Đà Nẵng đã khép lại những hoài niệm, những ký ức buồn vui một thuở trong lòng bao người và mở ra những giấc mơ tươi đẹp cho thế hệ công dân thành phố đương đại.
Đà Nẵng đang hướng tới hiện thực hóa giấc mơ về thành phố an bình, đáng sống. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Từ những điều bình dị nhất
Anh Nguyễn Minh Đức trú phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) và chị Nguyễn Hồng My trú phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) đã tìm được nửa kia của cuộc đời mình. Hôm đến cơ quan UBND phường Hải Châu 1 để nhận giấy đăng ký kết hôn, cả hai đều bất ngờ khi được lãnh đạo phường tận tay trao Thư chúc mừng hạnh phúc lứa đôi.
Người con dâu mới của Hải Châu 1 cảm thấy quá đỗi bất ngờ: “Chúng em xem đây là lời chúc phúc đầu tiên cho vợ chồng mình. Với cách làm này, em thấy giữa cán bộ phường và người dân càng thêm gần gũi nhau hơn”.
“Lời chúc phúc đầu tiên” ấy (bao gồm các thành viên gia đình chưa ra đời) sẽ đi cùng năm tháng trong cuộc đời của cặp đôi này và ươm mầm trong lòng họ những giấc mơ đẹp đẽ về một mái ấm an bình, hạnh phúc. Với anh Huỳnh Ngọc Quang hiện trú trên đường Ngô Gia Tự, phường Hải Châu 1, người vừa có thêm một thành viên bé tẹo trong gia đình, càng “sửng sốt” hơn khi lên phường nhận Giấy khai sinh cho con lại nhận được Thư chúc mừng của lãnh đạo phường. Vừa mới chào đời, công dân tương lai của thành phố Đà Nẵng đã nhận được những lời chúc tốt đẹp từ chính quyền địa phương.
Việc làm tuy rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đó xuất phát từ mong muốn chính quyền gần dân hơn nữa của lãnh đạo, cán bộ địa phương. Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 Võ Trường Anh cho biết, tại Hội nghị Cán bộ công chức phường năm 2015, lãnh đạo UBND phường đã phát động thực hiện cải cách hành chính theo phương châm “Ba Tận”: Tận Tâm - Tận Tình - Tận Tụy (gọi tắt là “Sáu T”); tận tâm phục vụ nhân dân, tận tình hướng dẫn giúp đỡ nhân dân và tận tụy với công việc chuyên môn.
Triển khai một trong những việc làm cụ thể của “Sáu T”, từ ngày 24-2-2015, UBND phường bắt đầu gửi Thư chúc mừng đến những trường hợp đăng ký khai sinh, kết hôn; Thư chia buồn cùng gia đình khi có người thân qua đời.
“Mỗi lá thư là một nỗi niềm để chúng tôi gửi gắm vào đó cảm xúc của mình. Một điều đáng mừng từ ngày triển khai đến nay đã có 366 thư chúc mừng, 77 thư chia buồn và không có thư xin lỗi công dân vì không có hồ sơ bị trễ hẹn. Tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của phường có mở Sổ góp ý và Hòm thư góp ý để người dân có thể phản ánh ý kiến của họ về thái độ, phong cách làm việc của cán bộ, công chức phường. Nhiều ý kiến phản hồi tích cực đối với việc gửi thư chúc mừng, chia buồn này” - ông Anh khẳng định.
Người dân thành phố mong ước được chính quyền thân thiện, gần gũi, lắng nghe nguyện vọng của mình ngay từ những việc nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn về nhân văn.
Nhằm rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân, từ người đứng đầu thành phố đến các ngành, địa phương ở Đà Nẵng đều dành thời gian đi cơ sở, tiếp công dân theo định kỳ và đột xuất đối với các vấn đề “nóng”. Chủ tịch UBND thành phố công khai địa chỉ thư điện tử, các đội quản lý đô thị lập địa chỉ Facebook để tiếp nhận thông tin từ người dân và có hướng xử lý phù hợp…
Việc làm tuy rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa nhân văn rất lớn của phường Hải Châu 1: Thư chúc mừng “Chào đón thành viên mới” (ảnh trái) và chúc mừng “Trăm năm hạnh phúc”. (Ảnh do đơn vị cung cấp) |
“Thành phố đáng sống”
Hôm 18-3 vừa rồi, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) - vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động”. Ông là người đầu tiên làm công tác giáo dục đại học ngoài công lập được phong tặng danh hiệu cao quý này. Gần gũi thân tình từng giới sinh viên, biết họ đang mơ ước điều gì, ông đã xây dựng, kiến tạo và đưa Đại học Duy Tân từ một trường tư thục gần như chẳng tiếng tăm gì ở miền Trung thành một trong ít trường đại học ngoài công lập có uy tín được công nhận trong và ngoài nước.
Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ đã dày công xây dựng “thương hiệu” Đại học Duy Tân và góp phần làm cho “thương hiệu” Đà Nẵng ngày một lan tỏa rộng khắp hơn với bạn bè trong nước và quốc tế.
Tự hào về người thầy đáng kính của mình, về thành phố mình đang sống, học tập, sinh viên Khoa Xây dựng - Đại học Duy Tân chia sẻ trên Facebook: “Đà Nẵng, thủ phủ miền Trung, hiện là thành phố đáng sống nhất cả nước hiện nay, có núi, sông, biển và nhiều điểm du lịch, đi lại thuận tiện, người dân hiền hòa, thân thiện, môi trường trong lành... Hằng năm đón nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Là một đô thị đang trên đà phát triển, có nhiều dự án xây dựng đang được triển khai. Đà Nẵng xứng đáng là một lựa chọn để học tập và sinh sống”.
Hôm 19-3, tại Ngày hội Thơ Đường luật Việt Nam lần thứ 11 diễn ra ở Đà Nẵng nhân chào mừng kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, “Thành phố đáng sống” cũng được GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Chủ tịch Hội thơ Đường luật Việt Nam, nhắc đến bằng một sự chia sẻ chân tình.
GS trả lời phỏng vấn phóng viên DRT: “Đà Nẵng là nguồn cảm hứng tuyệt vời đối với nhà thơ, đã có nhiều bài thơ Đường luật rất hay lấy cảm hứng từ thành phố tươi đẹp này”. GS phát biểu chào mừng trước đại biểu 37/43 tỉnh, thành phố trên cả nước có chi hội Thơ Đường luật tham gia ngày hội: “Đây cũng là dịp để các đại biểu từ mọi miền đất nước về hội tụ, có cơ hội chiêm ngưỡng các di tích đặc biệt của thành phố biển và minh chứng những phát triển trong thời kỳ đổi mới của “Thành phố đáng sống” này”.
“Thành phố đáng sống” đang là giấc mơ của người Đà Nẵng. Vẫn còn đâu đó những tồn tại ngoài ý muốn và công dân thành phố đang nỗ lực để giấc mơ của mình thành hiện thực. Chủ tịch UBND xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) Nguyễn Ngọc Hải mong rằng hệ thống dây điện, dây cáp các loại ở nội thành được chạy ngầm dưới lòng đất để tạo không gian phát triển cây xanh đô thị; mỗi tuyến phố chỉ nên trồng một loại cây đặc trưng để tạo phong cách khác biệt và nhắc đến cây nào là biết tuyến đường nào; xây dựng mô hình đô thị “Không có tiếng ồn của còi xe”, “Nói không với bao ni-lông”…
Gần lắm, giấc mơ
Song hành với “Thành phố đáng sống” là “Thành phố sự kiện” - một trong những chiến lược quảng bá thương hiệu mà thành phố đang hướng đến.
Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng Lâm Quang Minh cho biết, trong 10 năm qua, rất nhiều sự kiện đối ngoại chính trị quan trọng được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương chọn Đà Nẵng là địa phương đăng cai tổ chức.
Cùng với đó, một số sự kiện văn hóa, thể thao quốc tế đã để lại dấu ấn và góp phần vào việc quảng bá rộng rãi hình ảnh thành phố đến bạn bè quốc tế, trong đó Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC, khởi đầu từ 2008) đã góp phần khẳng định “thương hiệu” Đà Nẵng.
Từ đầu năm 2016, người dân thành phố và du khách đã có cơ hội chiêm ngưỡng 12 thuyền buồm tham gia Cuộc đua Thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper 2015 - 2016 cập cảng tại Đà Nẵng. Dự kiến tháng 4 tới, một sự kiện mới lần đầu tiên tổ chức tại Đà Nẵng là Lễ hội Hoa anh đào.
Cũng năm nay, từ 24-9 đến 3-10 sẽ diễn ra sự kiện lớn là Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á (ABG5) với 45 đoàn đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á tham dự.
Một sự kiện lớn nữa, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng Trần Chí Cường, là Hội chợ Du lịch quốc tế tại Đà Nẵng được tổ chức từ ngày 24 đến 26-6-2016 (Beach-leisure & M.I.C.E Travel Mart - BMTM Da Nang 2016).
Với sự chuyên nghiệp và quy mô mang tầm quốc tế, ông Cường nhận định, BMTM Da Nang 2016 dự kiến sẽ mang đến cơ hội xúc tiến giao thương và mở rộng thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là các khu vực trọng điểm có đường bay quốc tế đến Đà Nẵng.
Ai mà không mơ ước nơi mình đang sinh sống, làm việc ngày một an bình, đáng sống hơn. Giờ đây, người dân Đà Nẵng chỉ vài bước ra khỏi nhà là có thể thưởng lãm, mua sắm, giao lưu... với bạn bè năm châu qua những sự kiện tầm cỡ quốc tế.
Với cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại thành phố, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng hằng năm tổ chức Giải bóng đá Người nước ngoài tại Đà Nẵng. Ông Lâm Quanh Minh cho rằng sự kiện này là cơ hội để cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Đà Nẵng giao lưu, tạo dựng các mối quan hệ, đồng thời tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết giữa thành phố Đà Nẵng và cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập tại thành phố.
41 mùa hoa đã đi qua thành phố và Đà Nẵng đang nỗ lực biến giấc mơ thành hiện thực: “Thành phố của những cây cầu”, “Thành phố môi trường”, “Thành phố sự kiện”, “Thành phố đáng sống”,... Khi nhiều mùa hoa nữa đi qua, nhỏ bé như Thư chúc mừng của phường Hải Châu 1... cũng sẽ lưu lại trong lòng người những ký ức đẹp đẽ về một “thành phố đáng sống” bên sông Hàn…
Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ