Trong cuộc khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân (tháng 5-1916), vua Duy Tân ban hành một chiếu chỉ quan trọng. Sau đây là bản dịch toàn văn Bức chiếu đề ngày 29-4-1916, do Trần Cao Vân soạn thảo và Tôn Thất Đề chép lại bằng mực đỏ, và phần phụ đính lưu giữ tại tài liệu số 33 (số mới là 54, Hồ sơ 9588, Phông Toàn quyền Đông Dương, ANOM):
Thuận theo ý Trời, Trẫm công bố Chiếu chỉ Phục Quốc:
Tình yêu Tổ quốc khiến Trẫm không đội trời chung với kẻ thù; đó là nguyên tắc xử thế trong quá khứ của các vị Tiên Vương cũng như của các nhà ái quốc anh minh.
Từ tuổi nhỏ ngồi lên ngai vua, đến nay Trẫm tính đã có mười năm trị vì. Nhìn cảnh đất nước Trẫm thật xiết bao đau buồn, tình thế của vương triều càng đem lại cho Trẫm nỗi thống khổ biết chừng nào. Tấm lòng của Trẫm ưu sầu vì nhân dân đã trải qua những thời gian thử thách nặng nề và hai vị vua đã không trở về.
Mong muốn phục quốc cháy sáng trong tâm can Trẫm, và đối với Trẫm, đã trở thành một lý do để trăn trở, vì Trẫm vẫn chưa tìm thấy một con đường giải quyết thuận lợi. Ý Trời cũng vừa tỏ ra thuận theo mong muốn của Trẫm, đã cổ súy tất cả những người cùng chung nguyện vọng được bộc lộ vào một thời cơ tốt lành. Mọi người đã cùng Trẫm bàn bạc, rồi thảo ra một văn kiện cho lưu hành khắp nơi, nhằm giành lại di sản của tổ tiên Hồng Bàng.
Sau đây là Cương lĩnh của Trẫm tóm tắt qua những đường lối lớn:
[1] Rất coi trọng việc thi hành những nhiệm vụ xã hội, được thể hiện ở nguyên tắc cơ bản về sự trung thành với các vị vua của triều Nguyễn.
[2] Tạo dựng một Nhà nước lập hiến với khẩu hiệu “Vì sự hoàn thiện cao nhất trên con đường Văn Minh”.
[3] Thiết lập một Hiến chương chính trị liên quan đến Nhà nước lập hiến và những quyền tự do chính trị.
[4] Câu này đề cập sự tôn trọng các tôn giáo hay một giáo phái, không thật rõ.
Mục đích mà Trẫm theo đuổi có tầm quan trọng lớn nhất. Cần biết rằng con người khi bắt tay thực hiện một mưu sự nào, phải có sự phù hộ của Trời Đất để có thể thành công. Vậy thì, khi mà Đấng Chí tôn đã biểu thị sự đồng cảm với con người, chúng ta còn có gì phải do dự nữa? Chính vì vậy, không chút chậm trễ, Trẫm gửi đi Chiếu chỉ này và đặt vào đây Danh dự và Tính mệnh của mình. Trong tất cả mọi việc, Trẫm trao quyền hành động cho Hồng Việt, Hoàng Anh, Thanh Minh và Lam Giang, với sự hợp tác của những người có tấm lòng cao cả trong ba kỳ của Quốc gia Annam, dù họ là quan chức, viên chức, đương nhiệm hay không đương nhiệm, các nho sĩ, thân hào, người bình dân, và tất cả đều vì mục đích theo đuổi là đem lại một kỷ nguyên Văn Minh.
Ngay sau khi sự nghiệp hoàn thành, tất cả những ai có cống hiến sẽ được nhận những phần thưởng xứng đáng, và sẽ trở thành bất tử qua thời gian.
Bất cứ ai cản trở sự nghiệp này sẽ bị truy tố và trừng phạt không tha thứ.
Nay kính báo”.
Phần cuối của bức Chiếu này có ghi thêm những người nhận để thi hành, nguyên văn tiếng Pháp, tạm dịch như sau:
Chuyển để thi hành:
- Đến đạo nhơn Trần..., tự Hồng
Việt - chức vụ và cấp bậc: Cố vấn cao cấp, Tể tướng để phục hưng, phòng vệ đoàn tùy tùng hoàng gia, phụ trách các vấn đề quân sự;
- Đến đạo nhơn Thái..., tự Hoàng Anh, Phó Cố vấn cao cấp, Tổng đốc Hoàng Thành, phụ trách các vấn đề tài chính và kinh tế;
- Đến đạo nhơn Lâm..., tự Thanh Minh, Thống chế, người bảo vệ đoàn tùy tùng hoàng gia, phụ trách các công tác quản trị;
- Đến đạo nhơn Nguyễn..., tự Lam Giang, Phó Thống chế, Tổng đốc Thành nội và thành phố Kinh đô, phụ trách hành chính.
Hạ chiếu chỉ ngày 27 tháng 3 năm Duy Tân thứ 10.
(PCC, Huế ngày 9-6-1916, Sogny)
N.T.Đ