nam Á cần xây dựng bộ quy định mới về tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đồng thời các quy tắc phải hài hòa, tránh tình trạng “đá” nhau.
Mỹ nhìn nhận các nước Đông Nam Á có vai trò rất quan trọng về phát triển kinh tế bởi đó là đối tác thương mại lớn thứ tư. Năm 2014, các công ty Mỹ đã đổ hơn 200 triệu USD đầu tư vào Đông Nam Á. Phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama về chiến lược truyền thông là Ben Rhodes cho biết Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Mỹ.
“Thực tế cho thấy Đông Nam Á tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế Mỹ và tạo ra nhiều việc làm mà dự kiến khoảng nửa triệu việc làm ở Mỹ. Đông Nam Á sẽ sớm là một trong những thị trường lớn nhất về xuất khẩu của Mỹ”, Ben Rhodes nhận định.
ANH THƯ (Theo VOA)