.

Vẻ đẹp ước lệ

.

Chú trọng lột tả cái thần, trong nghệ thuật tuồng, tính ước lệ - cách điệu được xem là một trong những đặc trưng cốt lõi, làm nên vẻ đẹp độc đáo của loại hình sân khấu truyền thống này.

Một cảnh trong trích đoạn tuồng Mạnh Lương ra hang, do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.Ảnh: T.T
Một cảnh trong trích đoạn tuồng Mạnh Lương ra hang, do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.Ảnh: T.T

Xóa nhòa mọi khoảng cách

Cách đây mấy tháng, chúng tôi có dịp xem các diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn phục vụ khách du lịch trích đoạn tuồng “Mạnh Lương ra hang” (vở Dương Lục Sứ). Trích đoạn kể chuyện thầy trò Mạnh Lương bị vây hãm trên núi cáo.

Nhân đêm tối, Mạnh Lương men theo sườn núi, lẻn ra khỏi hang để tìm người cứu Quan thầy là Dương Lục Sứ. Không may, Mạnh Lương bị canh tuần phát hiện. Nhưng với tài nghệ núp bóng khéo léo dưới ánh đuốc, Mạnh Lương đã thoát ra khỏi hang núi…

Điều khiến tôi ấn tượng, không chỉ là nội dung, câu chuyện kể hay diễn xuất thành thục của các diễn viên mà là sự thích thú của các vị khách ngoại quốc. Thậm chí, có những em bé đến đoạn Mạnh Lương núp bóng, còn thích thú cười vang.

Ông Chang – một du khách Hàn Quốc đã chia sẻ rằng, dù đã tìm hiểu nhiều về đất nước Việt Nam, nhưng xem trích đoạn, ông vẫn bị bất ngờ trước vẻ đẹp độc đáo, cuốn hút của một loại hình sân khấu được gọi là tuồng này. “Tôi không hiểu hết câu chuyện, thông điệp của các bạn nhưng qua âm nhạc, trang phục và nghệ thuật biểu diễn tuyệt vời của các diễn viên, tôi cảm thấy rất thích thú”, ông Chang nói.

Xem trích đoạn “Mạnh Lương ra hang”, ai cũng biết rằng, chuyện Mạnh Lương dùng cách núp bóng qua mắt canh tuần để tẩu thoát thật khó diễn ra ngoài đời. Nhưng người xem dường như không ai để ý “bắt bẻ” cái lý đó. Cũng như chuyện khi bị giặc chém rơi đầu, Linh Tá đã nhặt đầu mình lên trở thành ngọn đuốc đưa bạn qua đèo (trong tuồng Sơn Hậu), nếu dùng những nguyên tắc của đời thực để soi chiếu tác phẩm thì sẽ khó chấp nhận.

Nhưng đối với sân khấu tuồng, đó lại là hình tượng nghệ thuật mang tính thẩm mỹ cao đẹp, tạo nên sự xúc động, ấn tượng mạnh mẽ. Hay, chỉ trong sân khấu tuồng, người ta mới chấp nhận chuyện chỉ với một cây roi ngựa thô sơ, cùng vũ đạo của diễn viên, khán giả hiểu đó là con ngựa; rồi bằng động tác nhảy, bơi sải, cùng một không gian sân khấu, người xem có thể nhìn thấy cả không gian chiến địa, sông nước mênh mang…

Đó chính là tính ước lệ của sân khấu tuồng. Với những người am hiểu, ước lệ được coi là nét độc đáo, là thủ pháp tạo nên vẻ đẹp của sân khấu tuồng. Chính nhờ tính ước lệ - những “quy ước ngầm” giữa diễn viên và khán giả mà người xem có thể hiểu, chấp nhận, thích thú, dù có thể bất đồng ngôn ngữ.

Trần Thị Kim Oanh, diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thổ lộ, chính những xúc động đặc biệt khi xem vở tuồng Phạm Công - Cúc Hoa đã nuôi dưỡng tình yêu nghề trong chị. “Câu chuyện Phạm Công – Cúc Hoa thì hầu như ai cũng biết, qua truyện, qua phim, nhưng phải đến khi xem tuồng, tôi thực sự bị xúc động mạnh mẽ”, Kim Oanh chia sẻ. Sau này theo học nghề tuồng, nắm lý luận sân khấu, chị Kim Oanh mới ngộ ra rằng, một trong những yếu tố làm nên sự xúc động mạnh mẽ với vở tuồng lần đầu được xem, chính là tính ước lệ, cách điệu của loại hình sân khấu này, qua tài nghệ diễn xuất của các diễn viên.

Đó cũng chính là “cái gốc” để chị không ngừng rèn luyện, trưởng thành để rồi một lúc hoàn thành xuất sắc 3 vai diễn, trong trích đoạn “Giấc mơ Đông Nhật” (trích vở Người cáo) giành Huy chương vàng tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc 2014.

Đòi hỏi khắt khe

Theo NSND Trần Đình Sanh, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, nghệ thuật tuồng chú trọng lột tả cái thần, tức là, loại bỏ những chi tiết vụn vặt, nhằm lột tả cái cốt lõi, cơ bản, nâng lên thành vẻ đẹp nghệ thuật, tạo nên những xúc cảm thẩm mỹ ấn tượng. Và một thủ pháp không thể thiếu để làm được điều này chính là nghệ thuật ước lệ.

Cũng theo ông Sanh, tính ước lệ xuất hiện ở hầu hết các loại hình nghệ thuật, kể cả điện ảnh, nhưng đậm đặc ở các thể loại sân khấu kịch hát như tuồng, chèo, cải lương. Riêng tuồng, tính ước lệ trở thành một đặc trưng, không thể thiếu.

Phổ biến nhất trong nghệ thuật ước lệ trong sân khấu tuồng là lấy chi tiết để thay cho toàn thể, cuốn hút khán giả cùng tham gia vào sự tưởng tượng và sáng tạo của người diễn viên. Chẳng hạn, một cái roi sẽ thay thế cho con ngựa.

Hay, khi diễn viên đi 2-3 vòng quanh sân khấu, vừa đi vừa hát, có thể 1 câu, 2 hoặc 3 câu, sau cùng đến vị trí ban đầu, thì phải hiểu rằng nhân vật vừa vượt qua một quãng đường hàng trăm, hàng ngàn cây số, có thể đi từ vùng này sang vùng khác, nước này qua nước khác. Nếu trên đường vòng quanh sân khấu ấy, ánh sáng có thay đổi, lúc tối, lúc sáng chẳng hạn, thì nghĩa là nhân vật ấy đã đi xuyên ngày đêm…

Có thể nói, trong sân khấu tuồng, không gian và thời gian dường như được gói gọn trong những câu hát, động tác múa với những đạo cụ thô sơ... Vì vậy, điều quan trọng nhất là diễn xuất của người diễn viên. “Với tính ước lệ trong nghệ thuật tuồng, tuyệt đối không cho phép sự dễ dãi, thô thiển trong biểu diễn, diễn xuất, từ những chi tiết nhỏ nhất.

Chẳng hạn, khi di chuyển từ không gian này sang không gian khác, nếu người diễn viên sơ ý để rơi mất cây roi ngựa, di chuyển sai một bước chân… thì có thể dẫn đến sự khó hiểu đối với khán giả. Bởi với khán giả của tuồng, mỗi động tác, cử chỉ của người diễn viên trên sân khấu đều mang một giá trị biểu đạt, một dụng ý nghệ thuật nhất định”, NSND Trần Đình Sanh lưu ý.

Tất cả các diễn viên tuồng trước khi bước lên sân khấu đều được học, thực hành các động tác, trong khuôn khổ những quy tắc ước lệ phổ biến đối với sân khấu tuồng.  Song học thuộc thì dễ, nhưng để thuần thục, nhuần nhuyễn, đẹp, tinh tế thì rất khó.

Chẳng hạn, để diễn xuất nhịp nhàng, tạo nên những xúc động mạnh mẽ đối với đoạn “Kim Lân biệt mẹ” (vở Sơn Hậu), riêng động tác nhảy thành, qua đèo, đi hia vừa thể hiện tâm trạng, nỗi buồn xa cách của hai mẹ con thì có người, tập cả đời cũng không diễn ăn ý được.

NSƯT, đạo diễn trẻ Phan Văn Quang thừa nhận rằng, riêng vai mẫu Kim Lân, hồi còn là một kép hát, anh đã học, khổ luyện không dưới 10 năm. Trong quá trình học đạo diễn, anh có điều kiện học sâu lý luận sân khấu, trong đó có tính ước lệ đối với sân khấu tuồng. Từ cái nhìn cá thể của một diễn viên, đạo diễn cần có cái nhìn tổng thể.

Ước lệ trong sân khấu tuồng là ước lệ tổng thể. Ở đó, hội tụ tất cả các yếu tố không gian, thời gian, đạo cụ, diễn xuất, âm nhạc, mỹ thuật… Tất cả phải là một sự phù hợp, tinh tế đối với từng vở tuồng, từng nhân vật. Ngày nay, điều kiện sân khấu, ánh sáng, âm nhạc phục trang, đạo cụ… đầy đủ hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng đối với sân khấu tuồng, tất cả cần được tiết chế.

Phông nền sân khấu của tuồng không cho phép lòe loẹt, rườm rà; ánh sáng chủ đạo vẫn các màu đen, trắng, vàng, tuyệt đối không dùng đèn led; hay âm nhạc, dù các loại đàn hiện đại có thể “bắt chước” tiếng trống, tiếng nhị, tiếng bầu… nhưng tuyệt đối không thể thay thế âm nhạc truyền thống, trong sân khấu tuồng.

Có thể trước đây, vì điều kiện khách quan (thiếu thốn phục trang, đạo cụ, các phương tiện hỗ trợ về mặt mỹ thuật, ánh sáng, âm nhạc) mà nảy sinh tính ước lệ trong sân khấu tuồng, nhưng đó không phải là tất cả. Bởi, có những thứ, chỉ có sự ước lệ mới đủ sức biểu đạt. “Vì vậy, ước lệ mãi mãi là một vẻ đẹp rất riêng của sân khấu tuồng!”, NSND Trần Đình Sanh khẳng định.

Gắn với thủ pháp khoa trương, cách điệu

“Tính ước lệ phải gắn với thủ pháp khoa trương, cách điệu trong nghệ thuật biểu diễn. Tất cả những lời nói, động tác hình thể, sự đi lại trên sân khấu tuồng đều được khoa trương và cách điệu để trở thành những điệu hát, điệu nói, điệu múa có nguyên tắc và niêm luật cụ thể. Nếu nghệ thuật ước lệ không đi kèm với cách diễn xuất cách điệu của diễn viên, thì sự ước lệ sẽ trở nên lạc lõng và ngược lại”.

NSƯT, đạo diễn Phan Văn Quang

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.