.
Nghĩ

Lỗi có ở quảng cáo?

.

Xem lại một lèo… hàng chục quảng cáo mì ăn liền, cháo ăn liền được phát tưng bừng trên truyền hình, dễ nhận ra một điểm chung trong các đoạn quảng cáo này là đều dùng trẻ em làm nhân vật chính. Những đứa trẻ phúng phính, đáng yêu hì hụp tô mì gói ngon lành, ngon đến mức… nước dãi chảy ròng ròng.

Bé lớn nhanh, khỏe mạnh, chiến thắng trong tất cả các cuộc tranh tài nhờ nguồn “dinh dưỡng, vitamin và canxi” dồi dào từ mì, cháo gói. Đặc biệt hơn, người khuyến khích các con cố ăn nhiều món này là các nhân vật ông bố, bà mẹ.

Càng yêu con, bố mẹ càng nên cho con… ăn mì, cháo gói. Ngon như chính tay mẹ nấu thủ công, lại tuyệt đối bảo đảm an toàn khi không có phẩm màu, chất bảo quản, chất tạo ngọt và tất cả đều qua công nghệ xử lý theo chuẩn châu Âu, Nhật Bản!

Mỗi ngày, mỗi giờ bật ti-vi lên xem, khán giả lại bị dội vào mắt, vào tai bao nhiêu cảnh tưng bừng của các gia đình hớn hở bên… tô mì gói. Chẳng trách “bảng xếp hạng” mức độ tiêu thụ mì gói của người Việt cứ tăng bậc liên tục và đến nay đã ở vị trí nhất, nhì thế giới.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc vào cuối năm 2015, Việt Nam là nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Hàn Quốc. Bao nhiêu công bố khoa học “vạch trần” giá trị dinh dưỡng thực sự của mì gói và khẳng định càng ăn mì càng bệnh tật chứ không phải tăng cường sức khỏe.

Ví như, một gói mì có thể chứa từ 1.000 mg đến 2.000 mg muối, nhiều hơn 4 lần so với lượng muối Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị cơ thể cần mỗi ngày, làm tăng nguy cơ huyết áp cao và đột qụy… Nhưng đây chỉ là những lời khuyến cáo lạc lõng “chọi” với sức mạnh của truyền thông.

Mà đâu chỉ riêng mì gói, các loại kẹo, nước ngọt, nước uống có gaz cũng “tung hỏa mù” đưa người tiêu dùng “lạc” vào thế giới của dinh dưỡng.

Một chất cấm nào đó bị phát hiện có trong thực phẩm lập tức cả xã hội dậy sóng. Măng nhuộm phẩm màu độc hại là một ví dụ. Bà bán măng, người ăn măng, nhà quản lý măng,… lo ngay ngáy xử lý chuyện măng nhiễm độc.

Trong khi đó, bao nhiêu thực phẩm chứa chất độc hại khiến cơ thể dễ bị tim mạch, huyết áp cao, mỡ trong máu, loãng xương như thức ăn nhanh, ăn liền, đồ uống có gaz thì lại được cổ xúy nhan nhản. Không chỉ được quảng cáo với thời lượng lớn, những sản phẩm này còn được thổi phồng giá trị, gây ngộ nhận cho người tiêu dùng nhưng vẫn không bị cơ quan nào kiểm soát.

Tô mì giá đến tay người tiêu dùng chỉ có 3.000 đồng nhưng lại có đến… mấy con tôm tươi nhảy tanh tách “đậu” trong từng sợi mì và cái đùi gà bự chảng chình ình trên mớ nước sốt nóng hổi. Rẻ gì đâu mà rẻ, cớ gì không ăn ngay! Một số quảng cáo có ghi dòng chữ đại loại “hình ảnh này chỉ mang tính minh họa”, thế nhưng những câu chữ lại quá mờ nhạt so với cái đùi gà và con tôm tươi rói trên kia.

Theo quy định của Luật Báo chí, Luật Quảng cáo thì người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về nội dung, hình thức, vị trí, thời lượng, diện tích quảng cáo trên phương tiện của mình; sản phẩm trước khi quảng cáo trên báo chí phải có đầy đủ giấy chứng nhận tiêu chuẩn của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; doanh nghiệp cung cấp sản phẩm quảng cáo phải chịu trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm của mình; cơ quan báo chí trước khi cho đăng, phát sản phẩm quảng cáo phải kiểm tra, xác minh các giấy chứng nhận, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm quảng cáo, bảo đảm sản phẩm quảng cáo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Về mặt pháp lý, các cơ quan truyền thông tuân thủ quy định khi phổ biến, phát sóng các đoạn quảng cáo này. Song, bên cạnh những cái “rất đúng” về luật, thiết nghĩ, cần xét một khía cạnh khác, đó là trách nhiệm xã hội của cơ quan truyền thông và các cơ quan quản lý Nhà nước về thực phẩm nói chung.

Nếu quảng cáo thuốc lá được quản lý nghiêm ngặt, trên bao bì bắt buộc có những hình ảnh cảnh báo về hậu quả khi sử dụng; thì thực phẩm - thứ còn thiết yếu hơn cả thuốc lá đối với số đông con người, nên chăng càng cần có khung quản lý riêng về mặt quảng cáo để người tiêu dùng không bị “lóa” mắt và rước bệnh vào thân mà cứ ngỡ đang “đầu tư” cho sức khỏe.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.