“Văn học, về bản chất là ký ức của con người, vì thế, nó cũng là ký ức của dân tộc. Về quy luật, con người không thể tiến lên phía trước khi nó không có một quá khứ vững chãi. Viết về đề tài chiến tranh là viết về một phần quá khứ vững chãi của dân tộc. Viết về đề tài chiến tranh vừa là trách nhiệm vừa là mệnh lệnh của trái tim!”.
Các trại viên đi thực tế sáng tác. Ảnh: Nguyễn Minh Đức |
Đó là cách nhìn của nhà văn Nguyễn Bình Phương – Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) về trại sáng tác về đề tài Chiến tranh cách mạng và Lực lượng vũ trang do tạp chí này phối hợp với Quân khu 5 tổ chức, diễn ra tại Đà Nẵng, từ ngày 25-3 đến 9-4. Trại thu hút 20 trại viên đến từ mọi miền đất nước tham gia sáng tác.
“Mệnh lệnh của trái tim!”
Đến với trại viết, nhà văn Phạm Trường Thi, một người lính xe tăng đã từng tham gia trong cuộc chiến đấu 72 ngày đêm ở Quảng Trị, đau đáu những ký ức thời chiến tranh với truyện ngắn Người về. Sự khốc liệt của cuộc chiến, những người lính quả cảm, những kẻ hèn nhát với những thủ đoạn tinh quái tìm cách lách qua cuộc chiến, rồi sự vô tình, quên lãng của những con người bị cuốn đi trong cuộc mưu sinh… Tất cả được bộc lộ nhuần nhuyễn qua câu chuyện về chuyến đi tìm hài cốt đồng đội của hai người lính sống sót trở về sau chiến tranh.
Nguyễn Hồng Phong, đến từ Phòng Tuyên huấn Quân khu 5 đã ghi tên mình tại trại viết với truyện ngắn Bàn tay ở lại - một bản tình ca đầy u buồn và hoài niệm của ông Rim, một người lính trở về sau chiến tranh khi người yêu mình vĩnh viễn nằm lại trong một trận đánh... “Những giấc ngủ của ông Rim bao giờ cũng đầy mộng mị, bàn tay ông chải tóc cho Hoa, gió núi nhẹ làm những bông cỏ may tung lên xoay tròn giữa đất trời mênh mông…”.
Cũng viết về đề tài này, nhưng là sự mất mát đau thương trong chiến tranh và nghĩa tình của con người mảnh đất Quân khu 5 hôm nay, với những con người thật, những việc thật, ghi chép Hành trình về cội của tác giả Lê Thị Hồng Vân, công tác tại Báo Quân khu 5 là những câu chuyện cảm động về những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Đó là hành trình đi tìm danh tính Đại đội phó Đại đội đặc công 506A, người duy nhất có ảnh mang theo trong số 39 liệt sĩ được tìm thấy ở phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi tháng 12-2009. Đó là câu chuyện về chiếc áo của má Trương, chiếc nhẫn của nữ anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Thanh Trà...
Lần đầu tiên tham gia một trại viết chuyên nghiệp, một cây bút cũng đến từ Quân khu 5 Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng đã kịp hoàn thiện tác phẩm ký đầu tiên của mình - “Mắt thần trên đỉnh Sơn Trà”. Ý tưởng bút ký xuất phát từ chuyến giao lưu của Hội LHPN thành phố Đà Nẵng với Trạm ra-đa 29 trên đỉnh Sơn Trà - nơi diễn ra cuộc sống, sinh hoạt, học tập của những người lính ngày đêm canh gác cho bầu trời Tổ quốc bình yên.
Là một phóng viên mặc áo lính, Hồng Hạnh luôn nghĩ rằng, sáng tác đề tài người lính thực sự là một lợi thế đối với chị. Tuy nhiên, để tìm được cách thể hiện hay là điều không dễ. Từ trại viết, chị tiếp tục viết bút ký Dấu chân người lính trung đoàn, ghi lại một cách chân thực những rung động của tác giả về những gian truân của người lính trẻ, để thấy rằng, người lính thời bình vẫn đang từng ngày, từng giờ phải vượt qua gian nan thử thách, thầm lặng cống hiến, hy sinh.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng – Tạp chí VNQĐ, người phụ trách văn xuôi tại trại viết cho biết, tham dự trại viết lần này có 8 tác giả văn xuôi với 13 tác phẩm đa dạng về phong cách và đề tài. Những đau thương, mất mát, sự anh dũng, quật cường, vị tha của quân và dân mảnh đất Quân khu 5 qua những lần đi thực tế ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đak Lak đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các tác giả.
Theo anh, điều đáng mừng là đề tài về người lính hôm nay đã trở thành niềm cảm hứng cho không ít tác giả trẻ trong trại viết, tiêu biểu như truyện ngắn Khoảng trời ngập gió của tác giả Dương Giao Linh, Mắt thần trên đỉnh Sơn Trà của Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Nơi ấy là biên cương của Nguyễn Việt Hùng...
Đối với mảng thơ, người phụ trách - nhà thơ Đoàn Văn Mật cho hay, ngay trong ngày khai mạc, một số trại viên đã có những vần thơ nóng hổi. Và chỉ sau hơn 1 tuần diễn ra trại, ban tổ chức đã nhận được 70 bài thơ. Hầu hết các tác phẩm thơ có nội dung thể hiện rất đúng và trúng chủ đề của trại viết là: “Chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ”!
Trong đó, ấn tượng có thể kể đến các chùm thơ của các tác giả Lê Thanh My, Hồ Minh Tâm, Nguyễn Minh Khiêm. Mỗi tác giả tham gia trại viết này đều mang đến một phong cách riêng, một giọng điệu riêng và sự thể hiện cũng rất riêng. Có những tác giả còn rất trẻ nhưng lại khai thác cách thể hiện theo lối thơ truyền thống như Viễn Hải, Nguyễn Minh Đức...
Có tác giả đã từng thành công ở thể thơ truyền thống lại tìm đến cách thể hiện mới mẻ như Trần Trí Thông, Phạm Trọng Thanh… Có tác giả kiên trì lối viết hiện đại như Hồ Minh Tâm, Trần Tuấn, Vi Thùy Linh. “Có thể cảm nhận rất rõ sự nhiệt huyết, tinh thần hăng say sáng tạo, hăng say lao động chữ của các trại viên tham gia trại lần này”, nhà thơ Đoàn Văn Mật nói.
Trại sáng tác “mở”
Nhà văn trẻ Văn Thành Lê, đến từ Vũng Tàu – tác giả của gần 10 tuyển tập truyện ngắn cho biết, đây là lần thứ 3 anh tham dự trại sáng tác của tạp chí VNQĐ. Đối với anh, trại viết là nơi các trại viên phải lao động văn học thật sự, với áp lực bài vở thật sự: Nhìn vào các trại viên khác để viết, nhìn vào yêu cầu đặt ra của tạp chí về tác phẩm để viết, đưa tác phẩm chạm được ngưỡng cao nhất. Bên cạnh sáng tác, trại viết VNQĐ luôn có chương trình thực tế, giao lưu ở những đơn vị, điểm đến mà với cá nhân mỗi người sẽ rất khó có thể thực hiện được.
Như trại lần này, các buổi giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự Đà Nẵng, các chuyến thực tế sáng tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, với cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 2 ở Gia Lai… thực sự là những trải nghiệm quý giá đối với người viết.
Điều đáng nói, trại viết lần này đề cao tính nghiêm túc, lao động nghệ thuật thực sự nhưng không khuôn sáo, gò bó người viết. Mặc dù chủ đề trại viết là “chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang”, nhưng trại sẵn sàng ghi nhận những tác phẩm tìm hướng đi khác, miễn đó vẫn là những vấn đề của con người, đời sống hôm nay, về quê hương, đất nước, những tác phẩm chất lượng và là văn chương thực sự.
Chính vì thế, những truyện ngắn như Sa lan đỏ bãi Xanh của Văn Thành Lê mới có mặt tại trại lần này. Câu chuyện đề cập đến sự đổ vỡ văn hóa trong gia đình và làng quê trước sự vận động phát triển kinh tế khi con người bị cuốn theo cái lợi trước mắt mà chưa thực sự được chuẩn bị tâm thế để tiếp nhận và thực sự làm chủ nó.
Theo Văn Thành Lê, truyện ngắn được xây dựng từ cảm thức về làng quê, nỗi ám ảnh của mỗi người con khi xa quê. Và điều đặc biệt ấn tượng đối với người đọc về truyện ngắn này là chất trữ tình được tác giả khá dụng công, trau chuốt. Song đâu đó vẫn thấp thoáng chất trào lộng, giễu nhại sâu cay.
Một số truyện ngắn khác cũng khai thác những mảng đề tài đa dạng của đời sống, những bi kịch thân phận con người cũng được Ban tổ chức đánh giá cao như Thung lũng sương của Cao Nguyệt Nguyên, Vấn vương tơ trời và bút ký Nụ cười Sơn Mỹ của Nguyễn Hồng Phong, Chiếc tù và của Phạm Trường Thi, Chè Vằng của Nguyễn Minh Đức...
Sau trại sáng tác, tất cả các tác phẩm chất lượng sẽ được chọn, giới thiệu rộng rãi đến độc giả, thông qua Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tổng biên tập Nguyễn Bình Phương cho biết.
“Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta, lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã có hàng trăm ngàn liệt sĩ, hàng trăm ngàn thương, bệnh binh và trên hàng chục ngàn Mẹ Việt Nam anh hùng. Thời bình, lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã có những bước phát triển lớn, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Trong hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam ngày hôm nay không thể thiếu bóng dáng hình ảnh của người chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 5. Chọn địa bàn Quân khu 5, cụ thể là thành phố Đà Nẵng để mở trại, chúng tôi muốn các nhà văn, nhà thơ làm quen với những vùng đất, những con người còn tàng ẩn, chất chứa nhiều số phận, nhiều giá trị hết sức quý báu cần phải tiếp tục được tìm hiểu và khám phá”. Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội |
THANH TÂN