Từ hình tượng của nhân vật trên sân khấu, người nghệ sĩ sáng tạo nên mặt nạ cho từng nhân vật của các vở tuồng. Mặt nạ được xem như tuyệt tác của nghệ thuật hát bội.
Anh Nguyễn Ngọc Linh bên góc nhỏ làm mặt nạ của mình. Ảnh: Q.T |
Vận lấy mê say
Từ nhỏ, Nguyễn Ngọc Linh đã được tắm mình trong môi trường nghệ thuật tuồng, lớn lên giữa ánh đèn sân khấu và những hình tượng nhân vật được thể hiện qua ông bà nội là nghệ sĩ Nguyễn Vĩnh Trung, NSND Ngô Thị Liễu, bác là NSƯT Vĩnh Phô và cha - NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế, một trong những cây đại thụ của nghệ thuật tuồng Việt Nam hiện còn sống.
Tuổi thơ của anh là những chuỗi ngày rong ruổi theo đoàn tuồng của gia đình. Lớn lên chút nữa, khi cha anh bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu về mặt nạ tuồng, anh đã phụ cha vẽ mặt nạ. Mới mười mấy tuổi đầu nhưng anh sớm bộc lộc năng khiếu mỹ thuật, sự am hiểu về các đường nét trên mặt nạ.
Công trình mặt nạ tuồng do ông nội để lại, cha anh kế thừa và phát triển. Đến đời anh Linh thì bộ công trình tương đối đầy đủ. Với mỗi mặt nạ anh chỉ cân đo đong đếm lại màu sắc và chi tiết để đẩy tính cách nhân vật lên tầm cao mới.
Không học hành bài bản nhưng anh Linh được xem là người duy nhất ở Đà Nẵng hiện nay thể hiện được cái hồn của mặt nạ tuồng. Để làm được điều đó, theo anh là do “tuồng đã nhiễm vào máu”. “Cái khó thể hiện nhất trên mặt nạ là “điểm nhãn” - đây cũng là nét được vẽ sau cùng. Chỉ cần một nét chấm phá, tính cách, tâm tư tình cảm của nhân vật sẽ thay đổi. Do đó, muốn thể hiện ra chất của nhân vật, không gì khác là phải hiểu sâu nhân vật và vở diễn”, anh Linh bộc bạch.
Có thời gian dài phụ trách về âm thanh, ánh sáng cho Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nên Nguyễn Ngọc Linh thuộc làu lời thoại của diễn viên. Anh bảo, nếu mỗi diễn viên chỉ thuộc lời thoại vai diễn của mình thì nhân viên âm thanh phải thuộc lời thoại của cả vở diễn để kịp thời tắt/bật micro cho diễn viên. Có khi diễn viên quên lời thoại, mình ở sau cánh gà cũng nhắc bài luôn. Có lẽ vì vậy mới sinh ra cụm từ “nhắc tuồng”. Dù là “tay ngang” nhưng mỗi lúc nhà hát thiếu diễn viên, anh cũng xung phong vào đóng thế. “Tôi rất tự tin bởi hầu như đã nằm lòng các nhân vật” - anh Linh tự hào.
Theo đuổi việc vẽ mặt nạ từ lâu nhưng anh Linh cho biết, để vẽ ra một chiếc mặt nạ không dễ dàng: “Phải có cảm hứng thì mới vẽ được, nếu không, có khi mấy tháng trời cũng không làm ra được một chiếc”. Công đoạn làm ra một chiếc mặt nạ khá kỳ công.
Đầu tiên là bồi giấy, đến phơi khô, làm nguội, làm phẳng, sơn lót, phác họa rồi mới đến công đoạn vẽ chính. Vì nhiều khâu như vậy nên chỉ khi nào thực sự có thời gian, có cảm hứng anh mới bắt tay vào làm. “Nếu đang vẽ mà bị cắt ngang, mất hứng là coi như bỏ luôn.
Người bình thường nhìn chiếc mặt nạ có thể chỉ phân biệt được đẹp, xấu nhưng người tinh tường có thể nhìn ra tâm trạng của người vẽ mặt nạ. Khi anh vui vẻ, phấn chấn chiếc mặt nạ anh làm ra sẽ khác với khi anh buồn bực”, anh Linh cười nói.
Hiện nay, Nguyễn Ngọc Linh chỉ vẽ mặt nạ khi khách đặt hàng hoặc tặng bạn bè. Hàng trăm chiếc mặt nạ được anh vẽ lần lượt đi qua cuộc đời anh lúc nào anh cũng không còn nhớ nữa. Nhiều người hỏi tại sao anh không làm đại trà để bán, anh chỉ cười, “giá trị của mặt nạ là vô giá, tôi chỉ làm thủ công bởi từng đường nét trên mặt nạ tôi đặt nhiều tâm huyết. Gặp những người đam mê, yêu thích tôi sẵn sàng tặng luôn hoặc chỉ lấy vốn, còn những người không am hiểu gì thì có tiền triệu tôi cũng không làm”.
“Chuyên gia vẽ thuê”
Chiếc mặt nạ là đạo cụ sân khấu quan trọng nhất của nghệ thuật tuồng. Giờ đây, các nghệ sĩ khi diễn không còn sử dụng tới những chiếc mặt nạ tạo hình như trước mà kẻ thật trên mặt diễn viên. Hầu như diễn viên nào cũng biết tự hóa trang nhân vật của mình nhưng anh Nguyễn Tấn Đông-diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được đồng nghiệp trìu mến gọi là “chuyên gia vẽ thuê” bởi anh có thể kẻ (theo NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế, trong nghệ thuật tuồng không gọi là hóa trang mà gọi là “dặm mặt”, “kéo mặt” hoặc kẻ mặt...) được nhiều kiểu nhân vật.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở huyện Phú Ninh, Quảng Nam, tuy vậy, Nguyễn Tấn Đông đam mê tuồng từ những ngày cùng đám bạn đi xem các đoàn tuồng về diễn Nghêu, Sò, Ốc, Hến, Lục Vân Tiên-Kiều Nguyệt Nga, Thạch Sanh-Lý Thông…
Từ ngưỡng mộ các diễn viên, anh thi vào Trường Trung học Văn hóa-Nghệ thuật Đà Nẵng rồi về công tác tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh năm 1997. Được sự tận tâm dạy dỗ của những người thầy như NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế, Hồ Hữu Có, Hồ Xuân Diệu… năng khiếu bẩm sinh của anh Đông ngày càng được bộc lộ rõ nét. Ngoài việc thể hiện xuất sắc các vai diễn đúng với mong muốn của những người thầy, kỹ năng kẻ mặt nạ tuồng cũng dần thẩm thấu vào anh.
Anh Đông tâm sự, người nghệ sĩ dù diễn xuất hay đến đâu mà kẻ mặt nạ tuồng không đẹp, không đúng với nhân vật thì có lỗi với nghiệp tổ. Anh luôn tâm niệm, mỗi chiếc mặt nạ là một tác phẩm hội họa gắn liền với nhân vật sân khấu tuồng, dù kẻ cho mình hay bạn diễn thì cũng phải để tâm vào nó, chăm chút cho nó đạt đến độ hoàn hảo nhất. Theo anh Đông, việc kẻ mặt nạ tương tự như “chép tranh”.
Người nghệ sĩ không được sáng tạo thêm mà chỉ có thể chấm phá một chút ở đôi mắt theo cách hiểu của mỗi người để làm bật lên tính cách nhân vật, giống như một bức tranh đẹp luôn phải có điểm nhấn. Đôi mắt là điểm quan trọng nhất, thể hiện cái thần của nhân vật. Do đó, bước đầu tiên khi kẻ mặt là phải kẻ tròng mắt để chia tỉ lệ khuôn mặt. Điểm chấm đen (lòng đen) được tỉ mỉ vẽ sau cùng.
Để vẽ được mặt nạ tuồng, người nghệ sĩ phải nắm quy luật phối màu, tính cách nhân vật, nội dung vở diễn… tất cả phải thuộc nằm lòng để khi nét cọ đưa lên là dứt khoác bởi càng sửa sẽ càng sai, càng lem luốc. Muốn làm được điều này, người diễn viên phải thường xuyên rèn luyện, làm sao để mỗi khuôn mặt do mình hóa trang là một tác phẩm mỹ thuật.
Dù có thâm niên gắn bó với nghề hơn 20 năm nhưng anh Đông cho biết, còn rất nhiều nhân vật, đặc biệt là những nhân vật tuồng cổ anh chưa kẻ được. Mỗi khi gặp loại nhân vật này, anh phải giở sách ra nghiên cứu, vẽ trước trên nia rồi mới kẻ lên mặt thật.
Ngoài biểu diễn các vở tuồng cổ, nhiều vở tuồng gần gũi với hơi thở đương đại ra đời. Anh Đông cho biết, mặt nạ tuồng mới được kẻ dựa theo ngoại hình, tâm lý nhân vật. Nếu nhân vật được mô tả là người đẹp trai thì cứ kẻ… đẹp trai, nếu nhân vật hung dữ thì thêm râu quai nón… không bắt buộc phải theo sách vở.
Chung một niềm đam mê nghệ thuật tuồng, những người nghệ sĩ vẽ mặt nạ luôn truyền hết đam mê của mình vào từng nét vẽ, làm sao để khán giả nhìn vào biết ngay nhân vật đó là thiện hay ác. Làm sao để mỗi gương mặt tự nó toát lên tính cách như trung hiếu, nhân ái, tinh thần dũng cảm, gian manh xu nịnh hay hiểm ác.
QUỲNH TRANG