Đà Nẵng cuối tuần

Nghĩ

Quên lửa giữa rừng!

07:36, 24/04/2016 (GMT+7)

Cứ bước vào mùa nắng nóng lại nghe liên tiếp thông tin cháy rừng. Mỗi trận cháy đâu có nhỏ. Kiểu gì cũng phải huy động vài chục đến vài trăm người dập lửa. Chiến sĩ chữa cháy không đủ nên phải gom luôn cả bộ đội, nhân dân cùng xông ra “chống giặc”.

Từng đó con người, thiết bị, nước nôi, quần thảo có khi cả ngày đêm mới hết lửa. Một luống cây non phải lâu thật lâu mới mọc thành rừng, nhưng sau vài giờ đồng hồ chìm trong lửa thì rừng “đi” cả vạt, tính theo đơn vị ha. Đứt cả ruột.

Thôi thì “rừng cháy do biến đổi khí hậu”, “cháy rừng do người dân đốt nương làm rẫy vô ý gây nên”. Đủ các lý do, cơ bản cũng tại trời và tại chung chung những ai đó. Kẻ gây ra cháy rừng thì mơ mơ, hồ hồ, việc đền bù hậu quả-nếu có, cũng chẳng thấm vào đâu so với mất mát không thể đong đếm của rừng. Chỉ những người không gây ra vụ cháy ấy mới khổ vì phải đi chống giặc lửa, và chịu thêm áp lực trước trách nhiệm bảo vệ rừng.

Cách đây vài hôm lên đỉnh Sơn Trà, tôi mới tận mắt thấy kẻ gây nên cháy rừng không phải lúc nào cũng mơ hồ, ngược lại, họ là ai, họ đến từ đâu được “lưu danh” rất rõ. Vừa đặt chân lên đỉnh Sơn Trà, “vật thể” phơi bày ngay trước mắt chúng tôi là những tấm băng-rôn giăng ngang, giăng dọc và một bếp than đang bốc khói của một nhóm thanh niên vừa “rút quân” sau buổi cắm trại.

Những người dẫn đoàn lập tức chạy đến đổ nước dập lửa than và thu dọn băng-rôn những miếng “mồi lửa” bằng ni-lông có thể góp phần làm rừng cháy to hơn. Vừa dọn, những nhân viên làm công việc coi ngó rừng vừa lẩm nhẩm trách thanh niên cắm trại sao mà vô ý quá. Khô nóng thế này, một lò than đặt giữa rừng thì thiệt là nguy. Nói thì nói vậy, nhưng thâm tâm họ vẫn thấy... may, bởi dẫu sao cũng thấy kịp thời cái để dọn. Tưởng tượng đến chuyện vài cọng cỏ quanh lò than bén cháy, không ai dám hình dung tiếp hậu quả sẽ đi đến đâu…

Nhìn các anh nơm nớp cảnh rừng bị đối xử tệ bạc, lại nghĩ: Sao các anh hiền quá vậy. Người ta đâu có mang lửa lên rừng một cách giấm giúi. Họ đi rầm rộ và phô trương thông tin chuyến vui chơi đầy màu mè trên băng-rôn.

Vậy ít ra cũng lần theo những con chữ đó để liên lạc với những “thanh niên ưu tú” bỏ “quên” lửa lại rừng mà răn đe cho một trận nhớ đời. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đâu có thiếu các điều, khoản xử lý những hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy rừng. Một lần bị điểm mặt, chỉ tên, biết đâu mai mốt trở lại rừng cắm trại, khi ra về họ sẽ ghi nhớ dập lửa và dọn bớt... một nửa so với lần này? Hoặc tốt hơn là thôi không cho tái diễn cảnh chỗ nào mát là ta châm lửa đốt lên làm chốn vui chơi, hóng gió.

Mà đâu chỉ có lửa than, men theo các con đường chính dẫn lên núi Sơn Trà hoặc ở các điểm dừng chân rải rác khu vực này hầu như không hề thiếu... tàn thuốc lá. Những người làm công việc bảo vệ rừng cho hay, không ít tàn thuốc vứt vương vãi với chút lửa còn sót lại. Đôi khi rừng bị cháy oan từ những đóm lửa nhỏ như vậy.

Theo thông tin từ Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, trên 90% nguyên nhân cháy rừng là do con người. Trong đó, cháy dưới tán-cháy lan trên lớp thảm mục, mùn, cỏ khô, thảm tươi, cây bụi, cây tái sinh, cháy xém vỏ và một phần dưới gốc cây chiếm đến 97%.

Để những chuyến đi dã ngoại không đọng lại nguy cơ cháy rừng, Kiểm lâm và Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy khuyến cáo: Khi đi dã ngoại hoặc cắm trại, đừng vứt tàn thuốc bừa bãi có thể bén lửa vào lá khô gây cháy rừng. Trước khi nấu ăn hoặc đốt lửa trại, hãy phát quang các cỏ khô, quét sạch lá rụng, làm thành những đường cản lửa rộng khoảng vài mét để phòng ngừa lửa cháy lan. Dập tắt các bếp ăn, lửa trại, chôn vùi tất cả than củi còn lại. Xem kỹ không còn một làn khói nào bốc lên trước khi rời rừng.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, còn “đốt của rừng” thì không thể chỉ “rưng rưng”...

CHÍCH BÔNG

.