.
Chuyện lãng phí

Sử dụng điện, nước: Cần thay đổi hành vi

.

Tiết kiệm điện, nước không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà về lâu dài là cho cả xã hội. Dù gia đình nào cũng biết phương châm “tiết kiệm là quốc sách” nhưng việc thực hiện hành vi tiết kiệm lại chưa thành thói quen.

Học sinh - sinh viên đạp xe tuyên truyền chiến dịch Giờ Trái đất và kêu gọi tiết kiệm điện. (Ảnh do Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cung cấp )
Học sinh - sinh viên đạp xe tuyên truyền chiến dịch Giờ Trái đất và kêu gọi tiết kiệm điện. (Ảnh do Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cung cấp )

Tuyên truyền tiết kiệm điện: mong “mưa dầm thấm lâu”

Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, tình trạng lãng phí điện năng hiện nay tập trung ở 3 khu vực chính, đó là: sản xuất xi-măng, sắt thép; sinh hoạt gia đình; và các cơ quan hành chính sự nghiệp. Trong đó, khu vực sinh hoạt gia đình có mức tiêu thụ điện năng rất lớn.

Nếu như ở 2 khu vực kia đã có chế tài đủ mạnh để hạn chế lượng điện tiêu thụ thì khu vực này chế tài mới chỉ dừng lại ở… tuyên truyền khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm. Việc chưa có chế tài phạt những gia đình sử dụng quá tải khiến người dân nảy sinh tâm lý “dùng bao nhiêu, trả bấy nhiêu sao phải tiết kiệm?”.

Ông Hồ Vũ Kiên, Phó phòng Kinh doanh, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho biết, hộ gia đình là đối tượng rất khó vận động. Dù gia đình nào cũng biết, tiết kiệm điện là tốt nhưng chưa hình thành được thói quen. Hơn nữa, phần lớn, người dân nhầm tưởng tiết kiệm điện đơn thuần là tắt hoặc bỏ bớt những thiết bị điện đang sử dụng, họ chưa thực sự hiểu và biết cách sử dụng điện thế nào để vừa có thể tiết kiệm, mà vẫn đảm bảo đủ và đúng nhu cầu sử dụng năng lượng trong gia đình.

Ông Kiên nêu ví dụ trong một lần ông tham gia vào buổi tuyên truyền tiết kiệm điện ở khu dân cư. Khi tuyên truyền viên nêu một số cách tiết kiệm điện trong gia đình như thay bóng đèn tuýp thành bóng đèn compact hoặc đèn led, thì một bác ngồi cạnh thì thầm: “Bóng đèn trong nhà đang dùng ngon lành tự nhiên thay hết hả? Cái nớ là phí phạm chớ tiết kiệm chi?”. Không chỉ người dân này mà đa số khách hàng sử dụng điện nói chung đều có suy nghĩ “tiết kiệm nghĩa là không dùng” mà không biết đôi khi, chính những thiết bị trong nhà lại là nguyên nhân gây tốn điện năng.

Nhiều năm qua, Điện lực Đà Nẵng phối hợp với nhiều đơn vị như Mặt trận các cấp, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, các trường học… để nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm trong mọi tầng lớp nhân dân.

Thầy Nguyễn Thế Quyết, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Cao Vân, cho biết: “Những năm qua, nhà trường phát động phong trào tiết kiệm điện trong toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh. Đối với cán bộ, giáo viên, họ ý thức được rằng, nếu sử dụng điện tiết kiệm, khoản chi phí tiền điện thấp thì cuối năm anh em sẽ được hưởng khoản tiền dư đó.

Đối với học sinh, giờ chào cờ nào, thầy cũng nhắc nhở phải sử dụng đúng công năng điện, cho đến nay, các em đã hình thành được thói quen, ra khỏi lớp là tắt đèn, tắt quạt. Đặc biệt, từ năm ngoái, nhà trường đã sử dụng đèn led thay thế toàn bộ bóng đèn cũ để tiết kiệm nhiên liệu. Từ việc làm đó, tiền điện cũng giảm nhiều”.

Ông Hồ Vũ Kiên nhận định, muốn tiết kiệm điện phải từ ý thức. Công việc thay đổi ý thức người dân không thể ngày một ngày hai mà phải kiên trì theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” cho đến khi nào người sử dụng điện thấm nhuần mới thôi.

Quý 1 năm 2016, ngành điện lực Đà Nẵng được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao tiết kiệm 1,5% doanh số bán điện (ví dụ bán ra 100kWh điện thì phải tiết kiệm được 1,5kWh); công ty đã thực hiện tiết kiệm được 2,69%. Trong số những hoạt động tuyên truyền của ngành điện lực, có thể nói việc tiết kiệm điện ở sự kiện Giờ Trái đất thu được nhiều kết quả khả quan nhất. Giờ Trái đất diễn ra ngày 19-3-2016, Đà Nẵng tiết kiệm được 26.100kWh tăng gần 3,2% so với Giờ Trái đất năm 2015 (25.300kWh). Cả nước tiết kiệm được 451.000 kWh điện, trị giá 731,544 triệu đồng.

Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là địa phương sử dụng điện nhiều nhất trong số 13 tỉnh miền Trung. Dự đoán tháng 7-2016 là thời gian toàn thành phố sẽ tiêu thụ lượng điện nhiều nhất trong năm với khoảng 8,8 triệu kWh/ngày, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều người vẫn có suy nghĩ tắt đi một bóng đèn, một tấm biển quảng cáo hay chiếc quạt cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu. Tuy nhiên, theo các tính toán, chỉ cần tắt một bóng đèn, rút các thiết bị điện khi không sử dụng, hay dùng các thiết bị trong gia đình đúng cách có thể tiết kiệm điện từ 10-15% hằng tháng.

Tiết kiệm điện giúp giảm chi tiêu hàng tháng và được coi là một giải pháp đem lại hiệu quả cao, nhất là trong hoàn cảnh nguồn cung còn thiếu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 1kWh điện tiết kiệm khác với 1kWh sản xuất ở chỗ nó không gây ô nhiễm môi trường, giảm tổn hao do truyền tải và phân phối điện.

Năng lượng là sản phẩm ngày càng khan hiếm và chi phí càng đắt đỏ. Nếu bạn tắt đi một bóng đèn, ở những nơi chưa có điện sẽ được thắp sáng, tương lai sẽ mở ra với nhiều người. “Tắt khi không sử dụng” vẫn đang là một chiến dịch đánh vào ý thức tiết kiệm điện của nhiều người, mong cả xã hội chung tay vì một cuộc sống tươi đẹp hơn (khẩu hiệu tuyên truyền của chương trình Vì một tương lai xanh).

Tắt các thiết bị điện khi không có nhu cầu là hành vi tiết kiệm điện. Ảnh: Q.T
Tắt các thiết bị điện khi không có nhu cầu là hành vi tiết kiệm điện. Ảnh: Q.T

Nước là vô giá nhưng không vô tận

Bên cạnh điện, thì nước đang là vấn đề sống còn của nhiều địa phương trước tình hình hạn hán đang diễn ra. Ở Đà Nẵng, từ cuối năm 2014, khi sông Cầu Đỏ có dấu hiệu bị nhiễm mặn kéo dài, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã phát thông báo sẽ tăng/giảm áp lực nước ở một số khu vực trên địa bàn thành phố và mong quý khách hàng thông cảm, sử dụng nước tiết kiệm. Thời điểm đó, Dawaco không thể lấy nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ mà phải lấy nước phía trước đập An Trạch. Ngay tại An Trạch, mức nước cũng rất thấp, lượng nước cấp cho toàn thành phố bị suy giảm.

Như vậy, việc bị cúp nước sinh hoạt vài ngày do thiếu nước là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng ta thường xuyên thấy những bảng tin của Dawaco trên truyền hình như: “Thời gian này, nhu cầu sử dụng nước của thành phố tăng cao. Dawaco đang hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, mong quý khách hàng sử dụng nước tiết kiệm, chủ động có các biện pháp dự trữ nước cho sinh hoạt gia đình”. Như vậy, cũng giống như ngành điện, biện pháp của công ty cấp nước cũng chủ yếu “đánh” vào ý thức người dân.

Có lẽ, giá thành nước thấp là một trong những lý do người ta chưa quan tâm đến vấn đề tiết kiệm nước. Thử nhẩm tính, một hộ gia đình có bốn người, sử dụng nước trong định mức (4m3/người/tháng) theo giá hiện hành thì khoản tiền chi trả là 84.000 đồng. So với chi phí điện, gas… thì chi phí trả tiền nước là quá rẻ.

Hơn nữa, giá nước còn được áp dụng ở nhiều cấp độ như hộ gia đình thông thường, hộ nghèo, đơn vị kinh doanh sản xuất… Mức chi trả cho tiền nước bình quân đối với một hộ chỉ chiếm khoảng 0,7% thu nhập bình quân đầu người. Mức chi trả tiền nước của hộ nghèo cũng chưa đến 2% thu nhập.

Tương tự như việc sử dụng điện, việc tiết kiệm nước chỉ thực hiện được khi ta thay đổi hành vi. Rửa rau 2 lần nước thay vì 3 lần không phải là tiết kiệm. Tiết kiệm phải hiệu quả và phù hợp nhất tùy theo điều kiện và hoàn cảnh. Ví dụ nhỏ, trong lúc đánh răng không nên để nước tiếp tục chảy. Một ngày nếu một người làm những việc này vài ba lần, số nước lãng phí có thể lên đến cả chục lít. Với máy giặt, việc giặt một mẻ đầy quần áo trong một lần giặt thay vì vài ba bộ cho một lần “bấm nút”, bạn cũng sẽ tiết kiệm cả chục ngàn lít nước/năm.

Theo ông Bùi Thọ Ninh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án cấp nước (Dawaco), trong bất cứ công văn, thông báo nào của Dawaco gửi đến khách hàng đều kèm theo nhấn mạnh mong muốn khách hàng sử dụng nước tiết kiệm. Tuy nhiên, chi phí cho việc tuyên truyền còn hạn chế do thiếu kinh phí.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.