.

Tờ lịch mới

.

Đã thành lệ, cứ đến năm mới là người ta tặng nhau những cuốn lịch mới. Người công chức nhận lịch của cơ quan, những doanh nghiệp “ăn nên làm ra” trong năm cũ cũng in lịch tặng nhân viên. Ở các tiệm vàng, những ngày cuối năm, không khí cho-nhận lịch cũng tất bật. Và những cuốn lịch lốc to đùng bằng nguyên khổ giấy A4, hộp lịch màu đỏ có biểu tượng rồng phượng xung quanh được ưa chuộng hơn cả.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mẹ tôi cũng không ngoại lệ. Qua năm mới tầm 1 tuần mà không được ai tặng lịch lốc là thể nào bà cũng đi “xin” đâu đó cho bằng được. Với bà, có cuốn lịch này treo trong nhà dịp Tết sẽ làm ngôi nhà sang trọng hơn.

Ba tôi thì ngược lại, ông không “hứng thú” với lịch lốc. Ông sẽ không treo hộp lịch cho đến khi nhận được lịch của đơn vị. Mà theo tôi, dù lịch lốc có vẻ phí phạm giấy nhưng trông nó bắt mắt hơn nhiều so với tờ lịch của đơn vị ông. Tờ lịch mà năm nào cũng là hình người chiến sĩ công an nhoẻn miệng cười. Tuy vậy, ông quý tờ lịch ấy đến nỗi sẽ dành vị trí trang trọng nhất trong nhà để treo lịch. Không những vậy, ông còn đi “xin” thêm 1 tờ lịch như thế nữa để đem về quê cho bà nội.

Năm nào, độ khoảng 26, 27 Tết là cả nhà tôi lại về quê. Lần nào về đến sân cũng sẽ thấy bà nội đã bắc ghế ngồi ngóng sẵn. Câu hỏi đầu tiên của bà bao giờ cũng là: “Có lịch mới không con?”. Khi ba tôi đưa tờ lịch ra sẽ thấy đôi mắt bà hấp háy những nét vui tươi rồi  bà giục mấy đứa cháu trai trong nhà đi đóng đinh để treo lịch.

Bờ tường nhà đã dày đặc những tờ lịch cũ úa vàng theo thời gian cũng chưa thấy bà cho gỡ xuống. Việc xem lịch với nhà nông e cũng không cần thiết lắm. Cốt năm mới là phải có lịch mới, vậy thôi!

Các cô tôi ở Đà Nẵng năm nào cũng đem lịch về nhưng vị trí đẹp nhất trong nhà bao giờ bà cũng để dành cho lịch của ba tôi. Khi tờ lịch được treo lên, bà móm mém cười: “Phải thấy lịch của thằng Tám mang về được treo lên tường má mới thấy Tết đã về”.

Ngày nhỏ, tôi hay thắc mắc: “Không hiểu sao bà nội lại thích tờ lịch chiến sĩ công an như vậy? Tờ lịch đơn điệu năm này qua năm khác cũng chỉ là hình ảnh chiến sĩ công an tươi cười, chỉ khác nhân vật”.

Chỉ đến khi bà mất, mãi khi lớn lên, tôi mới nhận ra, bà để dành vị trí trang trọng nhất trong nhà để treo lịch công an là có lý do. Bà muốn khách khứa đến nhà ngày Tết thấy lịch sẽ biết: Nhà này có con làm công an. Niềm tự hào của người phụ nữ quê khi có con trai làm trong ngành công an nó mộc mạc và giản dị biết bao.

Dù hiện tại, bà không còn để ngóng lịch công an nữa nhưng có lẽ đã thành thói quen, năm nào ba tôi cũng xin thêm lịch để mang về quê. Và tất nhiên, cuốn lịch ấy vẫn được dành một vị trí trang trọng nhất trong nhà mỗi độ xuân về.

HẢI ÂU

;
.
.
.
.
.