.

Mong manh âm điệu cồng chiêng

.

Mấy năm nay tôi có dịp trở lại huyện Đăk R’Lấp, ĐăkNông để làm một công việc liên quan đến văn hóa. Có lần ở lại cả tuần, đi khắp 11 xã của huyện rồi đi vào tận các bon làng đồng bào M’Nông sinh sống. Nói đến nền văn hóa truyền thống M’Nông Nam Tây Nguyên phải nhắc đến huyện Đăk R’Lấp, huyện cực nam của tỉnh Đăk Nông; là miền đất còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào M’Nông.

Những  trường ca, truyện cổ, kho tàng sử thi đã được truyền khẩu và ghi chép lại. Nhiều di chỉ, di vật khảo cổ có giá trị như các bộ cồng chiêng cổ, các công cụ, bộ trang sức bằng đá của người tiền sử ở Kiến Đức. Đặc biệt là bộ goong lú (đàn đá) huyền thoại đã 3.000 năm tuổi tìm thấy ở bon Bù Bir.

Cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Internet
Cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Internet

Trong đợt đi đầu tiên vào bon PiNao, tôi gặp được già Y Krang, nghệ nhân đã trăm tuổi. Có lẽ sau sự ra đi của Điểu Kâu, thì già Y Krang là một nghệ nhân tài hoa và quý hiếm cuối cùng còn sót lại của nền văn hóa M’Nông Nam Tây Nguyên. 

Già Y Krang suốt cả cuộc đời chỉ biết đam mê âm nhạc, ở đâu có lễ hội là ông xuất hiện say sưa nhảy múa suốt cả đêm. Già đã bỏ gần 40 năm lặn lội trong rừng sâu tìm đủ loại ống tre, ống trúc, bầu khô, sừng trâu để mày mò và phục chế ra 7 loại nhạc cụ dân tộc M’ Nông đúng với nguyên gốc rồi đem đi biểu diễn khắp nơi.

Phải có một tình yêu đến cạn cùng sức lực với những giai điệu của dân tộc mình mới làm được điều đó. Y Krang thuộc loại nghệ sĩ thiên phú, chỉ cần hà hơi vào kèn là trở thành giai điệu, trở thành âm vang mang tình tự đắm say, niềm khao khát tự do của người M’Nông. Già là người đã tham dự nhiều lễ hội văn hóa dân tộc của cả nước và từng đi lưu diễn ở nước ngoài. Bây giờ đã già chỉ về ngồi một chỗ ở bon.

Chính quyền địa phương xây cho già một nhà xi-măng nhưng già để cho con gái ở còn mình vẫn ở căn nhà gỗ, già không muốn rời xa bếp lửa. Đối với những người già ở Tây Nguyên, bếp lửa đã thấm vào máu thịt của họ, là cội nguồn, linh hồn của họ.

Anh trưởng bon như hiểu được suy nghĩ của chúng tôi về sự mất còn, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống,  lỡ đến ngày như già Y Krang mất đi đã cho biết: lớp trẻ không còn mặn mà với âm nhạc dân tộc mặc dù nhà văn hóa cộng đồng từng tổ chức những buổi truyền dạy nhạc. Cả buôn chỉ có một mình Y Linh là theo học nghệ nhân Y Krang đã nhiều năm nhưng vẫn chưa hấp thu hết được tinh hoa của âm nhạc M’Nông từ nghệ nhân huyền thoại này.

Lần đi ấy tôi còn được “mục sở thị” bộ đàn đá cổ ở Bù Bir do một cô gái người M’Nông biểu diễn và được thưởng thức những món ăn đặc sản của đồng bào. Tuy nhiên trong lòng tôi vẫn có nỗi ấm ức vì vội quá nên chưa có dịp tham quan những ngôi nhà truyền thống, những ngôi nhà  có cửa tò vò, mái phủ cả mặt đất hoặc những ngôi nhà dài mà tôi từng được xem trên những bưu ảnh cũ hoặc trên truyền hình về văn hóa truyền thống Tây Nguyên.

Gần đây trở lại Đăk R’Lâp, tôi quyết dành thời gian để vào những vùng sâu để tìm hiểu thêm những ngôi nhà truyền thống. Nào ngờ, anh cán bộ phụ trách văn hóa huyện bảo rằng: Không còn đâu anh, đa phần đồng bào xây nhà xi-măng cả, còn nhà gỗ, nhà lá thì không còn dựng như motip ngày trước nữa. Tôi hơi thất vọng.

Sau đó khi vào thăm lại già Y Krang lại biết thêm một tin buồn nữa - người truyền nhân duy nhất Y Linh mà tôi gặp 2 năm trước của già đã mất. Hai ngày giữa thị trấn Kiến Đức trong nuối tiếc và hụt hẫng, anh bạn công tác trong ngành văn hóa bỗng kéo tôi đi dự buổi biểu diễn cồng chiêng của một bon trong thị trấn.

Chiều vừa xuống, người dân đã lục tục kéo đến, ai cũng có vẻ háo hức chờ đợi biểu diễn. Giàn nghệ nhân trong trang phục truyền thống – họ cũng vừa mới lao động trở về kịp đến biểu diễn. Khi bài chiêng vang lên cùng với điệu nhảy tôi thấy trong đôi mắt của các nghệ nhân như lạc vào một niềm đam mê sâu thẳm của nội tâm. Mọi người tham dự đều ngây ngất hòa trộn vào không gian âm nhạc mà đội cồng chiêng của bon mang lại.

Cả không gian như chìm đắm mê mải bởi một âm vang đầy hoang dã của núi rừng. Anh bạn giới thiệu cho ý nghĩa của từng bài chiêng, được lưu giữ và truyền bá trong cộng đồng người M’ Nông. Tôi có cảm giác đang đến rất gần giá trị văn hóa của nền âm nhạc cồng chiêng vốn rất mong manh không biết còn giữ được bao lâu nữa…

Trao đổi với người bạn về sự mong manh của âm nhạc dân tộc. Anh bạn cho biết, giới trẻ đam mê nền âm nhạc này đang dần ít đi. Chuyện tìm người dạy và truyền nghề cũng khó. Để có được một đội cồng chiêng hoạt động phải cần kinh phí. Anh bạn cho biết muốn có kinh phí phải chạy vạy chỗ này chỗ kia theo kiểu cầm chừng…

Tôi nói với người bạn: Các công trình kinh tế nếu có sai sót còn có thể sửa chữa ngay cả công trình bauxit Nhân Cơ (thuộc huyện Đăk R’Lấp) nếu khai thác không hiệu quả, ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường cho dù đã tiêu tốn cả núi tiền khi cần cũng dỡ bỏ để trả lại sự bình yên cho môi trường. Trên thế giới đã từng có một số thủy điện đã bị dỡ bỏ để trả lại sự yên bình cho dòng chảy. Còn những nghệ nhân như Y Krang, tiếng chiêng ở bon nếu không giữ được, không bảo vệ được khi mất đi sẽ vĩnh viễn không bao giờ tìm lại được.

HỒ SĨ BÌNH

;
.
.
.
.
.