Như những tượng đài – vở tuồng của tác giả Nguyễn Sỹ Chức kể về Đoàn Văn công Giải phóng miền Nam trong những năm lội suối, băng rừng đi biểu diễn cho bộ đội trên chiến trường - ra mắt khán giả Đà Nẵng vừa tròn một năm. Tác phẩm từng được bình chọn là kịch bản sân khấu xuất sắc nhất năm 2014, dành cho một loại hình nghệ thuật truyền thống khá kén người xem.
Nhiều người cho rằng nghệ thuật truyền thống Việt Nam đang có nhiều cơ hội khi sự giao thoa và giao lưu văn hóa quốc tế ngày được mở rộng. Nhưng nó có chỗ đứng cho các vở tuồng hiện đại như Như những tượng đài hay không thì cần nhiều yếu tố đi kèm.
Một cảnh trong vở tuồng Như những tượng đài.Ảnh: Thanh Tân |
Diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Thái Văn Nga, người đóng vai Soong của vở Như những tượng đài diễn rất xuất thần đoạn người chiến sĩ-nghệ sĩ bị cắt lưỡi vẫn diễn, để phô diễn sức mạnh của nghệ thuật truyền thống một cách thuyết phục nhất.
Một sĩ quan của nhà tù đã giam cầm đoàn văn công ngày ấy phải thốt lên: “Các ông không giết được các chiến sĩ cộng sản đâu, khi những giá trị văn hóa truyền thống đã ngấm vào họ”, sau cùng chúng phải giết anh… Anh Thái Văn Nga cho rằng trong gần 20 năm gắn bó với tuồng, được tham gia chừng 4 vở tuồng hiện đại, anh thích nhất Như những tượng đài bởi nó mang đậm tính xã hội, viết về những nghệ sĩ thế hệ trước anh đã trải qua những bi hùng trong những năm phục vụ trên chiến trường.
Để diễn tốt nhân vật Soong, anh Nga tìm đến những nghệ sĩ từng tham gia biểu diễn ở chiến trường, nghe họ kể những chuyện, những cảm xúc họ từng trải qua. Và trong vai diễn hội nhiều tính cách, nhiều phân đoạn như khi là nhân vật trên sân khấu, khi là tù binh của giặc, anh phải “nhả” những nhân vật tuồng cổ mà mình mới diễn ra để diễn tiếp…
Và ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nhận xét, đây là những diễn viên chưa nổi tiếng của nhà hát, nhưng “máu” tuồng như ngấm vào các anh vì có diễn tuồng hiện đại mấy chất tuồng vẫn không bị lạc, vẫn ra cốt cách của tuồng.
Cái hay bắt nguồn từ chính vở tuồng
Gần 30 vở diễn từ khi Như những tượng đài ra mắt đến nay, theo ông Trần Ngọc Tuấn, như thế là khá thành công với một vở tuồng mới dựng, đề tài gần gũi với lịch sử, với cuộc sống và đặc biệt, nó nhận được sự hưởng ứng của lớp trẻ.
Lâu nay người ta cho rằng, khán giả trẻ phải hiểu mới yêu tuồng và bài toán lớn nhất của tuồng suốt bao năm qua vẫn loay hoay là làm thế nào để lớp thanh niên hiện đại thấy tuồng hay. Thì ở đây, Như những tượng đài là một vở diễn mới, đề tài mới, hay, được những người sống ở thành phố, được lớp trẻ yêu thích.
Vậy cái hay ấy bắt nguồn từ sức hấp dẫn của chính những vở diễn tuồng chứ không phải từ người già hay người trẻ có yêu hay hiểu tuồng hay không.
Nhiều khán giả lớn tuổi, trung thành với tuồng bao năm qua đến nhà hát không phải để xem tuồng, họ nhắm mắt lại và nghe là chính. Vì họ thuộc lòng từng vở tuồng cổ, họ đến để nghe diễn viên hát, cảm nhận cái hay của từng trích đoạn, nghe từng câu hát và coi như thấm thía với tuồng. Khán giả lớn tuổi không ủng hộ những vở tuồng mới.
Và cái “đau đầu” của nhiều nhà hát tuồng hiện nay là phải dựng đi dựng lại những vở tuồng cổ đã thuộc nằm lòng; làm sao để làm mới mình qua những đề tài cũ đó. Câu hỏi rất khó trả lời. Ông Tuấn còn cho biết là xu hướng hiện nay thích những vở tuồng dân gian. Trong khi nội dung sân khấu dân gian là thế mạnh của chèo chứ không phải của tuồng. Muốn dựng được những vở tuồng dân gian, phải có nghề, có bản lĩnh mới làm được.
Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc... Tuồng là sân khấu của những người anh hùng. Những nhân vật trong các vở tuồng trở thành một tấm gương, một bài học cho người đời ngưỡng mộ noi theo. Vở tuồng hiện đại Như những tượng đài đã làm được điều đó, nên nó đủ sức hấp dẫn khán giả.
Trước đây, một số vở tuồng hiện đại rất hay như: Chị Ngộ, Gia đình má Bảy, Sư già và em bé, Mối tình qua Tết Li-boong, Hoàng hôn đen, Mẹ… NSƯT Cao Đình Liên, người dựng rất thành công vở Mối tình qua Tết Li-boong cho rằng thời điểm những năm 1980 nghệ thuật cải lương nổi lên rất mạnh, người làm tuồng chạy theo thời thế nên sáng tác ra một số điệu hát cho nhẹ nhàng hơn.
Khán giả thì thích những vở tuồng cách tân, hát kiểu mới; buộc lòng người dựng tuồng làm những vở tuồng “lai”, có lồng ca khúc trong một số đoạn… Chừng 10 năm như vậy, giới nghệ sĩ gọi là “chạy theo thị hiếu tầm thường”. 20 năm sau, đời sống người dân khá lên, dân trí cũng khác thì những vở tuồng mới không còn được chào đón, tuồng cổ sống lại trên sân khấu.
Nghệ thuật tuồng đã đạt đỉnh cao thời phong kiến và cho đến bây giờ vẫn chưa có giai đoạn nào vượt qua đỉnh cao ấy. Nên để làm mới tuồng vẫn còn là bài toán khó. Và những vở tuồng cổ sẽ không còn phù hợp với sân khấu thời hiện đại, cho người trẻ. Người làm tuồng không thể dựng và sáng tạo thứ nghệ thuật này theo lối mòn đã sẵn có.
Ông Trần Ngọc Tuấn cho rằng, nếu không gặp kịch bản hay, đạo diễn giỏi, những vở tuồng hiện đại rất dễ lai kịch nói, kịch thơ; để tìm được một vở đậm chất tuồng rất khó. Chưa kể Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh mỗi năm chỉ được cấp kinh phí dựng 1 vở, nên phải có vở hay thì nhà hát mới dám dựng.
Tính an toàn trong việc dựng vở tuồng hiện đại không cao và nghệ sĩ thì không dám “đánh bạc” với cuộc chơi nghệ thuật này. Và ông Tuấn sẵn sàng “làm vở hiện đại để thổi làn hơi mới vào tuồng và tuồng phải có trình thức riêng, không lẫn vào đâu mới kéo được khán giả đến nhà hát, bên cạnh việc vẫn tôn vinh giá trị đích thực của tuồng cổ”.
HOÀNG NHUNG