Một trong các vấn đề “nóng” tại Hội trường Diên Hồng của Quốc hội những ngày qua là vòng tròn “chạy chức - chạy quyền - tham nhũng”. Nhiều đại biểu cho rằng câu chuyện chạy chức, chạy quyền, và sau khi chạy được chức quyền thì tham nhũng “cho… lại vốn” cứ râm ran hết khóa này đến khóa kia, cử tri bức xúc và thường xuyên kiến nghị Chính phủ ngăn chặn đẩy lùi nhưng mọi biện pháp vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.
Các phương tiện truyền thông nêu ra những con số thất thoát khủng, những vụ án tham nhũng lớn đến con số hàng chục ngàn USD khiến người nghe chỉ muốn lướt qua chứ không thể nhẩm tính sang tiền Việt. Đáng xấu hổ hơn, nhiều vụ tham nhũng bị phanh phui do phía đối tác nước ngoài cung cấp thông tin. Thế nhưng, kỳ lạ là đến cuối năm cả nước lại tập hợp những bảng tổng kết đẹp, thành phố A không phát hiện cán bộ nào tham nhũng, thành phố B không phát hiện trường hợp tham nhũng nào…
Đất nước còn nghèo nhưng lại lắm kỷ lục… giật mình. Chẳng hạn, giá làm đường cao tốc, cơ sở hạ tầng của của Việt Nam luôn cao gấp 4 lần Mỹ nhưng chất lượng lại thấp hơn. (Dự án đầu tư đường cao tốc Bến Lức-Long Thành (Long An - TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai) được thừa nhận là “kỷ lục mới” ở thế giới về giá thành làm đường cao tốc. Theo đó, làm 1km đường ngốn khoảng 554 tỷ đồng).
Và có lẽ, cũng chỉ ở Việt Nam mới có chuyện từ tháng 8-2014 đến tháng 8-2015, đất nước có đến 7 cây cầu chưa khai sinh đã... khai tử (cầu tại ấp Phú Thuận A, xã Nhơn Phú (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đang trong giai đoạn thi công hoàn thiện thì sập, cầu Vĩnh Bình ở Long An chỉ trụ được 12 ngày sau khánh thành...).
Người dân không thể đếm được bao nhiêu tiền trong một vụ án tham nhũng, bao nhiêu vụ tham nhũng lớn lẫn nhỏ đang diễn ra trên đất nước mình mỗi ngày. Người dân chỉ thấy rõ rằng, công trình sau đội giá công trình trước nhưng khi có hậu quả xảy ra, mọi việc đều được giải thích bằng lý do khách quan chứ chưa từng có một quan chức nào đứng ra nhận trách nhiệm hay tỏ thái độ xót xa vì những điều mình gây ra cho dân, cho nước…
Cứ như vậy, quyền lực và số tiền họ có được cứ tỷ lệ nghịch từng ngày so với tài năng, trí tuệ và sự cống hiến của họ dành cho đất nước. Cứ như vậy, lòng tham của họ cứ tỷ lệ nghịch từng giờ với lòng tự trọng, sự xấu hổ và trách nhiệm với đất nước. Một tay, họ trưng ra bảng kê khai thu nhập cá nhân khiêm tốn, tay còn lại họ bòn rút đất nước, bòn rút lòng tin, niềm hy vọng của nhân dân vào lực lượng “đầy tớ của dân”.
Trên các trang báo mạng mỗi ngày vẫn có hàng loạt tin, bài về những cô người mẫu, diễn viên, hoa hậu… mặc chiếc váy hàng trăm triệu, sử dụng chiếc túi hàng tỷ đồng cùng với vô số siêu xe, siêu du thuyền đi chu du khắp chốn. Những tài sản này được các cô chủ động khoe trên mạng xã hội, thậm chí có người còn mời cả phóng viên về nhà để làm phóng sự ảnh về những chiếc giường mạ vàng, đính kim cương… Có nhiều ý kiến quanh hiện tượng này, nhưng có lẽ, họ không làm giàu bất chính từ quyền lực hay chức vị nên không làm người ta phẫn nộ?!
Người dân chỉ phẫn nộ khi đến cuối năm 2015, cả nước chỉ có 18 trường hợp trong tổng số khoảng 5,5 triệu lượt người kê khai tài sản suốt 8 năm qua bị kỷ luật do kê khai tài sản không trung thực; và 2 thành phố lớn nhất nước không phát hiện trường hợp tham nhũng nào…
Cuối tháng 10-2015, tại cuộc họp báo về kết quả công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng, ông Ngô Mạnh Hùng, Cục phó Cục Phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ phát biểu: “Mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2020, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng”. Thế nhưng, nếu nhìn vào thực tế hiện nay, thì chống tham nhũng vẫn chưa nhón được những bước chân mạnh mẽ. Người dân vẫn tiếp tục mong mỏi và kỳ vọng những cuộc “tổng tiến công” vào tham nhũng.
NHẬT XUÂN