.
Tuyển sinh 2016

Đăng ký môn thi - bao nhiêu thì đủ?

.

LTS: Kỳ thi quốc gia 2016 bao gồm tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học đang đến gần, các em học sinh (HS) đang đứng trước những lựa chọn: chọn ngành và chọn nghề cho tương lai.

Chào bạn trẻ xin gửi đến bạn đọc loạt bài chuyên đề “Tuyển sinh 2016”, đề cập đến những vấn đề như tư vấn cho HS đăng ký môn thi; tư vấn hướng nghiệp; những lưu ý khi làm hồ sơ đăng ký dự thi; vượt qua vấn đề tâm lý như thế nào trong quá trình học và thi; chính sách học bổng của một số trường đại học, cao đẳng…

Tư vấn hướng nghiệp năm 2016 do Sở GD-ĐT và báo Tuổi trẻ tổ chức tại Trường THPT Phan Châu Trinh tháng 2-2016.
Tư vấn hướng nghiệp năm 2016 do Sở GD-ĐT và báo Tuổi trẻ tổ chức tại Trường THPT Phan Châu Trinh tháng 2-2016.

Chúng tôi rất mong nhận được những bài viết, những ý kiến đóng góp của bạn đọc về vấn đề này.

Ưu tiên chọn môn trong tổ hợp xét tuyển

Ngay sau khi có kết quả bài kiểm tra học kỳ I, Trường THPT Nguyễn Trãi đã tổ chức cho HS khối 12 đăng ký môn tự chọn để lấy kết quả xét tốt nghiệp. Thầy Nguyễn Thành Lễ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cùng với kết quả bài thi học kỳ I, nhà trường còn sử dụng kết quả học tập của lớp 10, lớp 11 của HS để làm dữ liệu phân tích, giúp cho giáo viên có căn cứ để tư vấn cho HS chọn môn thi.

Việc tư vấn sẽ do giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm đảm nhận trên cơ sở phân tích năng lực học tập cùng với nguyện vọng của HS; HS cũng được lựa chọn giáo viên để học ôn”.

Ưu tiên chọn môn tự chọn nằm trong tổ hợp xét tuyển gần như là công thức chung trong tư vấn chọn môn của các trường THPT hai năm trở lại đây. Cùng với việc Bộ GD&ĐT trao nhiều quyền chủ động cho các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh, trong các buổi tư vấn tuyển sinh, các chuyên gia bao giờ cũng nhấn mạnh HS lưu ý đến tổ hợp xét tuyển.

HS cần xác định rõ ngành, trường mình muốn học, từ đó tìm hiểu kỹ các tổ hợp xét tuyển đối với ngành học của trường này để chọn môn đăng ký dự thi. Tất nhiên sẽ vài môn của tổ hợp xét tuyển trùng với các môn bắt buộc dự thi để xét tốt nghiệp. Cũng có những trường, cùng một ngành nhưng xét tuyển nhiều tổ hợp khác nhau, HS yếu một môn nào đó có thể chọn thi môn mình có thế mạnh để tăng sức cạnh tranh.

Cô Lê Thị Tuyết Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền cho biết: “Việc chọn đúng môn thi rất quan trọng vì nó quyết định đến kết quả xét tốt nghiệp và cơ hội đỗ ĐH, CĐ của các em. Kỳ thi THPT quốc gia 2015, trường chúng tôi có hai HS bị trượt tốt nghiệp vì “dính” điểm liệt ở môn Sử và Địa, đây lại là môn tự chọn”.

Chính vì vậy, trước khi HS đăng ký chọn môn, các trường còn phân tích khối lượng kiến thức, cách thức ra đề của từng môn học để HS cân nhắc lựa chọn. Để chắc chắn hơn, sau khoảng một tháng tổ chức cho HS đăng ký chọn môn và triển khai ôn tập, Trường THPT Nguyễn Trãi sẽ tiến hành làm bài khảo sát. “Đây vừa là cơ sở để GV và HS điều chỉnh phương pháp, nội dung dạy – học nhưng cũng đồng thời để HS có thể thay đổi môn tự chọn trước thời điểm chốt hồ sơ đăng ký dự thi”, thầy Nguyễn Thành Lễ cho biết.

Mặc dù HS được tư vấn chọn môn thi tốt nghiệp nằm trong tổ hợp xét tuyển sinh ĐH, CĐ, nhưng ở Trường THPT Tôn Thất Tùng vẫn có tình trạng thi ĐH, CĐ theo khối A nhưng HS vẫn chọn môn Địa lý để làm môn thứ 4. Trong số 409 HS khối 12 của Trường THPT Tôn Thất Tùng, có 278 em chọn môn Địa là môn tự chọn để xét tốt nghiệp.

Tương tự, Trường THPT Phạm Phú Thứ cũng có 176 em đăng ký dự thi môn Địa lý, chiếm 45,2% HS khối 12. Giải thích về điều này, cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng cho rằng, tâm lý chung là HS vẫn muốn tham gia thi tại cụm thi để có cơ hội xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ nhưng vẫn chọn môn Địa lý để bảo đảm “an toàn” cho thi tốt nghiệp.
Dự thi nhiều môn có tăng thêm cơ hội xét tuyển?

Về thắc mắc nên chọn bao nhiêu môn để đăng ký dự thi, trong chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Đà Nẵng và báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức vào cuối tháng 2 vừa qua, thầy Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông-lâm TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Theo như thống kê số lượng môn đăng ký dự thi của kỳ thi THPT quốc gia 2015, số lượng thí sinh chọn dự thi 5 - 6 môn chiếm tỷ lệ lớn.

Các em cần cân nhắc, chọn môn làm sao để đủ số lượng môn xét tốt nghiệp và tổ hợp môn xét tuyển ĐH, không nên chọn nhiều quá. Nếu chọn nhiều môn để dự thi, về mặt lý thuyết thì cơ hội tham gia xét tuyển ĐH sẽ nhiều nhưng thực tế, chọn nhiều môn thi thì sẽ phân tán thời gian ôn thi, hiệu quả ôn tập không cao.

Kinh nghiệm cho thấy thường thì chọn tối đa khoảng 5 môn để đủ thời gian phân bố ôn tập cho các môn học”. Chính vì vậy, Ban giám hiệu các trường THPT phổ biến cho HS và phụ huynh không nên ôm đồm, chọn quá nhiều môn thi để đăng ký.

Có một lưu ý cho các thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự thi vào các trường thuộc lực lượng vũ trang, công an mà ông Đỗ Thanh Duy, đại diện Cục khảo thí, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: “Những thí sinh này, ngoài nộp hồ sơ sơ tuyển thì còn phải nộp hồ sơ dự thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tuyển.

Việc nộp hồ sơ khám sức khỏe và sơ tuyển chỉ là điều kiện cần, các em phải có hồ sơ dự thi THPT quốc gia thì mới có điểm xét tốt nghiệp THPT và điểm để xét tuyển vào các trường này. Năm 2015, Bộ GD&ĐT phải can thiệp một số địa phương cho học sinh nộp hồ sơ bổ sung và thí sinh nghĩ rằng chỉ cần nộp hồ sơ khám sức khỏe là đủ nên không đăng ký dự thi THPT quốc gia”.

Ngoài 3 môn thi bắt buộc là Toán – Văn – Ngoại ngữ, việc lựa chọn để đăng ký môn tự chọn, số lượng môn thi THPT quốc gia 2016 cũng khiến không ít HS, phụ huynh băn khoăn. Từ phân tích kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2015 cho thấy, có những thí sinh trượt tốt nghiệp vì bị điểm liệt ở ngay môn tự chọn – thường được xem là môn sở trường. Phân tích năng lực học tập để chọn đúng môn thi sẽ giúp thí sinh, ngoài bảo đảm đủ điều kiện xét tốt nghiệp, còn tăng cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ.

HÀ TRẦN

;
.
.
.
.
.