Đi lên và sống tốt bằng đôi chân bình thường trong cuộc đời của mỗi người đã là điều không dễ dàng. Với người khuyết tật (NKT), những khó khăn còn nhân lên gấp bội. Song với nghị lực và khát khao vượt lên chính mình, khẳng định vị thế trong cuộc sống, họ không những tự mang “thân ốc” mà còn vác theo “rêu”…
Anh Đặng Ngọc Hải (phải) đang làm việc tại tiệm xử lý ảnh của mình. Ảnh: T.T |
Không chỉ lo cho mình…
Trần Lê Giao Thy (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) sinh ra trong một gia đình đông anh em, mẹ mất sớm. Việc chăm sóc những người trong gia đình, bảo bọc đàn em thơ vì vậy đã trở thành thói quen của anh Thy, từ tấm bé.
Anh đặc biệt yêu thích việc chăm chút những bữa cơm cho mọi người. Lớn lên, có cơ hội đến phụ việc tại cửa hàng ăn cho bà ngoại, niềm đam mê nấu nướng của Giao Thy lớn lên mỗi ngày. Đây cũng chính là nơi anh gặp vợ – người sau này đã sinh cho anh hai đứa con kháu khỉnh, khỏe mạnh, tiếp thêm nguồn sức mạnh, nghị lực sống trong người đàn ông tật nguyền.
Dù mọi hoạt động, đi lại đều phải gắn chặt với chiếc xe lăn, song một ngày làm việc của anh Thy bao giờ cũng bắt đầu từ sáng sớm đến tận 9 – 10 giờ đêm: Thức dậy 3 giờ sáng, nấu xôi đi bán ở cổng trường; sau 7 giờ sáng thì bán nước giải khát đến trưa và món ăn vặt đến 6 giờ chiều. Tối về lại tất bật chuẩn bị cho công việc của ngày làm việc hôm sau. Ngoài ra, vợ chồng anh Thy còn nhận nấu tiệc… Anh Thy tin rằng, thời đại nào thì chuyện ăn uống vẫn là nhu cầu thiết yếu của con người, vì vậy, kinh doanh các mặt hàng này, sẽ không bao giờ phải lo “ế” cả.
Chăm chỉ làm việc, hiện tại, anh Thy không chỉ tự nuôi sống bản thân, gia đình nhỏ của mình mà còn chăm sóc những người anh em khác. Ngoài ra, anh còn hăng hái tham gia các hoạt động hội, đoàn thể trên địa bàn, thường xuyên giúp đỡ các trẻ em, sinh viên nghèo có điều kiện học hành, hỗ trợ những gia đình khó khăn… Hiện anh Thy là Ủy viên Ban Chấp hành, phụ trách nhóm NKT phường – trực thuộc Hội NKT quận Hải Châu. Anh dự định mở một trung tâm dạy nghề nấu ăn cho NKT, một cửa hàng ăn tạo việc làm cho NKT.
Đi lên và sống tốt bằng đôi chân bình thường trong cuộc đời của mỗi người đã là điều không dễ dàng. Với NKT, những khó khăn còn nhân lên gấp bội. Song với nghị lực và bằng khát khao được đi với cuộc đời, họ không những tự mang “thân ốc” mà còn vác theo “rêu”.
Chàng trai trẻ Nguyễn Trọng Đông là một người như thế: Đông đã tự mở ra cánh cửa của cuộc đời mình, khi tưởng nó đã im ỉm đóng, sau một cơn bạo bệnh. Nguyễn Trọng Đông hiện là Đội phó Đội nhập liệu tiếng Nhật tại Tập đoàn FPT (Chi nhánh Đà Nẵng). Vượt qua hàng trăm nhân viên lành lặn, Trọng Đông là người duy nhất đạt danh hiệu “nhân viên xuất sắc 5 năm liền” của tập đoàn.
Từ ngày thơ bé, mẹ anh chính là nguồn động lực lớn lao để Đông tiến về phía trước. Sau cơn sốt bại liệt từ năm 2 tuổi, Đông vẫn chưa ý thức được những gì đang diễn ra với mình, nhưng càng lớn, nhìn những giọt nước mắt của mẹ khi chăm sóc anh hằng đêm, thì mong muốn sống tốt, để mẹ không phải buồn lo luôn trỗi dậy mãnh liệt.
Mẹ chính là người đã cùng Đông vượt qua những nỗi tự ti mặc cảm từ những ngày thơ bé: khi bạn bè hay bất kỳ ai trêu chọc, “con chỉ cần mỉm cười và cố gắng hết sức để vươn lên, để chứng minh rằng, mình không hề thua kém!”… Lời mẹ đã nâng đỡ tâm hồn Đông trong suốt chặng đường dài! Bây giờ, đây cũng chính là cách Đông dặn dò con trai anh, mỗi khi con bị bạn bè trêu chọc vì có bố bị tật nguyền.
Chia sẻ về thành tích đáng nể trong công tác của mình tại tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam - FPT, Nguyễn Trọng Đông nói rằng, anh rất biết ơn Hội NKT thành phố đã giới thiệu anh đến công việc hiện tại. Anh cũng đặc biệt cảm thấy ấm lòng với không khí làm việc thân ái, bình đẳng của Tập đoàn FPT tại Đà Nẵng đã cho anh cơ hội để thể hiện mình. “Nếu không được những bàn tay nhân ái rộng mở chào đón, tôi đã không thể có được ngày hôm nay”, anh Đông xúc động nói.
Không muốn là gánh nặng của xã hội
Sinh ra tại Thăng Bình, Quảng Nam, song Đặng Ngọc Hải chọn Đà Nẵng là quê hương thứ hai từ hơn 10 năm nay. Anh cũng là một trong những tấm gương sáng về nghị lực vượt lên số phận của những người sinh ra với một “ngôi sao kém may mắn”.
Trở thành NKT sau cơn sốt bại liệt từ năm 3 tuổi, Ngọc Hải chưa bao giờ buông tay trước những thử thách trong cuộc sống. Với người thường, việc từ bỏ một công việc ổn định để theo đuổi đam mê đã khó, vậy mà Đặng Ngọc Hải đã dám bỏ ngang nghề giáo nhàn nhã tại quê nhà để theo học nghề xử lý ảnh.
Hiện tại, anh không chỉ tự nuôi sống bản thân, đem lại cho vợ con cuộc sống sung túc mà còn tạo việc làm cho 5 nhân viên, trong đó có hai NKT. Cửa hiệu xử lý ảnh Ngọc Hải tại số 59 Phạm Cự Lượng, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà ngày càng khẳng định uy tín trên thương trường.
Câu chuyện của Nguyễn Hải Yến – Người dẫn chương trình tại lễ kỷ niệm 18 năm Ngày chăm sóc và bảo vệ NKT Việt Nam, của Hội NKT quận Hải Châu ngày 14-4 vừa qua cũng khiến nhiều người xúc động, cảm phục. Thoạt nhìn người phụ nữ có gương mặt tươi sáng, đôi mắt biết nói, ánh nhìn đầy tự tin của chị, thật khó để tin Hải Yến là một NKT bẩm sinh.
Cách đây hơn 10 năm, Hải Yến đã đem tấm bằng Đại học Ngoại ngữ loại khá của mình đến hơn 10 công ty, song chỉ có 5 công ty nước ngoài tại Đà Nẵng gọi chị phỏng vấn. Nhưng dù chị có ăn nói lưu loát, thuyết phục như thế nào đi nữa, khi thấy đôi chân đi lại không bình thường của chị, các đơn vị tuyển dụng đều lần lượt từ chối. Đứng trước cơ hội làm việc cuối cùng, chị Yến đã xin nhà tuyển dụng “Hãy cho tôi 1 tuần, chỉ 1 tuần thôi để chứng minh tôi có thể làm được gì!”. Và kết quả, nhà tuyển dụng khó tính đã bị Hải Yến thuyết phục.
Hiện tại, chị Yến không chỉ có chỗ đứng vững chắc tại công ty may mặc nước ngoài tại Đà Nẵng và Quảng Nam, chị còn có một tổ ấm hạnh phúc cùng chồng là một kỹ sư xây dựng khỏe mạnh, thành đạt, cùng cô con gái ngoan ngoãn. “Chúng ta cứ bước đi rồi sẽ tới. Đừng bao giờ bỏ cuộc, đừng bao giờ dừng lại. Nếu người thường nỗ lực một, thì chúng ta phải nỗ lực 2, 3, thậm chí 10, 100… Cánh cửa cuộc đời sẽ không bao giờ khép chừng nào ngọn lửa nghị lực vẫn cháy trong mỗi người. Chỉ có nội lực và ý chí sẽ giúp con người chiến thắng mọi hoàn cảnh, tại ương, mọi đau đớn, rủi ro về thể xác”… Người dẫn chương trình Hải Yến đã nói như thế, trong niềm xúc động rưng rưng của cả khán phòng, ngày giữa tháng 4 vừa qua.
Xin mượn câu kết trong bài phát biểu của một đại diện NKT thành phố để khép lại bài viết này: “NKT không bao giờ muốn mình là gánh nặng của xã hội, càng không bao giờ muốn là đối tượng của hoạt động từ thiện, song chúng tôi cần những cơ hội và những điều kiện thuận lợi từ cộng đồng”. Tin rằng, với những cơ hội và sự động viên từ xã hội, NKT sẽ vươn lên có cuộc sống tốt.
“Vấn đề chủ yếu của những NKT là sự tự ti, mặc cảm, một số tay nghề chưa vững, số thiếu vốn làm ăn… Vì vậy, đời sống phần lớn NKT trên địa bàn thành phố khá khó khăn. Song, đã có những người đã vượt lên chính mình, trở thành những “ngôi sao sáng”, không chỉ đem lại cơ hội cho bạn thân mà còn tạo uy tín, góp phần mở rộng cánh cửa tương lai cho những người cùng cảnh ngộ. Họ thực sự làm nên những “điều kỳ diệu”, trong chính cuộc đời này” (Bà Đặng Hương Giang – Phó Chủ tịch Hội NKT thành phố Đà Nẵng) |
THANH TÂN