.

Tượng Ai Cập dưới đáy biển

.

Bảo tàng Anh chuẩn bị một triển lãm lớn về hai thành phố Ai Cập bị biến mất cùng những hiện vật khác do các nhà khảo cổ dưới đáy biển Địa Trung Hải phát hiện gần đây.

Thời gian mở cửa từ 19-5 cho đến tháng 11-2016. “Sunken cities: Egypt’s lost worlds” (tạm dịch: Những thành phố bị chìm: Thế giới đã mất của Ai Cập) sẽ là cuộc trưng bày quy mô lớn đầu tiên của Bảo tàng Anh về sự khám phá dưới đáy biển, qua đó nó sẽ hiển thị tỉ mỉ, chi tiết hơn việc thăm dò, khảo sát về hai thành phố Thonis-Heracleion và Canopus – bị  nước phủ ngập ở các cửa sông Nile trong hơn một ngàn năm, đồng thời cho thấy mối quan hệ giữa Ai Cập cổ đại và thế giới Hy Lạp cũng như tầm quan trọng to lớn của những thành phố cổ.

Tượng Hapy do đội khảo cổ Franck Goddio trục vớt từ đáy biển.
Tượng Hapy do đội khảo cổ Franck Goddio trục vớt từ đáy biển.

300 hiện vật xuất sắc, nổi bật sẽ được bày chung với hơn 200 hiện vật khác, cùng được phát hiện và trục vớt từ ngoài khơi bờ biển Ai Cập, gần Alexandria từ năm 1996 đến năm 2012. Ngoài ra, còn có thêm nhiều hiện vật quý giá khác qua sự phối hợp từ các bảo tàng cổ vật của Ai Cập.

Đáng chú ý nhất là các cổ vật từ cảng Naukratis - một thị trấn thân thuộc Thonis- Heracleion, với nhiều dấu vết về người định cư Hy Lạp đầu tiên ở Ai Cập. Một phần lớn trần nhà trong không gian của Bảo tàng Anh phải tháo dỡ để dành chỗ an toàn cho ba pho tượng Ai Cập với kích thước khổng lồ, làm bằng đá granite.

Những bức tượng này, từ hơn mười năm qua, đã được lần lượt tìm thấy dưới đáy biển nơi chúng đã nằm im lìm  hơn 1.200 năm, kể từ khi thành phố cảng Thonis-Heracleion trù phú, thịnh vượng bị trận động đất phá hủy và mực nước biển dâng cao phủ lấp.

Thonis-Heracleion là một thành phố pha trộn giữa truyền thuyết và thực tế. Năm 331 trước Công nguyên, tất cả các tàu đến từ Hy Lạp bắt buộc nhập cảnh vào Ai Cập. Thành phố này có đền thờ Amun, tại đây giữ một vai trò quan trọng trong các nghi lễ liên quan đến các triều đại kế tục. 

Thành phố được thành lập có lẽ khoảng thế kỷ thứ 8, trước Công nguyên, đã trải qua thảm họa thiên nhiên, và cuối cùng bị chìm sâu hoàn toàn vào vùng Địa Trung Hải.

Sự tồn tại của thành phố, tầm quan trọng và sự thịnh vượng của nó, đã được biết đến từ các nguồn lịch sử, nhưng nó được Franck Goddio, nhà khảo cổ học dưới nước người Pháp, tái phát hiện vào năm 2001 và sự tìm kiếm của đội thợ lặn vẫn làm việc tại vị trí đó cho đến ngày nay. Franck Goddio đã cẩn thận chọn lọc và lắp ráp các mảnh vỡ tại đáy biển để đảm bảo rằng ông đã tìm thấy đầy đủ tất cả các mảnh còn sót lại của từng vật thể một.

Thành phố cảng Thonis-Heracleion biến mất dưới biển Địa Trung Hải vào khoảng 1.200 năm trước.
Thành phố cảng Thonis-Heracleion biến mất dưới biển Địa Trung Hải vào khoảng 1.200 năm trước.

Trong số đó, có bức tượng đá granite màu hồng mang tên Hapy - một ý nghĩa hiện thân của dòng nước lũ sông Nile, khả năng sinh sản và sự giàu có của đất nước - nặng hơn 6 tấn và cao 5,4 mét, một vật thể mang dáng dấp vị Thần Ai Cập oai vệ và cao nhất từng được phát hiện.

Tượng Hapy sẽ chào đón du khách đến triển lãm như nó đã từng chào đón các thủy thủ và thương gia đến cảng của Thonis-Heracleion. Nơi đặt bức tượng, vốn trước đây, đứng trước mặt là biển, bên ngoài ngôi đền tuyệt đẹp của Amun-Gereb, được xây dựng trên đảo trung tâm của thành phố ở đầu cửa sông Nile.

Nhà khảo cổ học dưới nước Franck Goddio, sinh năm 1947 tại Casablanca, Morocco. Ông nhận bằng trong toán học và thống kê ở Paris, đã làm việc như một nhà tư vấn cho các tổ chức quốc gia và các chính phủ các nước trên thế giới trong hơn 15 năm. Vào đầu năm 1980, ông quyết định tập trung vào khảo cổ học dưới nước.

Năm 1987, ông thành lập Viện Khảo cổ học dưới nước ở Paris. Năm 2003, hợp tác với Đại học Oxford, ông đã giúp thành lập Trung tâm Oxford cho ngành Khảo cổ học dưới nước. Năm 2009 ông được bổ nhiệm làm một thỉnh giảng viên cao cấp trong các trường học khảo cổ học tại Đại học Oxford. Ông đã phát hiện ra thành phố Thonis-Heracleion 7 km ngoài khơi bờ biển Ai Cập ở Aboukir Bay vào năm 2000.

Trong việc phát hiện và thu hồi con tàu đắm cổ xưa, tìm kiếm di vật của thành phố chìm, Goddio đã phát triển một phương pháp tiếp cận có hệ thống để khảo cổ. Ông đã tìm thấy và trục vớt trên 10 chiếc tàu chìm ​​có tầm quan trọng lịch sử, vốn nằm im dưới đáy đại dương hàng trăm năm.

Trong số đó là chiếc thuyền có niên đại từ 11 đến thế kỷ 15. Goddio tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của ngành khảo cổ. Trong giai đoạn thăm dò, khai quật, ông luôn luôn hợp tác chặt chẽ với chính quyền quốc gia và địa phương, các chuyên gia và các tổ chức khảo cổ học hàng đầu.

“Sau thời lo âu, đến hôm nay mới thấy những vật cổ trông thật tuyệt vời”. Aurelia Masson-Berghoff, người phụ trách triển lãm “Thế giới đã mất của Ai Cập” tại Bảo tàng Anh sung sướng bày tỏ với báo giới.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.