.

Đi mãi thì thành đường

.

Nhà văn Lỗ Tấn (1881 – 1936) viết ở đoạn cuối truyện ngắn Cố hương: “Kỳ thực trên đời này làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường đấy thôi”. Không bàn đến ẩn ý, chỉ nói đến nghĩa hiển minh, thì câu văn đầy triết lý này xem ra không phù hợp với đô thị hiện đại ngày nay: Chỉ khi mở đường mới có đường mà đi.

Hạ tầng giao thông đối ngoại liên tục được Trung ương đầu tư xây dựng mới tại Đà Nẵng.  TRONG ẢNH: Cầu vượt ngã ba Huế. Ảnh: V.T.L
Hạ tầng giao thông đối ngoại liên tục được Trung ương đầu tư xây dựng mới tại Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Cầu vượt ngã ba Huế. Ảnh: V.T.L

Nếu đường nông thôn có khi đúng như Lỗ Tấn viết, đi mãi thì thành đường, thì ở phố, muốn khai sinh một con đường phải trải qua nhiều giai đoạn, từ khảo sát, đo đạc, cho đến quy hoạch, giải tỏa rồi mới tiến hành thi công.

Đầu năm 2016, Đà Nẵng có 2.023 đường phố được đặt tên, vượt gần 22,5 lần so với 90 đường phố có tên hồi năm 1997. Nếu tính cả những đường phố chưa có tên và đường giao thông nông thôn thì tổng chiều dài đường bộ ở Đà Nẵng là một con số “khủng”.

Theo thống kê của Sở GTVT Đà Nẵng, chiều dài mạng lưới đường bộ toàn thành phố hiện gần 1.233km (quốc lộ gần 120km; tỉnh lộ trên 75km; đường đô thị trên 927km; đường liên xã 65km; đường xã, thôn 46km). Đường đô thị hầu hết là đường bê-tông nhựa, được xây dựng đồng bộ với hệ thống thoát nước, vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh…

Những con đường mới khang trang, những cây cầu mới hiện đại lần lượt được đầu tư xây dựng đã góp sức “tăng tốc” cho sự phát triển của thành phố. Không gian đô thị mở rộng về các hướng Đông Nam, Nam, Tây Nam, Tây Bắc thành phố, đáp ứng nhu cầu đi lại và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho người dân Đà Nẵng, đặc biệt là dân cư bờ Đông sông Hàn, vùng rốn lũ Hòa Xuân...

Cùng với việc đầu tư phát triển các tuyến đường đô thị, hệ thống đường sá và kiệt hẻm nông thôn cũng được quan tâm, 11/11 xã ở huyện Hòa Vang đã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí giao thông.

Có thể nói, Đà Nẵng có mạng lưới giao thông phát triển hiệu quả và tiết kiệm nhất, góp phần chỉnh trang, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, mở rộng không gian đô thị và làm thay đổi căn bản diện mạo thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, là trung tâm kinh tế biển và là thành phố môi trường.

Bên cạnh đó, thời gian qua, hạ tầng giao thông đối ngoại cũng liên tục được cơ quan Trung ương đầu tư mở rộng nâng cấp và xây dựng mới tại Đà Nẵng như quốc lộ 1A, hầm đường bộ Hải Vân, đường tránh Nam hầm Hải Vân, quốc lộ 14B, cầu Tiên Sơn, nút giao thông khác mức Hòa Cầm, cầu vượt ngã ba Huế…

Với chủ trương không để mạng lưới giao thông bị chia cắt vì địa giới hành chính, ông Lê Thành Hưng, Chánh văn phòng Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, Sở đã xây dựng Đề án liên kết phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông vận tải giữa Đà Nẵng và các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình đầu mối giao thông tạo sự liên kết giao thông vận tải thành phố với giao thông vận tải quốc gia. Sở phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ GTVT để nghiên cứu đầu tư, triển khai thi công hoàn thành các công trình Trung ương trên địa bàn thành phố như: đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường cao tốc La Sơn – Túy Loan, quốc lộ 14B (giai đoạn 2), quốc lộ 14G, quốc lộ 14D (hành lang kinh tế Đông Tây 2)…

Ngoài đường bộ, các mạng lưới đường hàng không, đường sắt, đường thủy cũng sẽ được quy hoạch theo hướng hài hòa trong tổng thể bức tranh giao thông ở Đà Nẵng. Hạ tầng giao thông của đường thủy, đường sắt, đường hàng không trên địa bàn thành phố cũng liên tục được đầu tư mở rộng nâng cấp như: Cải tạo, nâng cấp cảng Tiên Sa (xây dựng đê chắn sóng, nối dài cầu 3, mở rộng bãi Bắc Tiên Sa, đầu tư nâng cấp cầu 1 - 3 Sông Hàn, xây bến thủy đội, mở rộng kho chứa hàng); nâng cấp, cải tạo Nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng đạt công suất phục vụ 6 triệu hành khách/năm...

Cùng với đó, lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, Sở đã tham mưu UBND thành phố phối hợp với các cơ quan Trung ương đầu tư xây dựng các công trình nâng cấp mở rộng Sân bay quốc tế Đà Nẵng, di dời ga đường sắt Đà Nẵng, nâng cấp cảng Tiên Sa giai đoạn 2, nghiên cứu xây dựng cảng Liên Chiểu. Nhờ đó, năng lực vận chuyển, bốc xếp của các đơn vị trong thành phố đã nâng lên một tầm mới, không những đảm nhận nhiệm vụ vận tải hàng hóa, hành khách cho thành phố mà hỗ trợ cho nhiều địa phương khác trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Riêng về đường thủy nội địa, theo “Quy hoạch giao thông vận tải Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được UBND thành phố phê duyệt, sẽ quy hoạch một số vị trí bến thuyền phục vụ vận chuyển hàng hóa, phục vụ khách có nhu cầu tham quan, du lịch tại các khu du lịch trên địa bàn thành phố.   

Nhà văn Lỗ Tấn (1881 – 1936) viết ở đoạn cuối truyện ngắn Cố hương: “Kỳ thực trên đời này làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường đấy thôi”. Không bàn đến ẩn ý, chỉ nói đến nghĩa hiển minh, thì câu văn đầy triết lý này xem ra không phù hợp với đô thị hiện đại ngày nay: Chỉ khi mở đường mới có đường mà đi. Các dự án “mở mãi thì thành đường” lần lượt ra đời đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông ở Đà Nẵng, bảo đảm tiêu chí đô thị loại 1 cấp quốc gia, nâng cao năng lực, tính liên thông của hệ thống giao thông thành phố và kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông quốc gia, tăng cường liên kết vùng.

Và như thế, câu ca xưa “Đi bộ thì khiếp Hải Vân/ Đi thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi”, đối với người Đà Nẵng, chỉ còn là một hoài niệm.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.