.

Ký ức mở đường

.

Nhắc đến chuyện mở đường ở Đà Nẵng, nhiều người nhớ lại hình ảnh: giữa trung tâm thành phố mà nhiều nơi bùn lầy, nước đọng, nên đến khi nói chuyện mở đường, ai cũng biết cuộc sống sẽ bị xáo trộn nhưng người dân đồng thuận vì ai cũng mong muốn thành phố phát triển, bắt nhịp với những đô thị hiện đại khác.

Đường ĐT 602 đi qua địa bàn xã Hòa Sơn. 	Ảnh: H.N
Đường ĐT 602 đi qua địa bàn xã Hòa Sơn. Ảnh: H.N

Ghi dấu ấn ở đường 2 Tháng 9

“Đó là giai đoạn năm 1993, đường Núi Thành quá chật, không đủ sức “gánh” dòng người mỗi ngày đi về vùng phía nam thành phố, lúc đó còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng anh Nguyễn Đăng Lâm, Phó Chủ tịch tỉnh đề xuất mở một con đường mới đi qua cánh đồng rau muống rộng bạt ngàn, dài 1.780 mét, sau này đặt tên là đường 2 Tháng 9”, ông Nguyễn Văn Soong, người rời khỏi những công trình giao thông mười năm có lẻ, nhớ như in những khó khăn và cả nước mắt hạnh phúc khi làm con đường “khó không thể tả này”.

Ông Soong khăn gói sang Nhật mua thiết bị, xe máy chuyên dụng để về mở đường. Tiền không có nhiều, chỉ có thể mua các loại máy đã qua sử dụng.

Ông bước vào “nghề” giao thông năm 17 tuổi, năm 1964, hồi đi thanh niên xung phong làm đường Trường Sơn. 30 năm mở đường, chưa có công trình nào gặp phải nền địa chất “khó nhằn” như làm đường qua khu đầm lầy này. Kỹ sư, công nhân Công ty Cầu đường 2 Quảng Nam-Đà Nẵng do ông Soong làm giám đốc tổ chức mỗi ngày 3 ca sản xuất, vừa làm, vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm.

Hầu hết thời gian trong ngày ông ở hiện trường với anh em, ngủ nghỉ luôn trên xe. “Cả một khu vực trải dài hàng cây số là ruộng rau muống và bãi nước thải của thành phố, nên muốn làm đường phải xúc hết lớp bùn bề mặt, đào sâu xuống cỡ 6-7 mét đất, múc sạch rồi đổ cát, đổ đất xuống lu chặn lên.

Gặp những chỗ khó xử lý, khi đổ cát xuống nền vẫn bị thấm thì chúng tôi phải múc cát lên, nạo sạch lại từ đầu”, ông Soong kể lại quá trình xử lý nền đường. Sau này, nhiều vật liệu công trình được nghiên cứu, sản xuất, nếu gặp đường có bùn lầy sẽ dùng bấc thấm và vải địa kỹ thuật, công sức xử lý sẽ đỡ hơn cách làm thủ công như đường 2 Tháng 9 rất nhiều.

Vất vả thi công trong 2 năm, bù lại, công trình đường 2 Tháng 9 đến nay vẫn là niềm tự hào của những người từng thi công con đường. Nhờ được xử lý nền triệt để nên đường không bị nứt, lún trong suốt hơn 20 năm tồn tại. Công ty sau đó được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Thuận lòng dân mới có đường

Để có những con đường khang trang, sạch đẹp như hiện nay, nhiều người ví Đà Nẵng đã làm một cuộc “cách mạng”, thay áo mới triệt để. Những người trong cuộc cũng ghi nhận điều đó và nhắc đến những ngày chưa xa ấy mà nhớ từng con người, từng nếp nhà. Và giữa những con đường tấp nập người, xe, những chiếc cầu hùng vĩ, lòng người thấy nao nao bởi ở nơi nào cũng gợi nhớ đến cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh.

Có mặt bằng, có vốn, kỹ sư và công nhân làm tốt phần thi công. Nhưng để có được phần mặt bằng ấy, bao con người từ lãnh đạo thành phố đến tổ trưởng dân phố, trưởng thôn đến từng nhà, nói chuyện với từng người để thuyết phục họ dỡ nguyên ngôi nhà đã gắn bó bao năm, cho con đường sẽ đi qua. Bà Bùi Diệu Thanh, nguyên Chủ tịch UBND quận Thanh Khê nói vui: “7 năm làm ở đó (1997-2004) là 7 năm chị chuyên đi vận động bà con để mở đường. Đó là nhiệm kỳ gian khó và ấn tượng nhất”.

Đường ở quận Thanh Khê hồi đó chủ yếu là đường đất, nhưng là cửa ngõ đi vào trung tâm thành phố. Quận Thanh Khê cũng là nơi bắt đầu chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong vấn đề mở đường, bà con chỉ được đền bù kiến trúc nhà, không được đền bù đất cũng như tường rào, cổng ngõ, nên thành phố chưa có tiền lệ để học hỏi.

Có chủ trương mở đường nào là bắt đầu những ngày bà Diệu Thanh đi về các phường nói về chủ trương đầu tư, nói về chính sách. Và bắt đầu những đêm bà đứng chực chờ trước từng nhà để gặp những hộ dân chưa đồng ý giải tỏa, thuyết phục bà con hiểu.

Khu vực đường Nguyễn Văn Linh (trước là đường Đông Tây) mở ra được, bà con sống ở khu vực bàu Thạc Gián, Vĩnh Trung phải di dời. Rồi để có đường Lê Đình Lý, Hàm Nghi mở ra, ông Nguyễn Bá Thanh lúc đó bắt đầu xuống từng nhà dân vận động, lắng nghe tâm tư của bà con, tháo gỡ trực tiếp khó khăn giúp bà con.

Để có được con đường Nguyễn Tri Phương, Trần Cao Vân như hiện nay, ông Nguyễn Bá Thanh, bà Diệu Thanh, không biết bao lần đứng chờ để vào được những ngôi nhà không chấp nhận giải tỏa. Những lời nói thấm lòng, thấu tình đạt lý, cái sự biết lắng nghe dân của lãnh đạo hồi đó chính là kinh nghiệm để nhiều tuyến đường mới được mở, để đời sống bà con từng bước đi lên; là sự hy sinh lợi ích của một số gia đình để cả cộng đồng cùng được hưởng lợi.

Bà Diệu Thanh cho rằng, chính sự “khó khăn” của bà con giúp mình hiểu bà con hơn, được đi sâu đi sát vào từng nếp nhà, và có chính sách đúng cho cả quá trình làm việc.

Ở 1 dự án khác, dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT602, dấu ấn của ông Nguyễn Bá Thanh in đậm trong tâm trí, tình cảm bà con các xã Hòa Sơn, Hòa Ninh của huyện Hòa Vang. “Khi có chủ trương nâng cấp, mở rộng đường, có trên 50% hộ dân không đồng tình. Bà con muốn được đền bù, có thêm được đồng nào hay đồng đó.

Khi anh Thanh về đây nói chuyện với bà con, ông đến từng nhà dân lắng nghe ý nguyện của bà con và lưu ý đến những gia đình chưa có sổ đỏ, nhà đông con không được đền bù thì phải hỗ trợ thế nào cho hợp lý, nhờ đó mà khoảng 250 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp đã đồng tình nhường đất cho công trình”, ông Lê Văn Lượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Sơn kể.

Sau buổi nói chuyện của ông Nguyễn Bá Thanh, ông Lượng thấy “việc” vận động bà con bàn giao mặt bằng để mở rộng gấp đôi con đường ĐT602 này thuận lợi hơn. Ông vốn là dân Hòa Sơn, hiểu đời sống bà con, hiểu hoàn cảnh từng gia đình nên đến từng nhà, gặp từng người, ông nói chuyện chân tình, ai thực sự gặp khó, ông đề nghị ban giải tỏa đền bù thêm một ít cho bà con, để giải quyết khó khăn trước mắt của họ. Nhờ đó mà từ khi khởi công đến ngày thông đường với chiều dài đi qua Hòa Sơn hơn 4km, đường ĐT602 chỉ mất 52 ngày để bàn giao mặt bằng.

Người dân Đà Nẵng hiểu cần có một hạ tầng khang trang, mong muốn một sự thay đổi, nên dù có khó khăn, họ luôn sẵn sàng để những con đường nên vóc nên hình. Tất cả đều nhờ vào chính sách đúng của lãnh đạo thành phố và sự đồng thuận của người dân.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.