Năm 2000, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước bắt tay thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố “5 không” với quyết tâm đến năm 2005 sẽ không còn hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không giết người để cướp của. Nhiều mục tiêu sau khi đạt được, đã nâng lên cấp cao hơn.
Đà Nẵng đang gặp thách thức bởi đối tượng xin ăn biến tướng. (Ảnh do Sở LĐ,TB&XH thành phố Đà Nẵng cung cấp) |
Trong đó mục tiêu không có người lang thang xin ăn (NLTXĂ), từ một chủ trương đúng, đến cách làm quyết liệt, thấu tình đạt lý đã đưa Đà Nẵng trở thành điểm sáng. Tuy nhiên, mục tiêu này đang đối diện thách thức trước hiện tượng lang thang xin ăn biến tướng.
Đồng thuận với cách làm nhân văn
Kể về ngày đầu quyết tâm thực hiện mục tiêu không có NLTXĂ, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng cho biết, mọi chuyện tưởng đơn giản nhưng không phải vậy; bởi đa phần có gia cảnh nghèo khó, sức khỏe không bảo đảm, tật nguyền.
Nếu làm căng, sẽ đẩy những con người vốn đã khốn khó vào bước đường cùng. Do đó, các sở, ngành liên quan đã trải qua nhiều cuộc họp để cùng đưa ra hướng đi quyết liệt nhưng phải hợp tình, hợp lý nhằm giữ vững hình ảnh Đà Nẵng thân thiện, bình an trong mắt mọi người.
Sau khi cân nhắc các phương án, thành phố thành lập đội chuyên trách, sử dụng xe chuyên dụng đưa người xin ăn về Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố, lập hồ sơ báo về địa phương, gia đình ký cam kết không tái phạm để bảo lãnh.
Nếu tái phạm sẽ đưa đi lao động tập trung. Bên cạnh đó, từ khi đường dây nóng được công bố với mức thưởng 200.000 đồng/lần cho người phát hiện, đội chuyên trách đã liên tục nhận được điện thoại của người dân thông tin về đối tượng xin ăn đang hành nghề trên địa bàn. Nhờ đó, chỉ sau 5 năm, thành phố Đà Nẵng đã tập trung hơn 2.500 đối tượng, trong đó có trên 90% là người đến từ tỉnh, thành khác.
Chị N.T.L (53 tuổi, xin được giấu tên), hộ khẩu thường trú tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu chia sẻ, năm 2002, từ quê nhà Quảng Trị, vợ chồng chị đưa 4 con nhỏ vào Đà Nẵng hành nghề thu mua ve chai. Tuy nhiên, công việc tạm bợ nơi xứ người không đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Những đứa con chị (trừ đứa út) đều phải bỏ học để tiết kiệm chi phí cho gia đình, phụ ba mẹ thu gom rác. Những khi rảnh, chúng dắt nhau đi bộ hàng cây số đến chợ Hòa Khánh và một số chợ cóc trong khu vực ngửa tay xin tiền người dân.
Nhớ ngày đầu tiên năm 2003, 3 anh em mang về cho gia đình 80.000 đồng, số tiền hơn cả khoản lời lãi trong một ngày vất vả của vợ chồng chị. Vui mừng trước số tiền lớn xin được trong ngày, mấy đứa con xin phép được tiếp tục ra chợ xin tiền.
Dù rất thương con, nhưng vì nhà nghèo nên chị gạt nước mắt gật đầu. Rồi một hôm, trời đã tối mà không thấy thằng con cả trở về nhà, vợ chồng chị tất tả đến chợ tìm mới biết con mình đã bị lực lượng công an đưa lên xe chở đi.
Sau một đêm khóc cạn nước mắt, chị nhận được thông báo lên Trung tâm Bảo trợ xã hội đưa con về, sau khi ký cam kết không tái phạm. Chị L bộc bạch: “Điều tôi thật sự xúc động là cán bộ quản lý đã tìm hiểu hoàn cảnh gia đình rồi giới thiệu chúng tôi đến hành nghề tại bãi rác Khánh Sơn.
Công việc vất vả nhưng mức thu nhập ổn định hơn, giúp chúng tôi mua đất, làm nhà và chuyển hộ khẩu vào Đà Nẵng. Đứa con cả được học nghề sửa xe miễn phí, giờ phụ việc một tiệm trên đường Trần Cao Vân, đứa nhỏ nhất được giúp đỡ đến trường. Vợ chồng tôi vẫn đùa rằng, trong cái rủi có cái may, nếu ngày đó con tôi không bị bắt, thì cuộc sống của chúng tôi chắc gì có được ngày hôm nay”.
Có thể nói cách làm ở Đà Nẵng là quyết liệt nhưng hợp tình, hợp lý khi 100% NLTXĂ có hộ khẩu tại Đà Nẵng được hỗ trợ việc làm, ổn định cuộc sống. Nhiều chương trình xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động được thành phố triển khai mạnh mẽ đã đưa mục tiêu “5 không” trở thành thương hiệu của Đà Nẵng trong nhiều năm qua.
Đối mặt với ăn xin biến tướng
Nhiều năm qua, ở Đà Nẵng ít thấy cảnh NLTXĂ đi dọc hè phố hay ngửa tay xin tiền ở nhà ga, bến tàu như những địa phương khác. Tuy nhiên, vẫn còn đó tình trạng ăn xin biến tướng, giả dạng người bệnh, bán vé số, tăm bông, thầy tu đi khất thực để xin tiền. Chỉ cần lơi tay trong công tác giám sát là các đối tượng này có nguy cơ bùng phát.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Tổ Xử lý thông tin NLTXĂ thuộc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng thường xuyên gặp cảnh người xin ăn lợi dụng tình trạng sức khỏe, khuyết tật để chửi bới, giả vờ ngất xỉu, ăn vạ nhằm gây áp lực với cơ quan chức năng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố cho biết, năm 2015, số NLTXĂ được phát hiện tại Đà Nẵng tăng 300% so với năm trước, với 331 trường hợp. Trong đó có 241 người không nơi cư trú, 90 người tâm thần không được gia đình chăm sóc, quản lý chặt chẽ. Con số trên cho thấy mục tiêu giữ vững “thành phố không có NLTXĂ” đang gặp nhiều thách thức.
Một trong những nguyên nhân bùng phát nạn xin ăn còn xuất phát từ chủ trương, chính sách của Đà Nẵng thuận lợi cho nhiều đối tượng từ nơi khác đến làm ăn sinh sống. Lực lượng tham gia lĩnh vực xử lý người lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng còn mỏng và đa số kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập, việc xử phạt cũng không khả thi do hoàn cảnh đối tượng khó khăn không có khả năng nộp phạt, một số địa phương chưa phối hợp trong công tác quản lý và xử lý các đối tượng vi phạm…
Cũng theo bà Hưng, việc quản lý đối tượng này rất khó vì đa số NLTXĂ, xin ăn biến tướng là người ngoài thành phố, thường hoạt động sau giờ nghỉ, ngày lễ. Xuất hiện ở nơi đông khách vãng lai và hoạt động khá tinh vi, khi phát hiện có lực lượng chức năng họ lẩn trốn rất nhanh dẫn đến việc phát hiện xử lý gặp không ít khó khăn.
Cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, Đà Nẵng đang từng bước thay đổi cách nghĩ của người dân trong thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Bà Nguyễn Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky-line, đại biểu HĐND khóa VIII cho rằng, trong xử lý tình trạng NLTXĂ hiện nay cần tiếp tục nâng cao ý thức người dân, kêu gọi người dân dứt khoát không cho tiền NLTXĂ.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giúp đối tượng về lại cộng đồng như chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, tổ chức tuyên truyền giáo dục, lao động sản xuất. Có như vậy mới mong giảm thiểu và dẫn đến chấm dứt tệ nạn này trên toàn thành phố.
Với những con số đáng “giật mình” về NLTXĂ ngày một tăng, Đà Nẵng đang triển khai biện pháp xử lý nhằm giữ vững thương hiệu thành phố đã gầy dựng trong nhiều năm qua. Đơn cử, từ tháng 5-2015, UBND quận Hải Châu đã treo mức thưởng 500.000 đồng cho mỗi tin báo đến số điện thoại đường dây nóng. Thường xuyên tuyên truyền xen kẽ, lồng ghép nội dung “không cho quà, tiền đối với NLTXĂ; không mua hàng, quà của người bán hàng rong xin ăn biến tướng” trong các cuộc họp tổ dân phố.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng gửi văn bản yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường công tác tổ chức, xử lý, nếu cần thiết sẽ cải trang, mật phục tại các lễ hội để phát hiện, xử lý NLTXĂ biến tướng.
Dù còn nhiều thách thức, nhưng tình trạng NLTXĂ ở Đà Nẵng so với các tỉnh, thành khác đã giảm đi rõ rệt, trở thành điểm sáng trong cả nước. Cùng với cách làm quyết liệt, có lý, có tình, mục tiêu không có NLTXĂ tiếp tục là hướng đi đúng đắn, sáng tạo và đầy sức thuyết phục của Đà Nẵng trên con đường xây dựng thành phố văn minh, thành nơi đáng sống.
TIỂU YẾN